Bản dịch Hội chân biên vừa được ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Hội chân biên là một trong số các đầu sách Hán Nôm lâu nay vẫn nằm trong tàng thư của quốc gia nhưng chưa được dịch, in, phổ biến, mặc dù đây là một ghi chép mạch lạc và đầy đủ nhất về các vị nam nữ thần của Việt Nam.
Công trình vừa được dịch giả Nguyễn Thanh Tùng khảo dịch, đặc biệt còn kỳ công làm thêm phần phụ lục - là những tư liệu có liên quan đến Hội chân biên.
Cũng chính nhờ phần phụ lục này, danh nhân Nguyễn Trãi (hay Lê Trãi gọi theo quốc tính được ban) được ghi nhận dưới góc nhìn của thế giới tâm linh.
Đặc biệt là phần chính văn của Hội chân biên, trong số 13 vị nam thần bản địa có một vị đạo hiệu là Đạo Am chủ nhân, tức là vua Lê Thánh Tông, tên húy là Lê Tư Thành. Lê Thánh Tông là vị vua nổi tiếng bởi kiến lập được đời sống "thiên hạ thái bình" thực sự cho quốc dân xã tắc lúc ngài cai trị.
Nhưng từ góc độ tâm linh, Hội chân biên giới thiệu về ông như sau: "Đạo chủ là tiên trên trời giáng thế, tự đặt hiệu là "Thiên Nam động chủ", biệt hiệu là "Đạo Am chủ nhân"...
Khi Ngô Thái hậu Quang Thục sinh ngài, mộng thấy Thượng đế ban cho một ngọc nữ để cùng sánh đôi, chính là hoàng hậu Trường Lạc; lại ban cho một bề tôi giỏi để phò tá, chính là Trạng nguyên Lương Thế Vinh".
Trong khi tiểu sử hai tác giả của Hội chân biên là Thanh Hòa Tử và Quế Hiên Tử còn chưa tìm thấy rõ ràng, nội dung sách như trên phản ánh góc nhìn từ tâm thức dân gian về công trạng và sự nghiệp của một số nhân vật lịch sử.
Chẳng hạn việc tiến thân của Trạng nguyên Lương Thế Vinh không chỉ phản ánh chính sách trọng dụng hiền tài của vua Lê, mà ở đây còn phản ánh một nguyên do đến từ quan niệm "căn duyên tiền định" giữa vua và kẻ sĩ.
Tranh vẽ cảnh Trạng nguyên Lương Thế Vinh vào chầu vua trong bản sách gốc Hội chân biên - Ảnh: L.ĐIỀN
Bên cạnh đó, Hội chân biên còn có đầy đủ 13 vị thần tiên nam (Chử Đạo tổ, Áp Lãng chân nhân, Phù Khế Nguyên chân nhân, Thông Huyền chân nhân, Huyền Vân chân nhân, Na Sơn chân nhân, Hoàng Sơn chân nhân, Đạo Căn chân nhân, Đạo Am chủ nhân, An Quốc chân nhân, Lộc giác chân nhân, Hồng Sơn chân nhân, Thành Đạo chân nhân) và 12 vị thần tiên nữ (Sòng Sơn thánh mẫu, Tiên Dung công chúa, Trường Lạc nguyên phi, Ngải hòa thiếu nữ, Ngọc Tiên tiên chúa, Giáng Hương tiên tử, Giáng Kiều tiên tử, Xuất thủy nhị tiên, Bồi liễn tiên nương, Chế y tiên tử, Thưởng hội song tiên, Đề thi tiên nữ).
Đây có thể xem như bộ danh sách đầy đủ về các nhân vật thần tiên thuộc đạo Lão, đạo Mẫu và cả Nội đạo của người Việt, mặc dù mỗi vị tùy theo cơ sở tư liệu nhiều hay ít, hai tác giả trình bày ngắn dài khác nhau.
Một số nhân vật có tên và địa chỉ cụ thể, cũng được ghi nhận trong sách này có thể chính là những gợi ý thú vị để giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, như trường hợp hoàng hậu Trường Lạc - vợ vua Lê Thánh Tông, hay Na Sơn chân chân, Đạo Căn chân nhân, Hồng Sơn chân nhân...
Trong phần phụ lục, phần chép về Nguyễn Trãi dưới góc độ thần tiên chủ yếu là thuật lại câu chuyện thần tiên hướng dẫn để ông và Trần Nguyên Hãn biết đường tìm đến Lê Lợi khi còn chưa vào cuộc khởi nghĩa chống quân Minh.
Việc ấn hành Hội chân biên dịp này như cung cấp một bản tài liệu mà giá trị còn nhiều phương diện cần khảo cứu để khai thác, dẫn dụng.
"Với sự đầy đủ, bao quát về thần tiên như vậy và những sự độc đáo riêng về nội dung thông tin, Hội chân biên là một tài liệu có tính chỉ dẫn, tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu đạo Tiên, Đạo giáo, đạo Mẫu, đạo Nội... hay rộng hơn là lịch sử tư tưởng, tôn giáo, văn hóa ở Việt Nam", ý kiến này của dịch giả thật đáng để học giới và đông đảo bạn đọc lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận