Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 28-12, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - khẳng định sau giai đoạn khó khăn chưa từng có từ COVID-19, ngành du lịch Hội An đã quay lại ngoạn mục với doanh thu tăng vọt. Thể hiện rõ nhất là số khách tham quan khu phố cổ.
"Số liệu bán vé vào phố cổ là thật, không phải ảo"
Theo UBND TP Hội An, tính đến ngày 28-12, toàn TP Hội An đón 4 triệu lượt khách tới các điểm tham quan trong năm 2023; trong đó khách quốc tế vẫn là chủ yếu với hơn 3 triệu lượt, tăng hơn 330% so với năm 2022.
Khách đến Hội An đông cũng kéo theo dịch vụ lưu trú ấm dần trở lại. Các khách sạn, resort, villa… mở cửa, tuyển thêm người. Công suất sử dụng buồng, phòng đã đạt mốc 50%.
Năm 2023, Hội An thu tổng cộng hơn 190 tỉ đồng từ nguồn bán vé tham quan vào khu phố cổ. Ngoài ra có thêm hàng chục tỉ đồng thu từ các điểm đến khác như Cù Lao Chàm, rừng dừa Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà...
Nếu đối chiếu số liệu như trên có thể thấy số tiền bán vé vào điểm du lịch chính tại TP Hội An là phố đi bộ đã tăng… gần 200 lần so với mức 1,4 tỉ đồng vào năm 2021.
Từ một điểm đến bình quân 5 triệu lượt khách/năm, từ dịch COVID-19 tới nay, Hội An chứng kiến giai đoạn khó khăn chưa từng có. Doanh thu bán vé tham quan phố cổ năm 2020 đạt 32 tỉ đồng, tới 2021 tụt xuống 1,4 tỉ đồng, đến 2022 tăng lên 42 tỉ.
Khi Hội An công bố số liệu này thì nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn. Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định đây là báo cáo kinh tế xã hội, được các phòng ban rà soát và tổng hợp rất kỹ.
Số liệu này phản ánh những nỗ lực phục hồi du lịch của Hội An, trong đó tần suất dày đặc những chuyến ra nước ngoài xúc tiến, quảng bá mời gọi khách quay lại Hội An từ những người đứng đầu thành phố.
Du lịch phố cổ đã bớt nguội lạnh
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online cho thấy bầu không khí kinh doanh du lịch ở Hội An đã dần sôi động trở lại sau nhiều năm nguội lạnh.
Nhờ các hoạt động nghệ thuật hằng đêm được duy trì, khách tới Hội An không chỉ nhiều dần qua từng tháng, mà số ngày lưu trú hiện cũng đã đạt 2 ngày/khách/lượt.
Ông Nguyễn Minh Lý - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết việc cho thuê nhà cổ công sản trong phố cổ Hội An mấy năm trước rất khó. Tuy nhiên mới đây khi tổ chức đấu giá 11 căn thì doanh nghiệp đã trúng thầu với giá cao hơn khởi điểm.
Hiện nay đi vào trung tâm phố cổ đã thấy nhiều hàng quán mở cửa trở lại. Số bảng thông báo cho thuê, bán nhà cổ đã ít hơn so với những năm trước.
Trên các nhóm kinh doanh bất động sản, mỗi tin rao cho thuê nhà cổ luôn nhận được nhiều quan tâm với mức phổ biến từ 20 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi nhà cổ, tùy theo vị trí, diện tích.
TP Hội An cũng tổ chức các trạm đưa đón phục vụ khách bài bản hơn, khiến nguồn thu từ bán vé tăng lên.
Ngoài phố cổ, rừng dừa Cẩm Thanh hiện đã chứng kiến sự quay lại mạnh mẽ từ các đoàn khách. Mỗi ngày, điểm đến này đón bình quân 3.000 lượt, chủ yếu khách Hàn Quốc. Các nhà hàng, điểm mua sắm, bến tàu luôn chật kín khách vào giờ cao điểm.
Nhiều doanh nghiệp lưu trú đã có lãi
Trả lời thông tin việc nhiều khách sạn, cơ sở du lịch gặp khó khăn, bị ngân hàng xiết nợ hoặc rao bán, cho thuê..., ông Nguyễn Văn Sơn nói việc này là có nhưng rơi vào nhóm một số doanh nghiệp "dùng du lịch làm đòn bẩy tài chính".
Từ năm 2019, du lịch khó khăn khiến doanh thu sụt giảm, tăng áp lực trả nợ cho ngân hàng dẫn đến việc một số doanh nghiệp mất thanh khoản.
"Nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh du lịch thuần túy, có nền tảng từ lâu ở Hội An dù khó khăn nhưng họ vẫn trụ vững và tới nay có lãi trở lại. Lượng đặt phòng ở các khu lưu trú lớn, có thương hiệu luôn đạt mức cao" - ông Sơn khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận