Khi thiếu máu, móng tay cũng trở nên giòn và mỏng, màu đục. Ảnh: morihati.com
Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa: Thiếu máu xảy ra khi mức độ huyết sắc tố lưu hành của một người nào đó thấp hơn mức độ của một người khoẻ mạnh cùng giới, cùng tuổi, cùng một môi trường sống. Bởi vậy, thực chất thiếu máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố trong máu lưu hành. Số lượng hồng cầu và hematocrit là một chỉ số phản ánh không trung thành của thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố trung bình của mỗi hồng cầu, thể tích trung bình của hồng cầu dễ thay đổi theo tính chất thiếu máu và do những tác động của những yếu tố khác.
Thiếu máu là một hội chứng hay gặp trong nhiều bệnh, nhất là các bệnh về máu. Chẩn đoán hội chứng thiếu máu, phân loại và tìm nguyên nhân phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, nhưng chủ yếu và quyết định phải dựa vào các xét nghiệm. Vì vậy, một người nào đó cần phải đi khám nếu nhận thấy mình có các triệu chứng lâm sàng sau:
Triệu chứng cơ năng
Người bệnh có thể cảm thấy mình có các dấu hiệu như sau:
- Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều.
- Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay.
- Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim.
- Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, ỉa lỏng hoặc táo bón.
Triệu chứng thực thể
Người bệnh có thể tự nhận biết hoặc do người khác phát hiện ra như:
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc có thể kèm theo sạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt. Đặc biệt có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay... hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng... Màu sắc của niêm mạc phản ánh trung thành hơn màu sắc của da.
- Lưỡi màu nhợt, hoặc có thể nhợt vàng trong huyết tán, hoặc bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, hoặc lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer. Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng, (thường gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc).
- Tóc rụng, móng tay giòn dễ gẫy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy,…
Khi thiếu máu, tim sẽ phải đập nhanh, và có thể có tiếng thổi tâm thu thiếu máu. Nếu thiếu máu lâu mà không được phát hiện và điều trị, có thể dẫn đến suy tim, rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, nếu ai đó thấy mình có các triệu chứng trên thì nên đi khám bệnh để các bác sĩ khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Từ đó, các bác sĩ sẽ có chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân thiếu máu và giúp điều trị bệnh có hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận