Ảnh minh họa. Nguồn: theodysseyonline.com
Tăng áp lực nội sọ là một cấp cứu cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như tổn thương não vĩnh viễn, hôn mê kéo dài và thậm chí là tử vong. Vì vậy, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ.
Tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng áp lực trong não. Nó có thể do tăng lượng dịch xung quanh tổ chức não. Ví dụ như tăng dịch não tủy hoặc tăng lượng máu trong não do chấn thương hoặc khối u não bị vỡ. Tăng áp lực nội sọ có nghĩa là các mô não của bạn bị phù do chấn thương hoặc bệnh lý, ví dụ như viêm màng não. Tăng áp lực nội sọ có thể do chấn thương não nhưng ngược lại nó có thể gây chấn thương não. Tăng áp lực nội sọ là một tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng
Những dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ bao gồm:
- Đau đầu;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Tăng huyết áp;
- Giảm khả năng tinh thần;
- Lẫn lộn về thời gian, vị trí;
- Nhìn đôi;
- Đồng tử không phản xạ với ánh sáng;
- Thở nông;
- Động kinh;
- Giảm ý thức;
- Hôn mê.
Những dấu hiệu này có thể chỉ ra những bệnh lý nghiêm trọng kèm theo tăng áp lực nội sọ như đột quỵ, u não hay chấn thương não gần đây.
Những dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ ở trẻ em
Tăng áp lực nội sọ ở trẻ em thường do nguyên nhân bạo hành trẻ em. Những triệu chứng ở trẻ em cũng bao gồm những triệu chứng giống như ở người lớn nhưng có thêm một số dấu hiệu chỉ gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi bởi những bản xương sọ của chúng còn mềm hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành nên sẽ có hiện tượng giãn khớp sọ. Tăng áp lực nội sọ còn có thể gây ra thóp phồng ở trẻ.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Chấn thương đầu là nguyên nhân thường gặp nhất của tăng áp lực nội sọ. Những nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng;
- Các khối u;
- Đột quỵ;
- Phình mạch;
- Động kinh;
- Co giật;
- Não úng thủy (tích tụ dịch não tủy trong các khoang não);
- Tổn thương não do tăng huyết áp (xảy ra khi huyết áp tăng không kiểm soát được dẫn đến chảy máu não);
- Thiếu oxy (nồng độ oxy trong máu giảm);
- Viêm màng não.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ cần biết một vài thông tin quan trọng về tiền sử bệnh của bạn như chấn thương đầu gần đây hoặc đã được chẩn đoán u não. Họ sẽ thăm khám lâm sàng, đo huyết áp và khám phản xạ đồng tử.
Họ cũng có thể đánh giá áp lực dịch não tủy qua chọc dò dịch não tủy ở phần thắt lưng. Các hình ảnh não thu được qua chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có thể cần thiết để chẩn đoán xác định.
Điều trị
Mục đích điều trị khẩn cấp nhất là làm giảm áp lực bên trong hộp sọ. Mục đích tiếp theo là điều trị bệnh lý nguyên nhân tiềm ẩn.
Các biện pháp giảm áp hiệu quả bao gồm dẫn lưu dịch não tủy qua nối thông hoặc khoan tạo một lỗ nhỏ ở sọ hoặc qua đường ống sống. Các thuốc có chứa mannitol và nước muối ưu trương có thể làm giảm áp lực vì chúng lấy bớt dịch ra khỏi cơ thể. Vì lo lắng có thể làm cho tăng áp lực nội sọ nặng lên nên bạn có thể được dùng thuốc giảm đau an thần.
Những giải pháp điều trị ít gặp hơn bao gồm:
- Mở hộp sọ;
- Uống các thuốc gây mê;
- Làm lạnh cơ thể hoặc hạ nhiệt độ.
Phòng bệnh
Bạn không thể ngăn chặn được tăng áp lực nội sọ nhưng bạn có thể phòng ngừa được chấn thương đầu. Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc chơi các môn thể thao tương tác. Thắt dây an toàn khi đi xe ô tô và chú ý cài dây cho trẻ.
Té ngã ở nhà cũng là một nguyên nhân thường gặp của chấn thương đầu, đặc biệt là ở người già. Tránh té ngã ở nhà bằng cách giữ sàn khô và sạch sẽ. Nếu cần thiết có thể làm thêm tay vịn.
Tiên lượng
Trì hoãn điều trị hoặc thất bại trong việc giảm áp lực nội sọ có thể gây ra các tổn thương não tạm thời hoặc vĩnh viễn, hôn mê kéo dài và thậm chí là tử vong.
Được tiếp cận với các phương pháp điều trị làm giảm áp lực nội sọ càng sớm thì tiên lượng càng tốt./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận