Nhờ số hóa toàn bộ không gian triển lãm và đưa lên một nền tảng trực tiếp, sức tương tác của một hội chợ tăng có thể gấp nhiều lần.
Số hóa hội chợ, triển lãm
Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 vừa diễn ra ở TP.HCM trở thành triển lãm quốc tế đầu tiên mà nền tảng tìm nguồn cung ứng B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp - bussiness to bussiness) đa kênh Global Sources triển khai hình thức online và offline kết hợp.
Trong thời gian diễn ra, ban tổ chức thực hiện những tour triển lãm trực tuyến hay còn gọi Virtual Show. Đó là chương trình quay gian hàng và sản phẩm của các nhà trưng bày, đồng thời phát trực tiếp trên nền tảng website Global Sources nhằm tối đa hóa cơ hội tiếp cận hơn 1,5 triệu nhà mua hàng đang hoạt động trên trang web của đơn vị này mà không thể đến triển lãm để tham quan trực tiếp.
Với các tính năng tương tác, các nhà mua hàng nước ngoài có thể xem chương trình phát sóng trực tiếp, tìm kiếm sản phẩm, trao đổi danh thiếp và tương tác trực tuyến với các đơn vị trưng bày.
Trong bối cảnh chi phí giao thương đang trở nên đắt đỏ vì các chuyến bay, phí lưu trú... tăng cao buộc các nhà tổ chức triển lãm quốc tế phải tìm cách làm mới mình.
Ông Hu Wei, giám đốc điều hành Global Sources, cho biết tour triển lãm trực tuyến là cách đón đầu xu hướng và đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Việt Nam và khắp châu Á của các nhà mua hàng quốc tế.
"Với dịch vụ toàn diện từ trực tuyến đến trực tiếp (Online-to-Offline), chúng tôi để nhà mua hàng quốc tế kết nối với các nhà cung cấp đã được xác thực, khám phá các sản phẩm mới và thiết lập quan hệ đối tác có giá trị dù họ ở nơi đâu", ông Hu Wei tin tưởng.
Ông Thierry Bourret, một nhà mua hàng đến từ Pháp, cho biết ông quyết định đến Việt Nam tham gia các triển lãm quốc tế để tìm nguồn cung mới. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp trong mạng lưới của ông lại chọn hình thức kết nối online vì họ vẫn còn lưỡng lự về thị trường này.
"Dù sao, đi đến nơi và tiếp xúc trực quan vẫn hiệu quả hơn, nhưng với những đơn hàng gia công hay đã có niềm tin về nhà sản xuất, các kênh trực tuyến rất hiệu quả", ông Thierry Bourret đánh giá.
Hội chợ kết thúc, cơ hội vẫn mở
Tại hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, bên cạnh tổ chức đón đoàn nhà mua hàng quốc tế như một dịch vụ cộng thêm thì ban tổ chức cũng đưa toàn bộ không gian hội chợ để số hóa bằng công nghệ scan 3D.
Triển lãm trực tuyến này sẽ được duy trì 365 ngày trên nền tảng online, tạo nên cơ hội tương tác khách hàng 24/7, không giới hạn khoảng cách giữa người mua và người bán.
Vừa chốt được đơn hàng hai container dừa tươi xuất khẩu mỗi tuần vào thị trường Dubai và một container chanh không hạt và thanh long mỗi tuần vào thị trường Oman ở hội chợ xuất khẩu này, ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty T&T Vina - cho biết đó là những đơn hàng dài hạn, lợi nhuận tốt. Khách đã xem trước các gian hàng trên web và kênh online. Khi tiếp xúc thì họ rõ hơn về hàng hóa, bao bì, giá cả nên chốt rất nhanh.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hình thức này đã được HAWA ứng dụng trên nền tảng số, các doanh nghiệp có điều kiện thể hiện năng lực sản xuất, quy mô nhà máy một cách trực quan sinh động nhất trước nhà mua hàng và khách tham gia triển lãm cũng như thiết lập các cuộc hẹn trao đổi trực tiếp tại không gian hội chợ. Đây là một trong những tiến bộ trong công tác triển lãm hội chợ, khi kết hợp được cả hai môi trường online lẫn offline.
Như ở triển lãm HawaExpo tổ chức tháng 3-2024 dù đã kết thúc hơn hai tháng nhưng các nhà mua hàng đến nay vẫn có thể trải nghiệm triển lãm trực tuyến khi ban tổ chức đã số hóa toàn bộ 28.000m2 không gian triển lãm và giới thiệu trên nền tảng của mình.
Vẫn có những giới hạn
Giám đốc một doanh nghiệp nội thất thừa nhận, ngoại trừ các doanh nghiệp lâu năm, có tiếng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp còn non trẻ vẫn cần những cuộc tiếp xúc trực tiếp.
Chưa kể, thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm thiết kế, sáng tạo mẫu mã chứ không còn đơn thuần tham gia vào công đoạn gia công.
Vì vậy, yếu tố bản quyền mẫu mã cũng bắt đầu được để ý hơn. Với các mẫu mã độc quyền, nhà tham gia triển lãm thường xin từ chối chụp hình, đưa lên không gian trực truyến.
Xu hướng kết hợp giữa thương mại truyền thống và kỹ thuật số
Theo các chuyên gia, xu hướng kết hợp giữa thương mại truyền thống và kỹ thuật số có mục tiêu tạo ra một trải nghiệm giao thương đa chiều và tiện lợi cho cả người mua và người bán hàng.
Trong đó, công nghệ scan 3D cung cấp cơ hội cho người mua hàng quốc tế tương tác động và trực quan hơn với sản phẩm, giúp họ cảm nhận được chất lượng và tính năng của sản phẩm một cách chi tiết hơn.
Các hội chợ triển lãm quốc tế gần đây còn đón nhận phản hồi tích cực nhờ tích hợp công nghệ vào tổ chức như triển khai app đăng ký trực tuyến, quét mã kiểm tra.
Thông qua app của hội chợ, khách có thể đặt lịch hẹn, đặt xe tham quan, lưu trữ kế hoạch tham quan. Ngoài ra, đơn vị triển lãm có thể lưu trữ thông tin khách hàng tức thì qua hệ thống QR code, mời khách và chia sẻ lợi ích tham quan khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận