03/11/2020 09:23 GMT+7

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: 'Họ ấm thì mình vui'

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Cũng bị bủa vây bởi vô vàn khó khăn mùa mưa bão, thế nhưng có những nhóm người vẫn âm thầm gom góp từng trái đu đủ, nắm rau lang... để nấu hàng ngàn suất cơm gửi đến vùng ngập lũ.

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 1.

Phụ nữ thôn Chợ Sen chuẩn bị những phần cơm nóng cho bà con vùng lũ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Với tinh thần ấy, dù cơn bão có lớn cũng chẳng dập tắt được chiếc bếp lửa được đun chính bằng tình thương, tình nghĩa nơi đây.

Họ no mình ấm, họ ấm mình vui

Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, trời Quảng Binh mưa gió, nước ngập khắp nơi. Nhiều quán cơm trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chộn rộn, không phải tiệc tùng, ca hát, mà mọi người đang hối hả cùng nhau nấu hàng ngàn suất cơm để chuyển đến những vùng lũ ngập nặng.

Ở thôn Zụm (xã Sen Thủy), nhà chị Lê Thị Hằng nằm chỗ cao, lại sát quốc lộ nên được chọn để làm nơi tập kết, nấu chung. Đây là buổi thứ hai nhóm phụ nữ thôn Zụm đứng ra nấu cấp phát cho các vùng ngập lụt ở Lệ Thủy.

Chị Lê Thị Duệ (43 tuổi) - chi hội trưởng hội phụ nữ thôn, kể: "Thôn Zụm may không ngập, nên việc nấu cơm gửi tới mấy hộ bị ngập nặng lút nhà cửa, gạo lúa là việc phải, việc cần trong mùa này mà. Tui chỉ nghĩ là lâm thế mình thì cũng đói, cũng lạnh như họ, nên họ no mình ấm, họ ấm là mình vui".

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 2.

Mất điện, chị Lê Thị Hằng nấu cơm bếp củi - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hôm đó nhóm dự kiến chuẩn bị 1.500 hộp cơm, nhưng trưởng nhóm gọi báo cần tăng thêm 400 suất để chi viện thêm xã An Thủy (huyện Lệ Thủy). Lúc nhóm nhận thông báo, trời cũng đã gần trưa, chợ mùa mưa đã tan từ sớm.

Bà Lê Thị Thu (56 tuổi) chợt nói: "Để tui về bắt mấy con gà, rồi thêm cặp vịt lên làm liền cho kịp". Mọi người vỗ tay hoan hô, còn bà Lê Thị Khắng (62 tuổi) hét lớn: "Ghé nhà tui luôn đi, nói con bé đưa ít chục hột vịt lên mà đổ chả, bỏ thêm cho bà con". 

Cách thôn Zụm không xa, gần 15 người khác của thôn Chợ Sen cũng đang hối hả cùng nhau nấu cơm. Bếp củi của nhóm phụ nữ thôn này đỏ lửa cũng bằng đóng góp từ mọi người. Trước ngày nấu, bà Lê Thị Điệu (65 tuổi) mang tặng nhóm hơn 30 trái đu đủ có trong vườn nhà.

Đây là hoạt động được các chi hội, đặc biệt là chi hội phụ nữ của xã tự nguyện đứng ra phát động. Để hoạt động diễn ra lớp lang, bài bản thì các nhóm sẽ đăng ký ở xã để từ đó chúng tôi hỗ trợ đầy đủ về thông tin liên lạc, rồi phương tiện, lực lượng thì mới có thể phân phát cơm đến những nơi xung yếu cần thiết mà vẫn đảm bảo an toàn

Ông LÊ VĂN BẮC - chủ tịch UBND xã Sen Thủy

Bữa nào đàn ông trong xã cất được cá thì nấu cá, không thì các chị lại đi chợ mua gà, heo, vịt...từ tiền nhiều hộ gia đình khác đóng góp. Rau củ như đu đủ, rau lang, rau ngót, bí... được chị em trong hội hái mang tới cho. Hơn 9.000 suất đã được bếp cơm ở Sen Thủy nấu gửi đi khắp các vùng ngập lũ. 

"Biết là một miếng khi đói bằng một gói khi no, nhưng dầm mình trong mưa lũ, ăn nhiều chất tí cũng đỡ, miền ngoài ni ăn ít lại chút cũng được" - bà Điệu nói. 

Thêm vai thì nhẹ gánh

Những tia nắng ấm đầu tiên ở rốn lũ xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) sau hơn một tuần nay cũng ló dạng. Đoàn đoàn, lớp lớp người ở các xã ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cạnh đó cũng bắt đầu vượt lũ sang hỗ trợ người dân Tân Hóa.

Lỉnh khỉnh máy phát điện, máy bơm vừa mượn về, anh Đinh Xuân Hoàng (giáo viên tại xã Trọng Hóa) cùng hơn 20 người khác sang phụ giúp các giáo viên tại điểm trường tiểu học số 1 Tân Hóa, điểm từng bị ngập gần 1 tầng nhà.

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 4.

Chị Thu Dương (trái) giúp người dân Tân Hóa dọn lũ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Người cầm vòi xịt, người khác dùng chổi đẩy, thoáng chốc từng phòng học 1A, sang 2B, 3D... rồi đến phòng học cuối cùng cũng đã xong. 

Có chi đâu hè. Để mọi người thì e tới ngày mai chưa xong. Cứ nghĩ thêm vai thì nhẹ gánh, làm đông vui thì nhanh hơn là khỏe

Giáo viên ĐINH XUÂN HOÀNG

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Đám trẻ thôn Chợ Sen háo hức trước những hộp cơm nóng hổi còn bốc khói nghi ngút. Sau khi cơm được cho vào các hộp, bé Minh Hằng (8 tuổi), Bảo Khánh (8 tuổi) và Thành Đức (7 tuổi) tranh nhau xếp ngay ngắn ở bàn. Minh Hằng là con gái và đã từng làm hai ngày qua nên có lẽ đã thành thạo hơn trong việc sắp xếp này. Còn Thành Đức, cậu con út của chị Lan, có lẽ vì không hay phụ mẹ nấu nước nên vẫn còn chút e ngại. "Cô em bảo tuổi nhỏ làm việc, nên khi thấy mẹ cần thì em làm thôi" - Minh Hằng nhanh nhảu nói.

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 7.

Phụ nữ thôn Chợ Sen chuẩn bị hơn 1.500 suất tặng bà con vùng ngập - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 8.

Chị Lê Thị Duệ (trái) cùng các chị trong nhóm chuẩn bị bữa cơm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 9.

Các bạn nhỏ thôn Chợ Sen phụ mẹ việc sắp xếp cơm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 10.

Người dân xã Sen Thủy dùng đò máy vào đưa cơm cho người dân vùng ngập sâu của huyện Lệ Thủy. Ảnh chụp tại xã Cam Thủy - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hội chị em nấu cơm gửi đồng bào vùng lũ: Họ ấm thì mình vui - Ảnh 11.

Các giáo viên vượt lũ đến với rốn lũ Tân Hóa - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Lũ qua đi, những ngôi nhà chống lũ vẫn ở lại Lũ qua đi, những ngôi nhà chống lũ vẫn ở lại

TTO - Những ngày mưa lũ vừa qua khi hầu hết các ngôi nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị đều ngập trong lũ giữa tình hình mưa bão bất thường thì những ngôi nhà phao ở rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình) trở thành nơi trú ẩn an toàn.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên