Chị N.T.H., 42 tuổi, ngụ ở quận Gò Vấp (TP.HCM), kể tối nào 21h30 cả nhà mới về đến nhà. Sau đó, các con chị học đến 12h đêm. Hai ngày cuối tuần, nhà chị được về sớm hơn, nhưng các con vẫn phải "cày" 2 - 3 ca tại các lớp học thêm.
Không có ngày nghỉ trong tuần
Chị H. kể nhìn các con nhiều lúc chị thương lắm! Nhưng năm nay cả hai con chị đều học những năm cuối cấp, theo chị H, nếu không học thêm như vậy sẽ khó đậu vào những trường tốt.
Chị H. nhớ ngày chị còn nhỏ, chị chỉ phải đi học một buổi. Buổi còn lại ở nhà làm việc nhà giúp mẹ, chơi với anh em họ hàng, trẻ em hàng xóm, đọc sách... Tuổi thơ biết bao kỷ niệm. Nào là cùng nhau làm diều, đi thả diều, chơi các trò chơi như nhảy dây, chơi chuyền, rồng rắn lên mây...
Ngày đó một đứa trẻ có nhiều bạn lắm. Cha mẹ cũng cho con tự rủ nhau đi bộ đến trường, tự về. Trên đường đi bộ đến trường, chị H. cùng các bạn nói với nhau bao nhiêu là chuyện.
Còn con trẻ giờ ở thành phố, để các con có một người bạn hàng xóm cũng khó. "Ở thành phố, nhà ai biết nhà ấy! Nếu có bạn hàng xóm đi chăng nữa cũng không có thời gian để chơi vì sáng nào cả nhà cũng đi từ 6h30 sáng đến tối mịt mới về", chị H. chia sẻ.
Vợ chồng chị H. thường "bù đắp" cho các con bằng cách cho các con ra quán cà phê ngồi chơi, hoặc đi ăn quán vào những ngày cuối tuần để sau đó lại vào tiếp ca 2, ca 3 của những lớp học thêm.
Các con chị H. học nhiều nhưng các con lại khó có thể hiểu biết về thế giới bên ngoài. Có lần cả nhà ngồi trên ô tô đi chơi xa, cậu út nhà chị chỉ vào con bò và hỏi: "Mẹ ơi con trâu hả mẹ?". Các con cũng không thể phân biệt được con vịt hay con ngỗng... vì đơn giản các con rất hiếm khi gặp.
Gần đây khi đến nhà một thầy giáo để học thêm nhà thầy nuôi hai con mèo nhưng cũng đã làm con sợ khiếp. Con rất hiếm khi tiếp xúc với con vật nên cứ con nào đến gần con cũng làm con sợ... Trò chơi giải trí của các con là các thiết bị điện tử như máy tính, tivi hoặc điện thoại. Các con hay vào máy tính chơi game, xem phim trên tivi và xem TikTok trên điện thoại...
Cho con một tuổi thơ
Anh N.X.Đ., 45 tuổi, ngụ ở quận 7, cho rằng không chỉ các con mà nhiều phụ huynh cũng bị áp lực học hành từ con truyền sang. Nhiều ông bố, bà mẹ tìm các lớp học thêm, sắp xếp thời gian đón đưa con và thêm việc kèm con học đến tận khuya.
Anh Đ. kể vợ chồng anh không cho các con chạy theo áp lực học tập dù anh đang là một tiến sĩ giảng dạy tại một trường đại học có tiếng của thành phố. Anh khuyến khích các con tự học và không cho con đi học thêm. Anh cho con học những trường gần nhà.
Buổi tối gia đình anh có những bữa cơm vui vẻ cùng nhau. Và vợ chồng anh giao cả việc nhà như lên thực đơn, mua đồ, nấu ăn cho cả nhà cho các con. Ngoài ra, các con còn dọn dẹp nhà cửa, phơi, xếp quần áo...
Mùa hè năm nào, dù bận đến đâu, vợ chồng anh cũng sắp xếp cả tuần để đưa các con đi chơi. Hè năm trước con anh vừa học xong lớp 10. Anh dẫn con cùng các bạn con lên một vùng ở Tây Nguyên. Anh liên hệ với địa phương để các con có thể ở lại cả tháng dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở trên đó. Các con ở cùng với người dân, trải nghiệm cuộc sống ở đó để thấy các con có điều kiện hơn nhiều và cũng hun đúc những suy nghĩ tốt đẹp cho các con. Các con biết nghĩ đến người khác, yêu thương người khác và sẽ tìm cách giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.
Ngoài mùa hè, bất cứ khi nào vợ chồng anh có thể thu xếp được, cũng đều đưa các con đi chơi. Anh Đ. hay kết nối với những người bạn có con gần tuổi với con anh, thậm chí kết nối với các gia đình bạn của con anh để rủ cùng đưa các con đi chơi.
Theo anh Đ., trẻ em muốn phát triển tốt cũng cần được gần thiên nhiên. Nhiều mùa hè vợ chồng anh đã đưa con về quê, sau đó để con có trải nghiệm với cuộc sống ở quê, sống gần thiên nhiên, sống cùng ông bà và họ hàng ở quê.
Còn những ngày cuối tuần ở thành phố, hai vợ chồng anh cũng sắp xếp một ngày trong tuần cả nhà cùng đi chơi với nhau, hoặc đi gặp những gia đình đã thân quen với cả cha mẹ cùng các con.
Liệu chia sẻ của gia đình anh Đ. có phải quá khó để áp dụng cho nhiều gia đình khác, nhất là với những nhà ít điều kiện về kinh tế, hoặc con trẻ học không tốt cần phải đến các lớp học thêm?
Thực tế câu trả lời vẫn phụ thuộc vào chính sự cân nhắc của cha mẹ để mang đến cho con trẻ một tuổi thơ theo cách nào - khi mà tuổi thơ đó chỉ có mười mươi năm trong cuộc đời và không thể quay trở lại...
Mới đây một người mẹ cũng gửi đến Tuổi Trẻ những dòng chia sẻ: "Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác ngán ngẩm nhất là chuyện học hành của các con hiện nay. Tôi chỉ có một đứa con nhưng không chỉ con mà bản thân tôi cũng bị stress. Tôi lo đưa đón con đi học sáng, chiều, lo bữa ăn cho con là hết giờ.
Buổi tối tôi phải kèm con học vì nếu không làm bài tập, giáo viên sẽ bêu tên con tôi lên nhóm. Con tôi đang bị "đánh mất" tuổi thơ. Tôi nhìn thấy rõ điều này mà "loay hoay" không biết "gỡ rối" như thế nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận