Đó là tình hình hợp đồng lao động (HĐLĐ) và nguồn tài chính trả lương cho lao động hợp đồng.
Đoàn công tác gồm đại diện Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ VH-TT&DL đã trình bày biên bản về kết quả làm việc, và thu nhận thêm ý kiến của lãnh đạo Học viện Âm nhạc Huế hôm 18-7...
Nhiều sai phạm
Về HĐLĐ, đoàn xác định nhiều trường hợp quá thời hạn nâng lương nhưng chưa được nâng lương.
Trong đó, từ năm 2009 đến nay, 9 trường hợp là bảo vệ, lái xe và nhân viên kỹ thuật được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, hồ sơ không thể hiện nâng lương.
34 trường hợp không xác định thời hạn tuyển dụng là giảng viên, chuyên viên và nhân viên do học viện tuyển dụng giai đoạn 2007 - 2013, 14 trường hợp không hưởng đúng bậc lương.
Mức lương đối với nhạc công cũng bị học viện này áp dụng sai. Trong số 107 HĐLĐ không thời hạn là nhạc công, giảng viên, chuyên viên và nhân viên, có đến 40 người được học viện ký trong vòng sáu tháng, và theo đoàn kiểm tra thì sai quy định hiện hành, vì đây thực chất là hợp đồng mùa vụ.
Nhiều trường hợp cũng được xác định làm ngược quy trình, thay vì có quyết định tuyển dụng trước sau đó mới hợp đồng làm việc thì học viện làm ngược lại.
Đặc biệt, có 14 trường hợp không xác định thời hạn ký năm 2013, đoàn công tác đề nghị Học viện Âm nhạc Huế cung cấp hồ sơ nhưng học viện không cung cấp được...
Về mặt tài chính, biên bản ghi nhận Học viện Âm nhạc Huế đã sử dụng nguồn ngân sách cấp để chi trả cho HĐLĐ là sai quy định.
Theo biên bản thể hiện, lượng HĐLĐ tăng cao qua từng năm, trong đó năm 2011 tuyển 6 người, năm 2012 tuyển 35 người, năm 2013 tuyển 26 người, năm 2014 tuyển 25 người... Vì vậy, quỹ lương cho HĐLĐ năm 2014 tăng 250% so với năm 2011, trong khi số thu sự nghiệp năm 2014 chỉ tăng 5% so với năm 2011.
Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế Nguyễn Việt Đức thừa nhận những tồn tại mà biên bản đã nêu. Ông cho biết đó là do công tác tham mưu từ phòng tài chính kế hoạch và phòng tổ chức cán bộ có nhiều điểm không hợp lý.
Giai đoạn 2010 - 2014 nhân sự của phòng tổ chức cán bộ thay đổi đến 4 lần, công tác lưu trữ kém, năng lực cán bộ hạn chế. Các khoản thu chi của học viện trong tình trạng gộp chung chứ không được tách bạch, rõ ràng.
Cũng theo ông Đức, sắp tới học viện sẽ thu gọn bộ máy, sẽ tinh giản biên chế lẫn hợp đồng, có thể giải thể các dàn nhạc và một số bộ phận...
Kế hoạch tuyển dụng mới có vấn đề (?)
Ngày 25-6-2015, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển viên chức 2015 của học viện, dựa trên bản kế hoạch do học viện này trình lên. Theo đó, học viện tuyển 13 chỉ tiêu gồm 10 giảng viên và 3 chuyên viên.
Nhiều cán bộ học viện nhận xét: “Nhìn vào các chỉ tiêu là biết ngay chỉ tiêu ấy dành cho ai”.
Bà Hà Mai Hương - phó bí thư đảng ủy học viện, quyền trưởng khoa sư phạm âm nhạc - nhận xét: bản kế hoạch này là không căn cứ vào nhu cầu của từng khoa phòng của học viện. Học viện cũng có thành lập hội đồng tuyển dụng nhưng chỉ là hình thức, và đây cũng là nhận xét của nhiều vị cán bộ khác. Bà Hương cũng cho rằng kế hoạch thi tuyển thiếu khách quan và thiếu công bằng, có vị trí tuyển bằng loại khá, có vị trí tuyển bằng loại giỏi.
Ông Đoàn Công Chuân, đảng ủy viên học viện, nhận xét: kế hoạch tuyển dụng nhắm vào những nhân sự đã được chọn có chủ ý, chứ không phải nhằm tìm được người tài. Ông cho rằng Bộ VH-TT&DL nên xem lại quyết định kế hoạch tuyển dụng nói trên.
Ông đề xuất: "Thứ nhất, không nên giao việc thi tuyển cho ông giám đốc Nguyễn Việt Đức chủ trì, vì ông Đức vừa bị kỷ luật với sự việc tương tự. Thứ hai là bản kế hoạch tuyển dụng chưa có sự thống nhất của các khoa phòng về tiêu chí tuyển dụng từng vị trí. Học viện hiện nay quá mất uy tín, cán bộ giảng viên không yên tâm làm việc, do đó nhờ bộ giúp cho học viện ổn định cán bộ, nhất là số HĐLĐ”.
Đại diện đoàn công tác cho biết dù Bộ VH-TT&DL chỉ giao đoàn kiểm tra về HĐLĐ và tài chính, song đoàn sẽ đưa vào biên bản những nội dung phát sinh thêm để trình lãnh đạo bộ giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận