TTCT - Khi không gian lớp học buộc phải biến thành màn hình với hàng tá ô vuông, nhiều thầy cô giáo và các học sinh của mình vẫn tìm được cách để không khí mỗi buổi học đều vui vẻ rộn ràng, tình thầy trò thêm khắng khít, và tất nhiên vẫn đảm bảo mục đích chính là truyền đạt và thu nạp kiến thức. Lớp học từ xa của anh Tiêu Minh Sơn.Những đặc thù của học từ xa như tắt cam, bật mic, sử dụng filter (hiệu ứng để biến gương mặt thành hình dạng tùy thích như củ cà rốt hay động vật, cử động mắt và miệng thể hiện khớp như phim hoạt hình), chèn background ảo đều được cả thầy lẫn trò tận dụng tối đa để việc giao tiếp qua thiết bị điện tử không còn xa cách như tên gọi của nó.“Cô ơi cho em lên cây!”Dưới mỗi video về các buổi dạy trực tuyến trên trang TikTok cá nhân với hơn 110.000 lượt theo dõi và 2 triệu lượt thích của mình, Bùi Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh tại Trường ĐH Mở TP.HCM, luôn nhận được lời khen về độ hài hước, vui nhộn khi đứng lớp. Không ít học sinh ao ước: Giá mà lớp học online của mình cũng được như thế.Cô giáo trẻ này đang là một hiện tượng trên các mạng xã hội với biệt danh “cô giáo filter” nhờ biết sử dụng khéo léo những hiệu ứng “biến hình” ngộ nghĩnh, dễ thương mỗi lần lên lớp. Thêm tính hài hước vốn có, Thúy Quỳnh đã biến những buổi dạy online cho 1 trung tâm tiếng Anh thành những hoạt cảnh nhiều màu sắc.Có bữa, cô trò chọn hình nền một giảng đường đằng sau là một tán cổ thụ. Học trò có đứa chọn filter hình củ khoai, cà tím, đứa thành chú chuột hamster, nhưng đều nằng nặc đòi cô giáo chuyển chỗ ngồi của mình từ trên bàn ghế lên... ngọn cây. Nhờ phần mềm hỗ trợ, chỉ một cú click chuột, Quỳnh đã cho các cô cậu học trò tinh nghịch đắc ý với vị trí mới trong lớp.Cũng có bạn hài hước: “Cô chuyển em ngồi cạnh cửa sổ”. Thúy Quỳnh chiều theo kèm lời dặn buồn cười không kém: “Khi nào cảm thấy nắng quá, em nói cô cho về chỗ cũ”. Cứ như thế, lớp học ảo của Quỳnh không bao giờ vắng đi tiếng cười. Lớp học của cô giáo Thúy Quỳnh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang). Ảnh chụp màn hìnhDù vậy, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Quỳnh nhận mình là một giáo viên nghiêm túc nhưng cô giải thích trên môi trường trực tuyến, tương tác với học sinh cần linh hoạt hơn. Các bạn nhỏ chỉ có thể tập trung nghe giảng tối đa khoảng 10 phút, học sinh lớn hơn cũng chỉ “chịu nổi” tầm 30 phút ngồi yên trước màn hình. Vì vậy những khoảng thời gian ngắn mà cô trò có thể vui đùa cùng nhau sẽ giúp không khí lớp bớt nhàm chán.Quỳnh nói: “Đùa với học trò trên online cũng có chọn lọc. Chỉ cần một câu chuyện vui, những câu hỏi hài hước, hỏi thăm học sinh hay đơn giản chỉ cần đổi filter hay background cũng đã cho các bạn hứng thú. Tuy nhiên, không nên quá lố, chỉ khoảng 5 phút là cần trở lại bài học chính”.Không mở cam vẫn “cảm”Thúy Quỳnh chia sẻ hồi mới dạy online, cô luôn bắt buộc học trò mở camera và micro khi học để kiểm soát sự tập trung của các bạn. Cô dồn tâm soạn giáo án thật kỹ, bày đủ thứ trò và cực gấp đôi so với lúc học trực tiếp do sợ học sinh chán. Đến lúc triển khai thì... đủ mọi chuyện “trời ơi đất hỡi”. “Có hôm thấy tủi tủi và không hiểu vì sao không đứa nào chịu tương tác với tôi dù đã cố hết sức. Có hôm tôi tự trách bản thân đến nỗi chán dạy nên cho lớp nghỉ vì sợ mình nổi cơn tam bành với cả lớp” - Quỳnh nhớ lại.Về sau, cô nhận ra trước hết cần giảm kỳ vọng của bản thân để thích ứng tốt hơn. Đâu phải mọi học sinh đều mở micro và camera thì lớp học sẽ sôi động? Chưa kể cũng phải thông cảm cho các em vì đôi khi điều kiện ở nhà không cho phép. Việc cần quan tâm hơn là chính bản thân giáo viên được thoải mái khi dạy học. Những trò chơi, những màn tung hứng trước hết cần khơi gợi sự hứng khởi ở người đứng lớp rồi mới có thể chạm đến tình cảm của học sinh.Trong khi đó, anh Tiêu Minh Sơn, hiện thỉnh giảng một số môn kỹ năng mềm tại Trường ĐH Văn Lang và giảng dạy cho một trung tâm kỹ năng sống tại TP.HCM, chia sẻ khi cả người dạy lẫn người học đã quen và bắt nhịp được với những giờ học online, tương tác thầy trò không còn quá khó khăn, cả trong và ngoài lớp học. Ở lớp, những hoạt động tập thể thông qua các trò chơi hay thảo luận nhờ hỗ trợ của những ứng dụng như Blooket, Menti, Kahoot sẽ tạo không khí hào hứng và gắn kết.Hết giờ học, thầy trò lại kết nối qua Zalo, Messenger, ở đây thầy sẽ dặn dò thêm nhiều điểm đáng lưu ý, còn học sinh sẽ hỏi những chỗ chưa nắm rõ. Thỉnh thoảng các bạn cũng tâm sự riêng tư cùng thầy cô trên những nền tảng này mà không nhất thiết phải gặp gỡ trực tiếp. Những trò chơi được thực hiện trong lớp học trực tuyến của anh Tiêu Minh Sơn. Ảnh: NVCCXa mà gầnAnh Phùng Quang Huy, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thậm chí cho rằng đôi khi khoảng cách địa lý làm thầy trò gần nhau hơn. Họ có thể thoải mái hơn trên Zoom, Google Meets hay Microsoft Teams. “Ngày nay chúng ta giao tiếp qua Internet rất nhiều, chỉ những dịp thật sự cần thiết mới gặp nhau ngoài đời. Tình cảm thầy trò được xây dựng trên Internet cũng không có gì lạ, ngược lại còn đến một cách tự nhiên, chân thành hơn” - anh nói.Những lớp học của anh Huy có cả những học sinh ở tận Lâm Đồng, Sài Gòn. Dịp sinh nhật thầy, các học trò lúc nào cũng gửi những lời chúc từ rất sớm. Có bạn mày mò cắt ghép hình để gửi thầy những bức ảnh lung linh nhất, trong đó có cả thầy và các học sinh tứ xứ.Anh Tiêu Minh Sơn vẫn nhớ hoài cậu học trò đầu tiên. Cậu bé 9 tuổi, người Nghệ An đã nhờ mẹ liên hệ để được học lớp kỹ năng trực tuyến của anh. Đó cũng là lần đầu cậu học online cùng với các bạn miền Nam. Dù đôi khi phải vượt qua rào cản ngôn ngữ vùng miền nhưng thầy trò, bạn bè vẫn gắn bó tình cảm qua những hoạt động trong và ngoài lớp học. “Kết thúc khóa học, tôi gửi 2 quyển sách ra Nghệ An tặng bạn xem như là hữu duyên. Gia đình bạn cũng gửi lại tôi những bức ảnh kèm lời cảm ơn trân quý”.Những học trò Văn Lang nơi anh Sơn thỉnh giảng đã kỳ công dựng một video tổng kết những buổi dạy của anh tại lớp để dành tri ân trong ngày 20-11. Video ghi lại những lời thầy dạy, những hình ảnh kỷ niệm lúc online, chèn lời văn hài hước, dí dỏm. Có bạn thêm cả những đặc sản quê mình để mời thầy thưởng thức qua màn ảnh nhỏ. Với anh, món quà trực tuyến ấy là lời chứng cho tình thầy trò vẹn nguyên, không thua gì thời trước COVID-19.Tôi nghĩ xây dựng tình cảm giữa thầy và trò trên môi trường trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào cách giao tiếp. Không nên cảm thấy căng thẳng khi giao tiếp với học trò trên online, cần linh hoạt và tùy tình huống. Khi không thể tiếp xúc mặt đối mặt, những lời nói càng đóng vai trò quan trọng, ông bà mình có câu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cách giao tiếp tốt sẽ giúp tình cảm thầy và trò nảy nở bất kể khoảng cách xa đến đâu chăng nữa.- anh Tiêu Minh Sơn Ảnh: NBC NewsMở Zoom “bước vào” nhà học tròMàn hình Zoom không chỉ là thay cho lớp học mà còn là cánh cửa để thầy cô giáo “bước vào” nhà học trò và từ đó thấu hiểu chúng hơn nhờ chứng kiến hoàn cảnh của các em, ngay cả khi chưa gặp trực tiếp bao giờ. “Tôi cho rằng học từ xa giúp các nhà giáo dục hiểu, thấu cảm và ít phán xét hơn” - Leyla Lindsay, giáo viên lớp 4, nhận xét.“Việc ta có thể thấy nhà của nhau thật sự có thể dẫn đến nhiều cuộc trò chuyện. Tôi chưa bao giờ gặp bọn trẻ nhưng có cảm giác tôi biết chúng rất rõ” - Kyle Wilson, thầy giáo trường công ở quận Reading, miền đông bang Pennsylvania (Mỹ), nói với đài địa phương Whyy. Những gì Wilson thấy được từ nhà học trò đôi khi chỉ là một con mèo bước qua màn hình, hay em trai em gái của trò líu lo phía sau khi anh chị mình đang học, nhưng chừng ấy cũng đủ để thầy giáo toán và khoa học đang dạy lớp 5 này cảm thấy được kết nối với học sinh. Đó là những chi tiết nhỏ về cuộc sống của học trò mà nếu chỉ gặp nhau trên trường anh sẽ không bao giờ biết được.Và không chỉ dừng lại ở chuyện quan sát. Ngay từ buổi học đầu tiên khi nhận lớp mới, Wilson đã để ý một chi tiết lạ: tai nghe của anh thỉnh thoảng lại nghe tiếng bíp bíp. Khi đã kiểm tra kỹ không phải do thiết bị của mình, Wilson sớm nhận ra vấn đề: âm thanh đến từ nhà học trò của anh, nơi thiết bị báo khói hoạt động không ổn định. Chính xác là khoảng ¼ học sinh trong lớp toán và khoa học anh đang dạy không có thiết bị báo khói còn tốt trong nhà. Wilson liền lên mạng xã hội gây quỹ, quyên được hơn 1.200 USD để giúp gia đình học sinh thay máy báo khói mới.Những âm thanh hay đôi lúc là tiếng ồn từ nhà học sinh như thế nói lên nhiều điều. Nhiều giáo viên nói với Whyy họ đã quen với tiếng ồn từ TV, tiếng bát đĩa khua hay tiếng em bé khóc mỗi lần bảo học trò mở micro để phát biểu. Với nhiều học trò, mỗi lần “unmute” là một lần bày cho thầy cô và bạn bè âm thanh đời sống của các em. “Tiếng ồn thật hỗn loạn, có quá nhiều thứ đang diễn ra và tôi không biết làm sao học sinh có thể nghe mình nói” - Michelle Bernardi, một giáo viên lớp 5, chia sẻ. Mỗi lần như thế, Bernardi biết rằng mình phải kiên nhẫn với học sinh hơn, vì biết các em đang ngồi học trong tình cảnh thế nào.TỊNH ANH Tags: Giáo dụcHọc trực tuyếnThầy trò20-11Học từ xa
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).