Thay vì giấu những chỗ hư hỏng trên các vật dụng gốm, người Nhật dùng vàng để ghép những mảnh vỡ, làm nổi bật và biến những khiếm khuyết thành vẻ đẹp riêng cho món đồ. Nghệ thuật "vá vàng" đó là Kintsugi.

Vàng ở đây hiển nhiên là vàng thật. Ngoài là kim loại bền và an toàn cho sức khỏe, vàng được người Nhật cho rằng sẽ tôn vinh mạnh mẽ nhất cho những khiếm khuyết trên các món đồ gốm hư hỏng.

Màu vàng điểm tô cho từng đường nét, tạo nên cái nhìn mới cho những đồ vật sứt mẻ, cũng là biểu tượng cho sự kiên cường, khả năng phục hồi.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 1.


Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 2.

Gian phòng đầy các loại trà cụ bằng gốm từ bản địa đến ngoại quốc của anh Uyên Viễn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không thiếu những món độc lạ, nhưng khách tới thăm tò mò và trầm trồ nhất trước những vật dụng đầy "thương tích" mà gia chủ tự hào để trên kệ trưng bày: một chiếc ấm thủng lỗ nhỏ trên miệng, một cái nắp có vài ba điểm sứt mẻ, một chiếc tách với lằn nứt dài...

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 3.

Kỷ vật đưa đến anh thường là những bình trà cổ, hoặc là một bộ ấm chén kỷ niệm từ ông bà, cha mẹ.

Cũng có khi là một món đồ gốm được tạo hình con vật trùng với con giáp của người thân, vì niềm tin tín ngưỡng, họ không muốn thấy chúng hư hại.

Viễn nói anh tự mày mò học và làm Kintsugi 2 năm qua. "Vá vàng" mất từ vài ngày đến vài tuần, tùy mức độ "thương tật" và sự phức tạp của món đồ.

Quy trình phổ biến là nhám, loại bỏ bụi bẩn và làm phẳng bề mặt quanh lỗ thủng, vết nứt, rồi mới đi một đường keo khô, có phủ bột vàng 18K, tạo thành lớp kết nối ban đầu với những mảnh gốm.

Mỗi đường phải nghỉ vài ba phút để khô keo, rồi mới tiếp tục đi thêm một đường keo và bột vàng. "Mỗi đường keo hoặc đường vàng phải được đi một mạch từ đầu đến cuối vết nứt. Nếu ngắt quãng nhìn sẽ rất chắp vá" - anh Viễn nói.

Trong trường hợp đồ gốm mất hẳn một mảnh, ngoài các công đoạn trên, anh Viễn sẽ phủ thêm những miếng vàng lá 24K.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 4.

Từng lá vàng sẽ được đắp lên gốm và dùng keo cố định. Cứ đắp như thế tạo nên một mảng vàng, vừa vặn vá lại lỗ thủng hoặc chỗ sứt mẻ. Cuối cùng là công đoạn mài để xử lý những chỗ lồi lõm phát sinh.

Theo anh Viễn, quy trình có thể giống nhau nhưng nếu muốn cho ra một sản phẩm đẹp, người chơi cần có sự sáng tạo để những đường vàng truyền tải được dụng ý nghệ thuật, chứ không đơn điệu.

Anh giới thiệu những món đồ mình đã "vắt óc" suy nghĩ mới ra ý tưởng Kintsugi: Miệng ấm trà bị mất đi một mảnh, anh vá vàng tạo hình một giọt nước đang sắp tràn ra ngoài.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 5.

Chiếc bình trà được “vá vàng” có tay cán là cành trúc của anh Viễn. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Một tách trà mẻ, anh dùng vàng trang trí thành hình một chiếc lá sen. Đó còn là hình mặt trời, một ngọn núi, một áng mây... thể hiện tâm hồn của người chơi Kintsugi.

Sự sáng tạo có khi vượt ra khỏi những khuôn khổ. Có lần Viễn mua được một chiếc bình mất hẳn cán tay, do không thể dùng vàng để tạo ra hẳn một chiếc cán mới vì rất đắt, sau nhiều ngày suy nghĩ, anh lấy một cành trúc vừa vặn làm tay, rồi mới vá vàng. Chiếc bình ngộ ngộ được các bạn trà trong nhóm rất thích thú.

"Nhiều người thưởng trà đang bị "nhốt" trong những... chiếc ấm. Họ hơn thua, đua sắm những bộ ấm chén sang trọng. Buổi uống trà trở thành buổi khoe giàu sang.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 6.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 7.

Tháng 4-2023, tôi tham gia một buổi workshop dạy Kintsugi ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. Buổi học dài 3 tiếng, với 8 học viên, phần lớn là người nước ngoài. Đầu buổi, lần lượt mỗi học viên được yêu cầu cầm búa gõ bể một chiếc đĩa, tô, chén lựa từ những mẫu của ban tổ chức.

Chúng tôi học những nguyên tắc cơ bản của Kintsugi, từ cách dùng keo kết dính những mảnh vỡ đến trang trí cho những vết nứt. Lớp học không dùng vàng thật để giảm chi phí, thay bằng bột mica màu vàng. Dù vậy, học viên đều cảm thấy hào hứng khi lần đầu tiếp xúc với Kintsugi.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 8.

Trong buổi học có phần gắn những miếng gốm vỡ bằng loại keo. Tưởng là dễ nhưng không phải cứ dán keo là hai mảnh gốm dính lại, phải để yên đủ lâu, nếu không hai mảnh sẽ bung ra ngay.

Tea Kemesic, giáo viên người Croatia đang làm việc tại TP.HCM, năm lần bảy lượt vẫn không tài nào ghép được những mảnh vỡ, chúng cứ trượt khỏi tay chị.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 9.

Chị Họa My (trái) và Tea Kemesic trong buổi workshop học Kintsugi. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Có khi đã dính được ba miếng, bắt đầu đến miếng thứ tư thì hai miếng đầu lại vỡ ra kêu choảng. "Có vẻ tôi hơi nóng vội. Người châu Âu hơi vội vàng, không có sự điềm tĩnh như người phương Đông" - chị Kemesic nói.

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 10.

Hơn 5 năm trước, chị Họa My mở một tiệm gốm Nhật. Tình yêu với đồ gốm dẫn dắt chị đến với Kintsugi, nơi tìm thấy sự đồng điệu giữa nghệ thuật chữa lành của người Nhật và những triết lý vô thường trong Phật giáo.

Chị muốn chia sẻ những điều hay đã nghiệm được trong khi tự học Kintsugi cho nhiều người. Mỗi buổi học duy trì số lượng 6-10 học viên với phí 300.000 đồng/người. Thời lượng kéo dài từ 2-3 tiếng, thường vào chủ nhật cho học viên dễ dàng tham gia.

Hiểu được chính mình và xa hơn là có dịp để nhìn lại bản thân từ những biến cố là điều mà chị My muốn hướng tới khi mở lớp Kintsugi.

Đặc biệt, đó là khi sự cố ấy do chính họ gây ra. "Sự chữa lành cần thời gian, như những mảnh vỡ cần thời gian và một tâm hồn để hàn gắn - chị nói - Sắp tới, tôi sẽ tìm thêm những dụng cụ làm Kintsugi từ Nhật để người học cảm giác gần gũi với nguyên bản nhất".

Học vá vàng và rèn chữ nhẫn với Kintsugi - Ảnh 11.
TRỌNG NHÂN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên