Phụ huynh kỳ vọng điều lệ trường tiểu học mới đem lại nhiều đổi thay tích cực, trong đó là khả năng học vượt lớp - Ảnh: TỰ TRUNG
* ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Cần làm bài bản
Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được học vượt lớp trong phạm vi cấp học là một quyết định đúng đắn. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới họ cũng đã thực hiện việc này. Với những học sinh có khả năng vượt trội mà cứ bắt các em phải học theo đúng chương trình như các bạn cùng trang lứa là kìm hãm sự phát triển của học sinh.
Chủ trương, định hướng của Bộ GD-ĐT rất tích cực, điều quan trọng là cần phải có cách làm khoa học, bài bản và toàn diện. Khi giáo viên đứng lớp phát hiện có học sinh phát triển sớm về trí tuệ thì cần theo dõi một thời gian rồi sẽ báo cáo lên các cấp quản lý. Tiếp theo đó, ngành GD-ĐT cần có bộ test trí tuệ học sinh để xác định chính xác học sinh ấy có thực sự học vượt lớp được hay không.
Nói vậy có nghĩa là cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để quyết định cho học sinh học vượt lớp chứ không thể quyết định một cách vội vàng, chủ quan, quyết định theo ý muốn của gia đình học sinh… sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không hay, nhất là hiện nay có một số phụ huynh luôn nghĩ con mình giỏi hơn người.
Bên cạnh trí tuệ, học sinh cũng phải có sức khỏe tốt, đủ sức để học vượt lớp mới được học vượt lớp, nếu không sẽ rất hại cho bản thân các em.
* Giáo viên một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM:
Nên mạnh dạn thực hiện
Tôi là giáo viên lâu năm và liên tục chủ nhiệm lớp 1, tôi từng gặp rất nhiều em nổi bật, mà chính mình cũng bất ngờ khi am hiểu như lớp 2, lớp 3. Vì thế, tôi thấy học vượt lớp, áp dụng như vậy là hay, ở nước ngoài đã áp dụng được điều đó, nên mạnh dạn thực hiện.
* Chị Nguyễn Anh Thư (phụ huynh Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM):
Phải tuân theo tự nhiên
Tôi đồng tình với việc học sinh có thể lực tốt và tốt về trí tuệ có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Bởi bây giờ trẻ em phát triển nhiều so với thời cha mẹ trước đó. Cho các con học vượt cũng là rút gọn thời gian, để các con dành thời gian cho việc "đi đúng lộ trình" cho năng khiếu, những con đường đầu tư về học tập, trí lực khác. Tất nhiên, tôi ủng hộ học vượt trên sự phát triển tự nhiên, chứ không phải gò bó ép buộc, chạy theo ý chí sắp xếp của phụ huynh.
* Cô Điền Thảo Chân (giáo viên Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM):
Phụ huynh phải cộng tác
Trong quá trình dạy học, tôi thấy có em độ tuổi lớp 2 nhưng mức tiếp thu là lớp 3, lớp 4, nên việc học vượt chúng ta nên tạo điều kiện để các em phát triển năng lực phẩm chất. Để học vượt cấp, tôi nghĩ một lớp sẽ không quá nhiều em, chỉ một vài trường hợp. Bé nào vượt trội, giáo viên, nhà trường dễ dàng thấy qua những kiểm tra đánh giá, những giải thưởng lớn, đạt yêu cầu nhất định.
Tôi cũng nghĩ về vấn đề đạo đức, những tình huống, những câu chuyện cần một quá trình để dạy cho con về đạo đức con người, điều đó không quá khó với các em trí lực vượt trội. Bởi khi đảm bảo được vượt lớp, nghĩa là phụ huynh rất quan tâm, có sự kết hợp của nhà trường. Con hư thì không thể phát triển tư duy, thái độ học tập, suy luận, nề nếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận