Nhóm học sinh dùng ghế đánh em P. khi P. bị dồn vào góc tường - Ảnh cắt từ video clip |
Bạo lực học đường ở nước ngoài được xử lý ra sao?
Ở các nước phát triển, vẫn tồn tại các hình thức kỷ luật như đình chỉ học tập, đuổi học khi trẻ phạm lỗi (ví dụ tỉ lệ bị đình chỉ học tập và buộc thôi học ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Anh lần lượt là 352/10.000 học sinh và 6/10.000 học sinh (*).
Tuy nhiên, đi kèm với kỷ luật là hệ thống hỗ trợ học sinh trong trường rất bài bản để kịp thời phát hiện ra mâu thuẫn giữa các em hoặc những rối loạn về tâm lý của từng cá nhân.
Trẻ vi phạm nghiêm trọng nội quy của trường, trẻ vi phạm nhiều lần cùng một lỗi, hành vi của trẻ gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của nhà trường… tất cả đều là những điều kiện được xem xét để áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập (tối đa 45 ngày - Anh) hay buộc thôi học.
Đối với hình thức kỷ luật đình chỉ học tập, trẻ sẽ được theo dõi sát sao trong thời gian bị đình chỉ và có giờ sinh hoạt định kỳ với giáo viên phụ trách kỷ luật hoặc tâm lý để giúp các em ổn định tâm lý, sửa chữa hành vi và hòa nhập tốt với môi trường khi quay lại học.
Trong thời gian này, nhà trường cũng sẽ có các buổi nói chuyện với tập thể lớp để học sinh hiểu vấn đề của bạn mình là gì, chúng ta cần làm gì để giúp bạn tốt hơn khi quay lại học.
Đối với hình thức đuổi học, trẻ sẽ được các chuyên gia làm một bài đánh giá về nhân thân (phong cách học tập, các kỹ năng xã hội và cảm xúc, khả năng đọc hiểu, nhận thức về bản thân) và có thể dựa vào bản đánh giá này để xây dựng kế hoạch học tập cho trẻ, sau đó tùy theo mức độ vi phạm mà trẻ sẽ được chuyển sang trường khác hoặc đưa vào trường dành riêng cho trẻ phạm tội (trong trường hợp gây thương tích cho người khác).
Chúng ta thấy rõ một điều rằng việc theo dõi và hỗ trợ trẻ sau khi bị kỷ luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em vượt qua lỗi lầm và hòa nhập lại với môi trường trường học. Tuy nhiên, đó chỉ là giải quyết phần ngọn khi vụ việc đã xảy ra.
Để ngăn ngừa các hành động bạo lực tương tự xảy ra trong môi trường học đường, các trường học ở các nước tiên tiến (ngay cả châu Á cũng có thể thấy Singapore, Nhật, Hàn Quốc…và chúng ta có thể quan sát ngay ở các trường quốc tế tại Việt Nam) đều chú trọng giáo dục cho trẻ về giới hạn được phép trong ứng xử hàng ngày.
Ở cấp mẫu giáo, trẻ được dạy không chen lấn, xô đẩy khi lên xuống cầu thang, không đánh vào mặt và đầu bạn khi chơi chung. Trẻ cấp một được dạy cách tự bảo vệ mình khi bị bạn bè trêu chọc, hiếp đáp (báo với thầy cô giáo, nói chuyện với bạn đang cố tình trêu chọc mình…), được dạy cho biết những hành vi nào được xếp vào dạng bạo hành (tinh thần và thể xác).
Trẻ cấp hai được dạy những hành vi nào là gây tổn hại đến tinh thần và thể xác của người khác, mức độ kỷ luật tương ứng ra sao, những hành vi nào được coi là đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử lý theo pháp luật. Khi trẻ ý thức rõ ràng về các giới hạn trong ứng xử xã hội, tỉ lệ bạo lực sẽ ở mức thấp nhất.
Bên cạnh việc giáo dục trẻ về quyền và giới hạn ứng xử xã hội, nhà trường luôn có đội ngũ chuyên viên tâm lý phối hợp cùng giáo viên và gia đình điều chỉnh tâm lý và hành vi của trẻ. Bất kỳ giáo viên hay học sinh nào nhận thấy học sinh/ bạn của mình có bất thường trong suy nghĩ hoặc hành vi đều có thể báo cho giáo viên phụ trách lớp và giáo viên này sẽ xem xét mời chuyên viên tâm lý vào cuộc.
Ví dụ một học sinh cấp một rất thông minh, học giỏi vượt trội so với các bạn nên thường xuyên thiếu kiên nhẫn trong các trò chơi vì cho rằng các bạn khác chậm chạp, chậm hiểu và phản ứng không nhanh dẫn đến bị thua cuộc, em bắt đầu có biểu hiện dễ cáu giận và sẵn sàng dùng bạo lực với bạn.
Giáo viên và chuyên viên tâm lý đã mời gia đình đến nói chuyện về trường hợp của em, biểu hiện chỉ là thiếu kiên nhẫn với bạn bè khi chơi chung nhưng tiềm ẩn đằng sau là nguy cơ em luôn thấy mình đúng (dù thực sự đang là như thế vì em giỏi hơn các bạn).
Em không hòa nhập được vào cộng đồng vốn rất nhiều người không giỏi bằng em, thiếu kiên nhẫn để lắng nghe và quan sát nên có xu hướng sử dụng bạo lực để giành quyền kiểm soát về mình. Em sẽ chỉ chấp nhận thế giới xung quanh như mong muốn, nếu mọi việc xảy ra không như hoạch định thì em sẽ không chấp nhận được và dễ suy sụp, dễ có tâm lý thù hận cộng đồng xung quanh, cộng với chỉ số vượt khó của em dưới ngưỡng trung bình thì nguy cơ có các hành động tiêu cực khi thất bại trong cuộc sống là rất đang lo ngại…
Học sinh này đã được chuyên viên tâm lý theo sát và chia sẻ với em suốt một năm học mỗi tuần 3 buổi để giúp giải tỏa được nút thắt tâm lý và mở lòng ra, chấp nhận sự khác biệt dễ dàng hơn, tháo bỏ được “tinh thần bạo lực” trước đây luôn thường trực ở em.
Đừng để cây yêu thường tàn lụi, cỏ bạo lực bạo phát
Như vậy, chúng ta thấy rằng nếu mầm thương yêu không được vun xới, mầm bạo lực không được phát hiện để hóa giải, diệt trừ kịp thời thì cây yêu thương sẽ tàn lụi và cỏ bạo lực sẽ bạo phát.
Vai trò sâu sát học sinh của giáo viên rất quan trọng, bằng tình yêu thương và khả năng sư phạm, thầy cô sẽ là người phát hiện ra ẩn chứa đằng sau những học sinh học giỏi, ngoan hiền hay học kém, quậy phá là nguy cơ gì, các em đang có những uẩn khúc gì về tâm lý đến từ gia đình, môi trường, mối quan hệ giữa các em trong lớp học có đang “lành mạnh” hay không, hay đang bị lũng đoạn bởi quyền lực của lớp trưởng hoặc một nhóm học sinh cá biệt để thầy cô kịp thời gây ảnh hưởng tích cực lên các em, ngăn chặn những hành vi tiêu cực đáng tiếc có thể xảy ra như vụ việc ở Trà Vinh vừa rồi.
Để có thể sâu sát với các em, người thầy phải quan sát và chú ý đến những biểu hiện rất nhỏ nhặt của trẻ, từ đó gần gũi để có thể được trẻ tin tưởng giãi bày, giúp giải quyết được vấn đề của trẻ.
Đừng giao hết trách nhiệm quản lớp cho các em giữ vai trò lớp trưởng, vì như vậy thầy cô bớt việc nhưng lại đang vô tình đánh mất cơ hội sát cánh với các em để nắm rõ tâm tư, tình cảm của học trò, cũng như đã trao quyền sinh sát vào tay một em học sinh chưa đủ nhận thức để sử dụng quyền lực đó một cách hợp lý và có ích.
Giáo dục mang sứ mạng giúp con người tốt đẹp hơn, hiểu biết và yêu thương nhiều hơn lên, nên chăng chúng ta chú trọng việc giáo dục các giới hạn xã hội cho trẻ ở tất cả các cấp học, và ngay cả khi chúng ta thực thi kỷ luật, thiết nghĩ cũng nên đặt mục tiêu giáo dục lên trên mục đích trừng phạt, vì trừng phạt không giúp người ta hiểu rõ về tác hại của hành vi sai phạm, mà có khi lại làm dày thêm tâm lý hận thù.
Kỷ luật, khi đi kèm với hỗ trợ về tâm lý và giáo dục, sẽ giúp diệt mầm bạo lực và chăm bón mầm yêu thương tốt hơn.
(*) Báo cáo về đình chỉ học tập và cho thôi học năm học 2012-2013 của Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận