Ta thử tìm hiểu xem cách đôi mắt liếc ngang liếc dọc thế nào trước. Cấu trúc hình cầu cho phép nhãn cầu đảo chuyển gần như mọi vị trí theo mặt đồng hồ. Ai đó trợn trừng thì con ngươi chuyển hướng tới 12 giờ, liếc xéo - 3 giờ, bẽn lẽn- 6 giờ... Để làm được những điều trên, nhãn cầu cần sự hiệp đồng “bảy môn phối hợp” của bộ sáu bó cơ vận nhãn vây quanh, dưới sự lèo lái của thần kinh, não bộ.
Vì sao nhìn đời không thẳng thóm?
Dù liên láo, nghiêng ngó thế nào, cuối cùng rồi đôi nhãn cầu cũng quay về chính đạo. Cho nên, đại đa số thiên hạ nhìn đời thẳng thóm. Can qua đến, vì lý do nào đó, một hay vài bó cơ trở quẻ xé hợp đồng, đẩy nhãn cầu vào cảnh “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát. Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông”. Không khó đoán, đây là nguồn cơn của chứng lác/lé.
Kẻ trông vào người ngó ra!
Lác/lé phần lớn do bẩm sinh. Lé muộn do bệnh Basedow, đục thủy tinh thể, bệnh đáy mắt, tật khúc xạ, tiểu dường, đột quỵ... Nói theo sách, lác mắt là tình trạng một hay hai nhãn cầu không cùng nhìn về một hướng, phổ biến là liếc vào (lé trong), liếc ra (lé ngoài), và thi thoảng liếc lên trời (lé đứng). Lé, trước tiên làm hỏng thị trường, sau đó nếu dây dưa, đến lượt ảnh hưởng thị lực (nhược thị).
Điều trị lác, tùy tình hình mà quyết đánh lẻ hay cả loạt. Lác mới, trẻ được cho luyện nhìn trước, kiểu kéo co, lé bên nào liếc hướng ngược lại. Đeo kính đặc dụng, nhất là có kèm tật khúc xạ. Tiêm botox hoặc phẫu thuật là chước cuối đưa người lạc lối về đường ngay!
Mắt chéo, vì ai mà xéo?
Quay lại nhân vật chính. Mắt chéo là tình trạng một (hay hai) đồng tử lệch chếch vào phía mũi. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, cơ bản, mắt chéo có ruột rà với dòng lác/lé, so mặt mũi thì tương đồng với lé trong hơn cả.
Mới đầu, người ta quy lỗi “thượng bất chính” cho cái đầu “thần hồn nát thần tính” sao đó, khiến hai ảnh cùng hiển thị thay vì một. Sau đó, dự là trông thấy cảnh bà cô tập trung nhãn lực để...xỏ kim, đến độ hai con ngươi châu vào nhau suýt chạm, khiến người ta nghĩ lại. Phải chăng mắt chéo là cái kết của việc trổ hết thần lực nhìn vào điểm ảnh nhỏ, lâu ngày thành tật? “Đui” mới không nhận ra, xì-mát-phôn là nghi phạm khớp với nhận định trên đến từng milimet: màn hình nhỏ, điểm ảnh li ti, người dùng dí sát mắt vào màn hình, và thời gian tiếp xúc không ai qua nổi chàng!
Đời copy hai bản!
Đỉnh khổ nạn mà mắt chéo mang đến là chứng song thị, nhìn một thành hai! Dễ đoán cực hình khi tất thảy sự đời trước mắt nạn nhân đều…copy thành hai bản. Chí nguy khi nạn nhân nhìn thấy hai bậc cầu thang, hai chiếc xe đằng trước khi tham gia giao thông. Trẻ nhỏ đi học, nhìn thấy hai chữ trên bảng, hai cô giáo đưa đò, dự một suất đội sổ là rất tiềm năng! Tất nhiên, cái kết đợi sẵn của song thị là nhược thị tiến đến khiếm thị.
Mảng vui quên hết lời em dặn dò…
Hiển nhiên, bình thường con mắt liếc xéo hà rầm, chẳng hạn nhìn con ruồi đậu trên chóp mũi, nhưng mọi sự lại đâu vào đấy nhờ cơ vận nhãn. Ngặt là nếu xéo quá hăng, trong thời gian quá dài, nhiều khả năng khiến các bó cơ vận nhãn “mảng vui quên hết lời em dặn dò”, chặn mất đường quay về điểm ra đi của con ngươi.
Hầu hết mắt chéo ở thể cấp tính, nếu phát hiện kịp, được cả hệ thống vào cuộc, thì kẻ lạng quạng gần như chắc chắn tìm lại được chánh đạo. Nếu chắc do smartphone (còn ai trồng khoai đất này!), phải tức tốc cách ly rồi tính. Sửa mắt chéo dùng cùng bài với lác/lé gồm luyện nhìn, đeo kính, botox và phẫu thuật... Chẳng may, trúng phải chéo mắt mặt dày, nạn nhân phải sống đời với cảnh “chim Bắc cành Nam” của đôi tròng thịt.
Rành rành là dán mắt vào smartphone, mặc con tạo xoay vần, vẫn chưa thôi gây bất ngờ về những nguy hại từ nó. Lại phải giáo điều, những ai, bất kể U bao nhiêu, đang là tín đồ smartphone, thì đừng quên vạch cho mình thời gian biểu thích hợp với dế yêu, kẻo hối không kịp! Một số smarphone cài sẵn app giúp người dùng đặt quỹ thời gian giao lưu, quá hạn, cúp máy, khỏi xin xỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận