Nếu chỉ nhìn môn ngữ văn qua điểm số, qua số liệu tổng kết hằng năm thì chúng ta sẽ thấy chẳng có gì phải băn khoăn cả. Bởi tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá môn văn ở trường nào cũng tương đối cao.
Nhưng nếu đọc những bài văn của học trò chắc nhiều người sẽ ngỡ ngàng, ngao ngán. Tình trạng học sinh viết sai chính tả, bài văn viết chung chung, viết không có bố cục thì rất nhiều.
Những bài học văn gượng ép, khiên cưỡng
Môn ngữ văn đang được tích hợp quá nhiều thứ trong mỗi bài học một cách gượng ép, khiên cưỡng. Lẽ ra văn chương trước hết phải hướng các em đến chân thiện mỹ, biết cảm thông và chia sẻ trước những mảnh đời bất hạnh, biết hướng cái ác, cái xấu trở thành cái tốt hơn... thay vì chỉ nhồi nhét những điều quá lớn lao, xa vời.
Nhiều thầy cô không dám hoặc không thể sáng tạo bởi vốn từ, vốn kiến thức có hạn. Học trò thì nhiều em lười đọc, thờ ơ trong giờ học. Phụ huynh thì luôn hướng con mình tới những môn học mà sau này có thể thi vào những trường đại học để khi ra trường có vị thế, có thu nhập nhiều hơn. Cho nên môn văn bị xem thường là điều dễ hiểu.
Nhiệm vụ cơ bản của môn văn là dạy cho học sinh cách đọc hiểu văn bản, nhận ra cách người viết trình bày vấn đề theo kiểu nào và cuối cùng là kỹ năng thể hiện, trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình thành một văn bản với cấu trúc, cách diễn đạt khúc chiết, mạch lạc mà người khác có thể hiểu được.
Tuy nhiên, chương trình sách giáo khoa hiện tại quá nặng về kỹ năng cảm thụ văn học. Trong thang điểm của bài thi, lúc nào kỹ năng cảm thụ, phân tích tác phẩm cũng chiếm số điểm cao nhất.
Thực tế cho thấy, đối với học sinh trung học, việc viết một văn bản hoàn chỉnh thể hiện chính kiến của mình đã là vấn đề khó, thử hỏi làm sao các em tiến lên một bậc cao hơn là tự thân phân tích, cảm thụ một tác phẩm văn chương. Vậy mà cái nghịch lý ấy vẫn cứ tồn tại suốt bao nhiêu năm qua.
Ngoài ra, ở bậc phổ thông trung học, chương trình sách giáo khoa hiện nay chưa chú trọng đến vấn đề rèn luyện cho học sinh khả năng trình bày những suy nghĩ, hiểu biết của mình về tất cả các vấn đề đang diễn ra ngoài xã hội. Vấn đề là không phải cứ đưa vài văn bản nghị luận xã hội vào chương trình học và đưa ra dạng đề nghị luận xã hội vào thi rồi học sinh sẽ biết kỹ năng trình bày văn bản.
Giúp học sinh mở rộng tầm nhìn
Công bằng mà nói, các tác phẩm văn chương đưa vào giảng dạy được sắp xếp theo từng giai đoạn lịch sử văn học từ xưa đến nay. Những tác phẩm trong giai đoạn hiện đại thì học sinh không khó khăn lắm khi tiếp cận. Nhưng đối với những tác phẩm thuộc dòng văn học trung đại lại là một thách thức không nhỏ đối với cả thầy và trò.
Cần bổ sung vốn hiểu biết cho học sinh để giúp các em mở rộng tầm nhìn chứ không chỉ đóng khung trong một bài học. Mục đích của văn học là mở ra thế giới mới mà học sinh có thể không tự khám phá ra được.
Chính vì thế, khi giảng dạy một tác phẩm văn học, cần giới thiệu với các em những cuốn sách thú vị liên quan để đọc thêm và phát hiện ra nhiều phong cách khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau cũng như sự đa dạng ngôn ngữ của các tác giả.
Không dừng lại ở đó, giáo viên hoàn toàn có thể mở rộng sang những lĩnh vực xã hội khác. Để làm được điều này, người giáo viên phải có đủ chiều sâu kiến thức trong nhiều lĩnh vực.
Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhìn thẳng vào sự thật nhằm xác định rõ mục tiêu của việc dạy học văn, giải quyết tận gốc thay vì chỉ loay hoay giải quyết phần ngọn của thực trạng này.
Môn văn đang... "mất giá"
Những bài văn "đồng phục" tạo ra biết bao câu chuyện dở khóc dở cười. Đó là cách dẫn nhập vào bài rập khuôn "nhà em có nuôi một ông nội", là hình ảnh người bà "cưỡi xe máy đưa đón cháu đi học mỗi ngày" không được chấp nhận bởi tả bà phải "lưng còng, mắt nheo nheo đọc chữ", là nhan nhản cách tả "đôi mắt tròn xoe như hai hòn bi ve" dùng cho bất kỳ đối tượng nào được tả - người lớn lẫn trẻ em, người già lẫn người trẻ...
Đó còn là nỗi trăn trở của giáo viên dạy văn khi chấm bài văn của học sinh cho đề bài "Kể về một việc tốt em đã làm" và bắt gặp hơn phân nửa lớp 6 đều kể về việc dắt người già qua đường giữa làn xe cộ đông đúc với cách hành văn y chang nhau. Lúc trả bài cho học sinh, bạn tôi hài hước hỏi các con "Quê mình sao lắm người đi lạc thế nhỉ?" và được biết các con đã "luyện" đề này nhiều lần hồi tiểu học nên thuộc lòng và nhớ kỹ.
Môn văn đang "mất giá" đầy xót xa trong ánh nhìn của học sinh. Đổi mới dạy học văn là yêu cầu bức thiết và cấp bách trước sự vận động không ngừng nghỉ của thời cuộc đòi hỏi cao độ tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo, giao tiếp, thích nghi với sự thay đổi...
Muốn vậy, đổi mới đề thi môn văn chỉ là điều kiện cần để lấy lại vị thế môn học. Điều kiện đủ là phải quyết liệt, tích cực đổi mới cách dạy - học văn hiện nay!
QUỲNH HẠ (Thừa Thiên Huế)
Dạy văn xưa và nay
Ngày xưa, chúng tôi đã có được niềm cảm thụ văn học chính từ những tiết học văn. Các thầy cô đã thổi hồn vào bài giảng bằng chính sự cảm nhận của mình với tác phẩm văn học và những minh họa sống động gần gũi với đời thường. Khởi nguồn từ những bài thơ, truyện ngắn, đoạn văn trong chương trình học, chúng tôi tự tìm hiểu, sưu tầm để thẩm thấu dần cái hay, cái đẹp của văn học.
Còn nay, có lẽ không quá lời khi nói rằng việc dạy và học văn đã bị chi phối rất nhiều trong thời đại công nghiệp này. Ngữ văn trong chương trình được thiết kế là một môn học với định lượng kiến thức theo từng cấp học trong chuẩn kiến thức theo chương trình khung. Giáo viên căn cứ vào đấy để soạn giảng và truyền tải kiến thức đến học sinh theo năng lực sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy của mình.
Tôi biết có nhiều giáo viên dạy văn rất thu hút học trò nhưng mà họ vẫn không thoát khỏi cái tư tưởng phải bám sát chuẩn kiến thức trong sách giáo khoa. Tất cả chung quy là bởi học là phải thi và thi thì phải đáp ứng được điểm số an toàn.
Với học sinh cũng thế, bây giờ đã có văn mẫu, tội tình gì suy nghĩ mất thời gian cho một bài văn đảm bảo điểm an toàn? Khi chất lượng bộ môn được đánh giá bằng con điểm chứ không phải bằng sự phát triển năng lực của học sinh thì còn rất lâu để học sinh cảm môn văn theo cách của mình được!
Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, vì thế những người thầy phải là người truyền cảm hứng qua việc hướng dẫn học trò mình tiếp cận với những phương thức thẩm thấu văn chương. Những giờ học văn nên được kết nối rộng mở hơn với thế giới bên ngoài thay vì gói gọn trong chương trình. Chính việc giới thiệu những tác phẩm hay của một tác giả, một giai đoạn để học sinh tìm đọc và có được cảm nhận của riêng mình là những sự liên hệ thực tế sinh động và hiệu quả.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, những tiết học văn sẽ trở nên sống động hơn với những đoạn phim, ca khúc, tiểu phẩm... liên quan đến chủ đề bài học bên cạnh những kiến thức trong sách giáo khoa.
Linh hoạt, sáng tạo trong tiết dạy đó là những phương châm để thổi hồn vào bài giảng thu hút người học yêu mến bộ môn mình giảng dạy hơn. Hay nói một cách khác, những kiến thức trong sách giáo khoa chỉ phát huy tác dụng và năng lực, phẩm chất người học chỉ phát triển đúng hướng khi người giáo viên thể hiện đúng tinh thần của chương trình học qua việc phát huy tư duy giảng dạy.
LÊ TẤN THỜI (An Giang)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận