Dàn môtô hai bánh cổ được trang trí trước giờ biểu diễn - Ảnh: B.D.
Mừng 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, từ 14h ngày 7-9 tới ngày 9-9, các đoàn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc và toàn bộ xe cổ sẽ bắt đầu đổ về phố cổ Hội An, qua Mỹ Sơn để công diễn phục vụ du khách. Đường phố, các không gian mở tại hai di sản sẽ trở thành sân khấu ngoài trời để các nghệ nhân, đoàn nghệ thuật trình diễn.
Hội An, Mỹ Sơn chính là hai sân khấu vĩ đại nhất cho các tiết mục. Tôi muốn để “mộc” mọi thứ, không một thứ lòe loẹt, màu mè nào phá vỡ không gian. Nghệ nhân sẽ biểu diễn như chính họ đang diễn ở bản làng, và phố cổ sẽ làm họ tỏa sáng.
Nghệ sĩ NGÔ HỒNG QUANG
Phố cổ rợp xe cổ
14h ngày 6-9, hàng chục chiếc xe cổ mang biển số các tỉnh thành từ TP.HCM ra Hà Nội đã dàn hàng ngay ngắn. Những chiếc xe cổ, gồm 80 ôtô và 60 xe hai bánh gây sự chú ý lớn đối với khách du lịch tại Hội An. Nhiều xe khi vừa đặt chân tới địa điểm tập kết, chủ xe đã đánh một vòng dạo qua các tuyến đường rìa phố cổ trước sự trầm trồ của khách du lịch.
Là đạo diễn điều phối các hoạt động xe cổ và cũng là người đam mê các dòng xe có tuổi đời sâu, đạo diễn Hoàng Thiên cho rằng việc hội tụ ở Hội An là một cơ hội rất hiếm có của giới chơi xe mọi miền.
Theo lịch trình, các xe cổ sẽ có hai ngày trình diễn tại hai di sản. Hoạt động đặc trưng nhất là từng đoàn xe cổ, gồm cả ôtô lẫn xe máy, sẽ nối đuôi nhau diễu hành qua các trục đường chính tại Hội An, sau đó ngang qua huyện Duy Xuyên để về Khu đền tháp Mỹ Sơn.
"Trong số xe cổ mà chúng tôi mang tới, có những chiếc xe gắn với các nhân vật nổi tiếng hoặc những chiếc xe cực hiếm, người có tiền cũng không thể sở hữu như xe Ford Oakland 1927" - đạo diễn Hoàng Thiên nói.
Hội An, Mỹ Sơn thành sân khấu lớn cho nhạc cụ 54 dân tộc
Ngoài xe cổ, người dân phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ được thưởng thức các tiết mục tinh hoa của 54 dân tộc. Người được chọn để điều phối, tổng đạo diễn cho hoạt động này là nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang.
Từ Hà Lan về Việt Nam và mất nhiều tháng để tập trung cho hoạt động trình diễn nhạc cụ 54 dân tộc tại hai di sản, Ngô Hồng Quang cho biết dù thấm mệt, phải "quá vai" khi lần đầu tiên điều phối một chương trình nghệ thuật lớn và có độ khó cao với đông đảo nghệ nhân bán chuyên nghiệp, anh đang háo hức đếm từng giây chờ ngày đưa nghệ nhân vào phố cổ múa, hát.
Ngô Hồng Quang cho biết từ cuối năm 2018 đến nay, anh cùng ông Nguyễn Thành Sang (chủ Resort Palm Garden, trưởng ban tổ chức Nhạc cụ dân tộc và xe cổ hành trình di sản) đã tới các tỉnh thành, gặp sở văn hóa các tỉnh, vào các làng tìm những nghệ nhân, mời về Hội An biểu diễn. Và nay, gần 200 nghệ nhân dân gian của 54 dân tộc đã hội tụ về.
Trưa 6-9, dù đã gần 12h, Ngô Hồng Quang vẫn cùng các nghệ nhân Cơ Tu tại Quảng Nam tập dượt lại lần cuối điệu múa Tung Tung Ya Ya. Đây sẽ là một tiết mục điểm nhấn kết hợp với các đoàn nghệ thuật đến từ Tây Nguyên trình diễn qua các tuyến phố trong lòng phố cổ Hội An.
Hoạt động Nhạc cụ dân tộc và xe cổ hành trình di sản được tổ chức từ ý tưởng và sự đóng góp kinh phí (ước tính 6 tỉ đồng) của những người Quảng xa quê, thành đạt hưởng ứng 20 năm ngày UNESCO vinh danh Hội An và Mỹ Sơn.
Ông Nguyễn Thành Sang cho biết Mỹ Sơn và Hội An đã tạo ra quá nhiều giá trị mà người dân, những doanh nghiệp được hưởng lợi và với các doanh nhân, việc tổ chức chương trình nghệ thuật lần này cũng như một lời tri ân, cảm tạ những gì mà di sản mang lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận