Câu chuyện của bản thân tôi là một điển hình.
Bi kịch mang tên môn chính, môn phụ
Cách đây vài năm, tôi dạy bộ môn lịch sử ở một lớp 8 chuyên Anh trong trường. Vài tháng đầu, khi học sinh thường xuyên không học bài làm bài, tôi yêu cầu các em phải viết bản kiểm điểm. Khi ấy tôi chỉ nghỉ đơn thuần nghĩ rằng đây là cách giúp học sinh phải e dè, cố gắng chăm chỉ hơn.
Tuy nhiên, phụ huynh lại không đồng tình với cách làm của tôi. Họ vào trường trao đổi thẳng thừng với ban giám hiệu rằng họ muốn con em họ tập trung học tiếng Anh và các môn chính, còn các môn phụ thì học sinh lớp này không cần phải học. Giáo viên môn phụ cũng nên biết giới hạn bộ môn của mình mà hạn chế gây áp lực cho học sinh.
Bản thân tôi khi nghe những lời trao đổi ấy thì chưng hửng, nhưng càng buồn hơn khi ban giám hiệu nhà trường vì sợ làm phật lòng phụ huynh nên đã quyết định ngừng việc giảng dạy của tôi tại lớp này, để một giáo viên khác vào giảng dạy.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại tại đó. Kể từ khi chuyển sang lớp khác giảng dạy, các em học sinh ở lớp 8 này khi tình cờ gặp tôi trong trường luôn có những lời dè bỉu, tỏ rõ thái độ vô lễ.
Đỉnh điểm là vào kỳ thi cuối học kỳ 1, thấy tôi mải ôm một xấp giấy tờ ra khỏi phòng thi, vài em học sinh nam ở lớp này cố tình tiến đến đẩy ngã tôi. Khi thấy tôi ngã xuống đất, các em bật cười ngặt nghẽo...
Thầy cô thiếu sự bảo vệ
Tôi chợt nhận ra chưa bao giờ vị thế của người thầy bị hạ thấp như thời điểm lúc này. Một người thầy đứng lớp phải chấp nhận đồng lương ít ỏi cộng với biết bao áp lực từ phụ huynh, học sinh đã là đáng thương. Nhưng việc họ phải cô đơn chống chọi lại tất cả những lời phán xét, miệt thị vô cớ, thậm chí là hành hung của phụ huynh và học sinh mà không nhận được sự bảo vệ từ phía ban giám hiệu nhà trường lại càng đau lòng hơn gấp bội.
Tôi không đánh đồng tất cả mọi trường hợp, nhưng đại đa số ban giám hiệu nhà trường thường có thói quen xoa dịu, tán đồng với phụ huynh để hạn chế tối đa mọi mâu thuẫn. Dẫu biết đó là giải pháp cần thiết để quản lý nhà trường nhưng vô hình trung lại gây nên tâm lý bênh vực con ngày càng thái quá ở phụ huynh, không giải quyết đến tận gốc mọi vấn đề phát sinh giữa thầy trò một cách công tâm.
Riêng về phía giáo viên sau những lần bị "xử ép", bắt buộc phải nhận lỗi sẽ nảy sinh tâm trạng chán chường, không còn nhiệt tâm để giáo dục, uốn nắn học sinh như trước đây.
Chúng ta cứ thử đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ luôn được cha mẹ bao bọc, cấp cho một "quyền lực mềm" là có thể phản bác, xử lý bất kỳ thầy cô giáo nào khi dạy dỗ bé thì hậu quả sẽ ra sao.
Từ cấp mầm non, chỉ cần theo dõi camera, thấy con mình bị ngã hay có một vết xước, nhiều bậc phụ huynh đã ngay lập tức vào trường dùng đủ lời lẽ miệt thị, thậm chí hành hung các cô giáo.
Khi vào cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đứa trẻ chỉ cần bị thầy cô nhắc nhở vì vi phạm kỷ luật hoặc viết bản kiểm điểm, nhiều bậc phụ huynh chưa xét rõ nguyên nhân đã vào trường buông lời mắng mỏ, xúc phạm thầy cô.
Đứa trẻ, trong suốt quá trình lớn lên, chứng kiến vô số lần bản thân dù phạm lỗi vẫn được cha mẹ dung túng một cách bất chấp như thế, liệu có cần phải cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức cho chuẩn mực nữa không.
Và sau này, những "sản phẩm lỗi" từ cách bênh vực, giáo dục kém hiệu quả ấy có thể trưởng thành với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp không?
Nguyên nhân từ nhiều phía
Vì sao giờ đây trong môi trường giáo dục của chúng ta xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường: không chỉ học trò gây bạo lực khủng khiếp với nhau mà còn có cả việc học trò gây bạo lực, bắt nạt giáo viên?
Theo tôi, thứ nhất, đó là bởi "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Như người xưa đã nói: không ít người có quyền, có ảnh hưởng đáng lẽ phải giữ được nhân cách để người người nhìn vào nể phục, tôn trọng và noi theo thì hóa ra lại có lối sống, hành vi, cách ứng xử thiếu chuẩn mực, đi ngược lại với chính những gì mình rao giảng. Điều đó khiến niềm tin trong xã hội về con người trở nên cạn kiệt.
Bọn trẻ nhìn vào người lớn, nhìn vào bố mẹ, thầy cô, nhiều khi thấy những lời dạy dỗ về đạo đức, lối sống mà họ thốt ra chẳng có mấy giá trị bởi vì đó chỉ là nói suông mà thôi.
Thứ hai, giáo dục của chúng ta hiện nay nặng về nhồi nhét kiến thức, chuộng thành tích và hình thức. Môi trường giáo dục dường như không còn chỗ để gieo những hạt mầm của cách ứng xử nhân văn, không còn thời gian và không gian cho sự quan sát để hiểu và cảm thông giữa hai đối tượng thầy và trò. Trẻ căng thẳng, thầy cô căng thẳng nên các tương tác học đường dễ biến thành xung đột.
Thứ ba, việc sử dụng điện thoại, truy cập Internet vô tội vạ khiến trẻ bị phơi nhiễm trước nhiều nội dung nhảm nhí, độc hại khi mà chúng chưa đủ khả năng để phân biệt tốt xấu. Sự lan truyền các clip về các hành vi gây sốc với hàng trăm, hàng ngàn lượt chia sẻ đôi khi khiến trẻ nhầm tưởng đó là sự "nổi tiếng", là "ngầu", trong khi trẻ ở độ tuổi mới lớn đang có nhu cầu thể hiện bản thân.
Tôi tin rằng theo dõi những vụ việc gây rúng động về bạo lực học đường các bậc cha mẹ không muốn con mình là kẻ bắt nạt, kẻ gây bạo lực, càng chẳng muốn con mình trở thành nạn nhân.
Cách chúng ta góp phần làm giảm bớt các vụ bạo lực học đường trong tương lai là mỗi người lớn trong mỗi gia đình hãy gánh vác trách nhiệm dạy dỗ con mình trước tiên bằng cách tự sửa mình để lời nói không quá lệch so với việc làm, đồng thời hướng con trẻ đến những hoạt động lành mạnh như đọc sách, tập thể dục, vui chơi ngoài trời...
Suy cho cùng, môi trường học tập của con trẻ nói riêng và môi trường xã hội nói chung lành mạnh thì cá nhân nào cũng được hưởng lợi, vậy nên trách nhiệm cải tạo môi trường đó tất nhiên chẳng của riêng ai.
Chúng ta không thể cứ tiếp tục ngồi bấm nút "share" dưới những clip bạo lực học đường bởi vì một ngày nào đó rất có thể con tôi, con bạn sẽ có mặt trong một vụ bạo lực mới, trong vai người gây hại hoặc bị hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận