Tôi vừa nghe một cuộc "cãi vã" của cặp đôi trẻ ở bãi rêu tuyệt đẹp tại TP Quảng Ngãi. Đôi trẻ "mặt nặng, mày nhẹ" với nhau chỉ vì từ khi xuống tới bãi rêu, cô gái bảo chàng trai chụp ảnh cho mình đến tận khi trời đổ hoàng hôn xuống đáy nước.
"Mình đi chơi hay đi chụp ảnh đăng Facebook?"
Lời qua tiếng lại chừng 2 phút, cô gái đến giật chiếc điện thoại trên tay người yêu, vùng vằng bỏ đi. Anh người yêu nói vọng theo: "Anh hỏi em, mình đi chơi hay đi chụp hình đăng Face". Cô gái chẳng quay đầu lại, chàng trai hít một hơi rồi thở hắt ra, vội chạy theo, dỗ dành. Chẳng biết họ nói gì, nhưng cuối cùng cả hay ngồi trên xe máy, cùng xem những bức ảnh.
"Chiến trận" diễn biến rất nhanh nhưng cũng đủ khiến "khí thế" chụp ảnh tại bãi rêu có vẻ chùng xuống. Vài cô gái trẻ khác lườm người yêu, các anh lại cắn răng phục tùng. Chắc trong đầu anh nào cũng tâm trạng như chàng trai ấy, nhưng "tránh voi không xấu mặt nào", chả dại gì bật lại để rồi tốn thời gian dỗ dành. Dẫu sao khoảng 30 phút nữa trời tắt nắng hẳn, những thợ chụp hình bất đắc dĩ cũng sẽ được thôi công việc.
Tôi chợt nhận ra những lần bị vợ yêu cầu chụp ảnh, má ơi là khổ hạnh. Dù bản thân làm công việc cơ bản hiểu biết về chụp ảnh nhưng cũng chẳng làm hài lòng vợ được. Chân ngắn mà cứ bắt chụp cho dài; muốn chân dài phải hắt máy từ dưới lên thì bị nói ngay "chụp gì mặt như cái mâm", hoặc "ủa rồi phong cảnh đâu".
Tại bãi rêu ở bờ kè Phổ An, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, gần như 100% mọi người đều chụp hình. Tất cả các góc đều có người thả dáng. Lướt trên mạng, chỉ gần gõ từ khóa "bãi rêu, cầu Cổ Lũy, chùa Minh Đức..." là thấy ngay một trời hình ảnh lung linh từ các tài khoản mạng xã hội đăng tải. Đúng là "hạt gạo trên sàng", chụp cả trăm tấm để chọn vài tấm đăng Facebook, bảo sao không đẹp cho được.
Vui nhất là những status "cô đơn trên bãi rêu" kèm bức ảnh trầm tư giữa nắng chiều buông bóng; còn status "một mình bên chân sóng" thì kèm bức ảnh đứng trên bãi rêu nhìn ra biển. Mà khoan, một mình bên chân sóng, thì ai chụp hình cho. Đúng là phong trào "cúng phây" đang nở rộ.
Đi Măng Đen 2 ngày post 400 tấm ảnh, du lịch nỗi gì
Mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng nhiều người đang chọn đó là cuộc sống thật. Những nút like, comment chẳng khác nào oxy, thiếu vắng sẽ khó thở. Thậm chí Khánh Ngọc - cô bạn của tôi - còn thẳng thắn: "Đi du lịch mà không có ảnh đẹp đăng Facebook thì ở nhà cho rồi".
Tôi hỏi: "Tại sao phải có ảnh đăng Facebook mới là du lịch", Ngọc và vợ tôi đều cười lớn và bảo tôi lạc hậu. Lời giải thích khiến tôi từ hồ nghi bỗng chốc thấy mình lạc hậu thiệt.
"Mày phải chụp nhiều hình, đăng Facebook nhiều ảnh đẹp là mày góp phần quảng bá cho du lịch, hiểu không. Ôi cái đồ chưa lớn đã già này", Ngọc nói.
Tôi tính hỏi: "Thật sự chụp ảnh để quảng bá cảnh đẹp, hay để khoe riêng mình". Nhưng chồng Ngọc nháy mắt khiến tôi "bãi trớt", chả dại gì đi hỏi những câu trúng tim đen có thể gây mất đoàn kết.
Du lịch suy cho cùng là để thư giãn, nghỉ ngơi, giải tỏa những áp lực trong cuộc sống trước khi trở về với công việc thường nhật. Nhưng có lẽ thời điểm bùng nổ "cuộc sống ảo" này, giá trị cốt lõi của du lịch đã nhạt đi ít nhiều.
Tôi lướt Facebook của một vài người bạn thường xuyên đi chơi đây đó, và nhận ra tất cả các chuyến đi họ đều cập nhật rất nhiều bức ảnh của chuyến đi. Thậm chí, một người bạn trong hai ngày đi Măng Đen đã có 13 status với gần 400 bức ảnh từ sáng sớm đến tối khuya.
Hỏi chồng của bạn này, anh ấy nói: "Vợ tau như nghiện chụp ảnh. Suốt chuyến đi, toàn dừng lại chụp ảnh cho vợ là chính, mệt mỏi lắm". Anh này còn cho biết không chỉ vợ anh, mà những cặp khác cũng liên tục dừng lại chụp ảnh khiến chuyến đi trễ hành trình so với dự kiến và phải dừng, không đến một số điểm đã dự định trước đó.
Người thích chụp ảnh, sau chuyến du lịch trở về trong vui vẻ vì đã có được bức ảnh ưng ý "cúng phây". Còn những người trở thành nạn nhân của hội chứng mê chụp ảnh thì "ứ hơi" với chuyến đi không mấy thoải mái. Bởi họ chỉ muốn nghỉ ngơi trong lặng lẽ, rồi trở về với bộn bề cuộc sống...
Bạn có phải người mê chụp ảnh "cúng phây" trong các chuyến du lịch hoặc mọi hoạt động thường nhật? Mời bạn chia sẻ ý kiến về những chuyến đi không chỉ để ngắm cảnh về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận