Rừng xe trên đường Thái Hà, Hà Nội một ngày đầu năm 2016 - Ảnh: Nam Trần |
Ông Lê Đỗ Mười - phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Gia thông vận tải (cơ quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội soạn thảo đề án “Tăng cường nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” cho biết cơ quan này đang phối hợp Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm báo cáo phục vụ hội thảo xin ý kiến xây dựng đề án chứ chưa phải là xây dựng dự thảo đề án để trình các cấp của TP Hà Nội.
Xe buýt vẫn là xương sống đến 2030
Các thông tin báo chí đăng là thuộc báo cáo nội dung cơ bản đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đây là báo cáo gửi xin ý kiến phục vụ hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án.
Về thời gian thực hiện đề án, theo ông Lê Đỗ Mười, cơ quan soạn thảo đang dự kiến đẩy lùi từ năm 2025 đến năm 2030 với lộ trình cụ thể. Còn lộ trình từ năm 2020 trong báo cáo là chỉ xây dựng kịch bản để xin ý kiến hội thảo về nội dung đề án.
"Về vận tải hành khách công cộng, chúng tôi vẫn nhấn mạnh với Hà Nội, xe buýt vẫn là phương tiện xương sống cho đến năm 2030. Cho nên phải tập trung phát triển kết cấu mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt cho phù hợp với nhu cầu và kịch bản hạn chế phương tiện cá nhân có thể xảy ra.
Mục tiêu của đề án không phải là cấm phương tiện cá nhân mà chỉ quản lý và hạn chế để phù hợp với tình hình giao thông. Người dân vẫn có quyền sở hữu phương tiện, Nhà nước chỉ quản lý, hạn chế về sử dụng" - ông Mười khẳng định.
Học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc
Cũng theo ông Mười, việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội thực ra là học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố Quảng Châu, Bắc Kinh của Trung Quốc và một số nước khác đã thực hiện để xin ý kiến đóng góp tại hội thảo.
Trong lộ trình 10 đến 15 năm đầu tiên, họ cấm xe ngoại tỉnh vào nội đô vì người sử dụng xe ngoại tỉnh thường là sinh viên và công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Những người này có chuyến đi lặp lại theo chu kỳ từ nơi ở đến nơi làm việc nên phù hợp với việc chuyển sang đi phương tiện công cộng. Còn người nội tỉnh có nhu cầu phát sinh các chuyến đi trong ngày rất nhiều.
Về ý kiến cho rằng nhiều xe máy ngoại tỉnh mưu sinh trong nội đô như vận chuyển hàng hóa, xe ôm, nhiều quan điểm cũng không khuyến khích vận chuyển bằng xe máy mà có thể chuyển sang hình thức vận chuyển khác. Tuy nhiên, trong dự thảo đề án sẽ đề xuất làm theo từng bước.
"Nhiều ý kiến đặt ra việc bất bình đẳng khi cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội dẫn đến các tỉnh cấm xe máy của Hà Nội vào tỉnh họ. Việc này tùy nhu cầu các tỉnh, nếu họ thấy nhu cầu cấm xe ngoại tỉnh vào vì ùn tắc thì cũng nên thoải mái. Đó cũng là quyền của các địa phương.
Ai cũng nói tắc đường nhưng cùng chung tay rất khó. Những loại phương tiện quản lý sớm được và có khả năng chuyển sang phương tiện công cộng được thì đề án sẽ thực hiện trước. Hiện nay lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng đã liên hệ với chúng tôi để sắp tới xây dựng đề án cho TP.HCM" - ông Mười cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Quy hoạch bất cập như hiện nay thì có tổ chức giao thông đủ cách, hạn chế xe cá nhân cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Đường sá chật chội, mật đô dân cư đông đúc mà vẫn cứ “nhồi” nhà cao tầng, khu đô thị vào nội đô thì có tổ chức giao thông đằng trời. Muốn giải bài toán giao thông cũng cần phải xử lý trước hết về mặt quy hoạch, phân bố dân cư. Từ năm 2008 sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng nhằm mục tiêu mở rộng thủ đô, đầu tư hạ tầng, kéo giãn dân cư nhưng thực tế ngày càng chất tải vào nội đô thì cựa quậy đến mấy cũng khó giải được bài toán giao thông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận