TTCT - Phải công nhận Bộ Giáo dục và đào tạo rất tài tình, chỉ bằng một động tác thay đổi cách tuyển sinh đại học là bộ bắt cả xã hội phải thao thức với câu hỏi muôn đời: Học văn để làm gì? Tranh: Lê thiết Cương Với ngành y tế thì câu trả lời dường như có sẵn: Dùng môn văn xét tuyển ngành y? Lý do được người đứng đầu ngành y tế lý giải rất gọn: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến). Bà Tiến nói đúng. Và đó cũng có thể là lý do để hàng ngàn ngành nghề khác đòi hỏi người dự tuyển cần giỏi văn bởi không chỉ riêng bác sĩ, y tá cần viết đúng ngữ pháp, không sai lỗi chính tả mà hàng ngàn ngành nghề khác cũng cần. Nói đâu xa, ngay cả Mark Zuckerberg mà có quyền ở Việt Nam, ắt anh ta sẽ yêu cầu người nào muốn tham gia mạng Facebook do anh điều hành phải viết sạch nước cản, diễn đạt rõ ràng, không viết lung tung như gã ngọng. Nói cho cùng, anh chàng Mark này đang làm một tờ báo khổng lồ, trong đó mọi người dùng là kẻ viết bài liên tục cho anh ta, còn nhân viên của Facebook chỉ việc lo bán quảng cáo kiếm tiền. Viết bài cho Mark mà sai ngữ pháp, sai chính tả, ai mà chịu. Nhưng khoan đã! Những kỹ năng nói ở trên là kỹ năng ngôn ngữ, tức là môn tiếng Việt chứ đâu phải môn văn? Môn văn phức tạp hơn nhiều. Nhà văn William Faulkner nổi tiếng (Giải Nobel văn chương năm 1949) chuyên viết những câu văn đọc muốn bể cái đầu, dài hơn cọng rau cần, câu dài nhất ông này từng viết trong cuốn Absalom, Absalom! dài đến 1.288 chữ. Thế mà khi lên nhận giải Nobel, ông nói như thế này về sứ mệnh nhà văn và qua đó gián tiếp nói về vai trò của văn học: “Tiếng nói của nhà thơ không chỉ để ghi lại câu chuyện con người, nó còn là cột chống, trụ đỡ để giúp con người trụ lại và vượt qua”. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đồng tình cần dùng môn văn để tuyển bác sĩ tương lai, không phải vì chuyện chính tả mà cao sang hơn là mong muốn người bác sĩ giỏi văn sẽ không chơi ép bệnh nhân, kê thuốc không vì chữa bệnh mà vì tỉ lệ hoa hồng. Mong muốn của họ là văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung là cái người ta thường gọi là y đức. Nhưng hượm đã! Cái đó là chuyện đạo đức, hiện được giao cho các môn như giáo dục công dân chứ đâu phải môn văn? Còn nếu môn giáo dục công dân đi dạy các chuyện xa vời như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… đó là chuyện của môn này, không bàn ở đây. Và rồi gần đây, nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times để lý giải người ta cần văn chương làm gì. Cô viết: “Văn chương là người anh em sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là thế thân xấu xa, là tấm lót nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Ý cô muốn nói văn chương ghi lại tất cả những gì còn lại từ cuộc đối thoại của mọi nhân chứng cuộc đời, giữa những người đang còn sống và mọi kẻ quá vãng về đam mê, thương yêu, thù hận, giận dữ, nỗi buồn, niềm vui… Còn có ai dạy cho ta biết về những điều đó ngoài văn chương? Chính ở đây mà chúng ta mới hiểu vì sao những nhà khoa học, nhà toán học, kể cả những bác sĩ tài ba, hầu như đều đam mê văn chương và rất nhiều người trong số họ rành rẽ về văn chương. Bởi chính ở đây mới tồn tại niềm hi vọng cho những bác sĩ tương lai, nếu từng học được lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng tự trọng, sự phù du của đồng tiền mới tự miễn dịch chống lại mọi lề thói xấu xa đang bao bọc lấy anh ta. Điều đáng buồn là môn văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò, khơi gợi những điều như lòng trắc ẩn, can đảm, đam mê, hoài bão... nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm NGƯỜI trọn vẹn thì môn văn hiện thời nơi giảng đường còn xa mới đạt tới. Nó đang bế tắc vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép. Vậy sẽ không phải là câu hỏi “Học văn để làm gì?”. Câu hỏi “Học văn thế nào?” mới chính là câu hỏi đúng. Tags: Phiếm đàm
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.