Theo lời bệnh nhân, cách đây bảy tháng khi đang ăn cơm với cá rô phi thì bị sặc. Ba ngày sau bệnh nhân bị ho, khạc ra ít máu tươi nên đi khám bệnh ở một số bệnh viện tại Tiền Giang và đều được chẩn đoán viêm phế quản, cho thuốc uống nhưng triệu chứng trên vẫn không hết. Tình trạng ho ra máu kéo dài hơn nửa năm.
Ngày 5-10, ông Ngôi đến Bệnh viện đa khoa Triều An khám bệnh. Bác sĩ cho nội soi phế quản ống mềm và phát hiện dị vật là hai đốt xương cá cỡ 1,5x1cm và 1,5x1,2cm nằm ngay phế quản thùy dưới bên phải và có nhiều mô hoại tử bám xung quanh. Hai đốt sống xương cá đều có ba cạnh nhọn sắc, dài khoảng 0,7cm mỗi cạnh. Sau nội soi, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện ngay trong ngày.
Theo bác sĩ Thùy Linh, dị vật phế quản thường ở phế quản bên phải nhiều hơn bên trái vì phế quản phải có đường kính to hơn và chếch hơn. Sau hội chứng xâm nhập ban đầu - với biểu hiện là bệnh nhân có cơn ho kịch liệt, khó thở dữ dội, có tiếng thở rít, co kéo, tím tái, vã mồ hôi, có khi tiêu, tiểu ra ngoài - là thời gian im lặng khoảng vài ngày.
Lúc này bệnh nhân thường húng hắng ho, người hơi hâm hấp, chụp X-quang phổi thường không thấy dị vật... Nếu dị vật không được phát hiện và gắp ra, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng “vay mượn" khác như: ho ra máu, xẹp phổi, khí phế thủng, viêm phế quản - phổi, áp xe phổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận