Gia đình Thịnh giờ đây như sống lại cuộc đời mới sau ca đại phẫu thành công của cha và con - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Chính lòng tốt của bao người đã cứu sống chàng sinh viên này.
Cha, con và lòng tốt bao người
Cả nhà ba thành viên ai cũng rạng rỡ nét tươi vui trên khuôn mặt, trái với vẻ âu lo, căng thẳng của lần trước không biết Thịnh có vượt qua khỏi căn bệnh xơ gan giai đoạn cuối quái ác.
Đó là lúc tiền đâu để thực hiện ca ghép gan chi phí gần 2 tỉ đồng? Cha mẹ Thịnh quyết tâm còn nước còn tát, bằng mọi giá phải tìm đường sống cho con trai.
Trần Phúc Thịnh (19 tuổi, sinh viên Trường đại học An Giang) mắc bệnh xơ gan hiếm gặp từ năm 7 tuổi. Quãng thời gian dài hơn 10 năm cả nhà ba người dìu dắt nhau đi về giữa An Giang và TP. HCM chạy chữa, chưa một ngày buông xuôi.
Cầm cự mãi đến năm cậu được 16 tuổi, bệnh viện tại TP.HCM trả hồ sơ về địa phương điều trị. Cũng từ đây căn bệnh mười mấy năm kìm hãm bằng thuốc bột phát nặng nề hơn. Chàng trai trẻ đứng trước lằn ranh sinh tử, biến chứng xơ gan giai đoạn cuối, nôn ói ra máu nhiều lần.
Không thể ngồi yên nhìn con trai rơi vào hiểm cảnh, cha mẹ Thịnh một lần nữa đưa cậu khăn gói đến TP.HCM tìm cách cứu chữa. Lúc đầu chỉ khám tại một phòng mạch tư nhân, vị bác sĩ thấy tình trạng xấu nên đã hướng dẫn tiếp tục cho Thịnh vào Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM thăm khám chuyên sâu.
Cũng từ đây, ánh sáng cuối con đường mở ra cho cả gia đình ba người, chỉ cần được ghép gan thành công, Thịnh sẽ sống một cuộc đời bình thường, học tập, làm việc, lập gia đình và sinh con.
Nghe bác sĩ nói như vậy, ông Trần Phương Thùy, cha của Thịnh, nửa tin nửa ngờ, thầm hỏi hay bác sĩ chỉ động viên mình thôi.
"Nhưng dù có một chút hy vọng cứu con, tôi cũng phải thử, tôi đồng ý hiến một phần gan của mình cho con được sống. Khó khăn lớn nhất là chi phí phẫu thuật trước, trong và sau hồi phục cần số tiền gần 2 tỉ đồng", ông Thùy tâm sự.
Gia đình ba người lại một lần nữa rơi vào bế tắc, họ từ TP.HCM buồn bã quay về nhà. Mặc dù vậy, tấm lòng cha mẹ vẫn quyết phải tìm mọi cách chạy chữa cho con. Họ sẵn sàng bán hết tài sản và đi vay mượn nợ thêm.
Sau khi học hết học kỳ 1 theo hình thức online, Thịnh vào Trường đại học An Giang xin bảo lưu kết quả, tạm hoãn việc học đi trị bệnh. Đoàn trường thấu cảm và mong muốn sẻ chia với gia đình nên đã vận động sự sẻ chia trong sinh viên, thầy cô, và nhà hảo tâm. Phương châm "của ít lòng nhiều", mong mỏi tiếp một phần sức cho cậu sinh viên số phận kém may mắn.
Thư kêu gọi của Hội sinh viên trường lan truyền trên mạng xã hội, rất nhanh chóng đã tiếp nhận được số tiền đợt 1 hơn 100 triệu đồng và được trao ngay cho gia đình. Truyền hình báo Tuổi Trẻ cũng đã đăng tải đoạn video phút đời thường "Nỗi lòng người cha ngày đêm mong mỏi hiến gan cứu con".
Từ đây, nhiều nhà hảo tâm thông qua nhiều kênh khác nhau, bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp nối dài vòng tay yêu giúp cậu sinh viên vượt qua lằn ranh sinh - tử đời người.
"Khi tôi nghe Đoàn trường vận động kinh phí, tôi nghĩ chỉ vài chục triệu đồng là mừng rồi, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Nào có ngờ số tiền đã nhận hơn 320 triệu đồng.
Rồi nhiều mạnh thường quân âm thầm chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng và trực tiếp đến nhà trao tặng. Nhờ đó nhanh chóng có được gần một nửa chi phí thực hiện ca đại phẫu thuật, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt", ông Thùy xúc động tâm sự về lòng tốt của bao người.
"Và những lần đọc được lời động viên của mọi người ghi chú kèm theo số tiền chuyển khoản mà em được nhận, khiến em cảm thấy mình không đơn độc trên hành trình tìm lại sự sống", Thịnh cũng trải lòng biết ơn.
Trần Phúc Thịnh thường lấy giáo trình tự học chờ ngày quay lại giảng đường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Hành trình không đơn độc
Ngày phát bệnh, biết mình khó qua khỏi, Thịnh đã khóc vì thương cha mẹ luôn yêu thương, cố gắng hết sức vì mình và cậu sợ cha mẹ phải khổ thêm.
Thế nhưng hôm nay, cậu sinh viên ốm yếu ngày nào đã tươi vui hơn, gương mặt không còn đầy âu lo như bảy tháng trước nhiều người từng thấy, chàng trai khỏe khoắn, da dẻ hồng hào, đầy sức sống mong muốn sớm trở lại giảng đường.
"Khi mọi người chuyển tiền cho em không chỉ giúp về vật chất mà còn động viên rất lớn về tinh thần. Số tiền có khi chỉ vài trăm nghìn thôi, nhưng lúc nào cũng đính kèm dòng gửi gắm: "Thịnh ơi cố lên/ Cố gắng khỏe lại nhé Thịnh/Hãy lạc quan vượt qua hiểm cảnh để trở lại giảng đường nhé Thịnh". Cho đến bây giờ và mãi sau này em vẫn biết ơn vì những lời động viên đó", Thịnh tâm sự.
Trước ca phẫu thuật hai cha con phải đến TP.HCM không dưới 10 lần để kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm. Đã vài lần ca ghép gan của Thịnh bị đình lại, nhường chỗ cho những em bé khác nhỏ tuổi hơn. Đó là những lần gia đình hoang mang, thầm lo lắng, sợ thời gian không chờ đợi, sợ biến cố khác.
May mắn thay, gần đến ngày nhập viện chờ lên ca mổ, cả nhà được tận mắt chứng kiến những em bé nhỏ tuổi hơn Thịnh tung tăng chạy nhảy, khỏe mạnh trong phòng hồi sức. Họ mới thở phào nhẹ nhõm, an tâm ngủ một giấc ngon lành.
Đến nay được ba tháng sau ca phẫu thuật ghép gan thành công, sức khỏe Thịnh và cha đã ổn định hoàn toàn, cả nhà ba người vẫn nghĩ đây là giấc mơ. Vì đã có lúc cha mẹ Thịnh gần như suy sụp, bất lực nhìn con trai ho ra máu, hơi thở yếu ớt, còn Thịnh đã đôi lần muốn bỏ cuộc để cha mẹ bớt khổ.
Chính từ đức hy sinh cao quý của cha, tình yêu thương vô bờ của mẹ đã cho Thịnh động lực đứng dậy bước tiếp về ngày mai. Đặc biệt là trong hành trình tìm lại sự sống cho cậu sinh viên chính là tấm lòng yêu thương của các nhà hảo tâm kịp thời san sẻ, động viên cả về vật chất và tinh thần.
"Em luôn biết ơn những nhà hảo tâm dù chưa gặp mặt và bạn bè, thầy cô đã đồng hành cùng gia đình em lúc hoạn nạn, khó khăn. Tấm lòng của mọi người khiến em cảm thấy hành trình tìm lại sự sống không đơn độc một mình. Em càng quyết tâm hơn để không phụ lòng cha mẹ và tấm lòng của mọi người", Thịnh chia sẻ.
Hiện tại, gia đình Thịnh đã chi gần 1,7 tỉ đồng cho toàn bộ quá trình điều trị, và dự kiến phải theo dõi thêm trong một năm tiếp theo mới có thể hoàn toàn an tâm. Tổng số tiền hỗ trợ của nhà hảo tâm gần 900 triệu đồng, trong đó Đoàn Trường đại học An Giang vận động trao tặng hơn 320 triệu đồng, Ban công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM hỗ trợ 100 triệu đồng...
"Mặc dù tôi còn vay mượn nhiều nơi, còn thiếu nợ thân nhân, nhưng đối với gia đình thì số tiền được trao tặng là đã quá lớn. Chúng tôi không biết làm sao để đền đáp những ân tình ấy. Dịp này, cho tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả tấm lòng vàng đã chung tay cứu lấy con trai tôi", ông Thùy trải lòng.
Nghe cha tâm sự, ánh mắt Phúc Thịnh lấp lánh niềm vui của sự biết ơn và hy vọng. Cậu hiện đã khỏe mạnh, rắn rỏi và đầy háo hức chờ đến đầu học kỳ 2 (tháng 1-2023) để đăng ký học tiếp chương trình năm nhất còn dang dở...
TS.BS Trần Công Duy Long - phó trưởng khoa ngoại gan mật tụy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết hiện tại sức khỏe của Thịnh và ông Thùy (cha Thịnh) hồi phục rất tốt.
"Trường hợp của Thịnh mắc phải bệnh xơ gan ở người trẻ tương đối hiếm gặp, chúng tôi đã tìm hiểu hết các nguyên nhân từ chuyển hóa đến di truyền đều không có nguyên nhân nào rõ ràng. Trên thế giới bệnh xơ gan không có nguyên nhân chiếm tỉ lệ khá cao, từ 30-40%.
Biến chứng xơ gan đã đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân, chỉ định ghép gan là hoàn toàn hợp lý để Thịnh có thể quay lại cuộc sống học tập, khỏe mạnh bình thường như hiện nay.
Người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng dẻo dai, bền bỉ kỳ lạ. Bao năm cô miệt mài mang bữa cơm no, mái nhà tình nghĩa đến cho bao người.
_____________________________________________________
Kỳ tới: Miệt mài lo bữa cơm no, mái ấm cho bao người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận