18/07/2019 07:06 GMT+7

Học trò đã cứu tôi!

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

TTO - Năm 2002, tôi lên vùng kinh tế mới huyện Sông Hinh, Phú Yên dạy học. Lấy chồng, sinh con, tôi đã nghĩ miền sơn cước này là quê hương mới, nhưng tai ương khủng khiếp ập đến...

Học trò đã cứu tôi! - Ảnh 1.

Truyện được đăng. Khi nhận được báo biếu, tôi khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Vì nóng lòng muốn thăm một người quen bị tai nạn mà tôi gọi ông xã về chở trong lúc anh đang nhậu.

Tận cùng tuyệt vọng

Qua một đoạn cua gần nhà, băng qua vết dầu loang: "rầm" - kết quả tôi nằm cùng phòng cấp cứu với người tôi định thăm.

Hôn mê hơn một tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi tỉnh dậy với gương mặt lơ láo, những vết sẹo trên trán, dưới cằm, hàm răng trống trơn, những sợi chỉ trong vòm họng còn toòng teng, mắt trắng dã vì lòng đen đã nép sát hóc. Mắt trái lé trong và nhược thị (chỉ còn thấy ánh sáng mờ) - hậu quả của chấn thương sọ não, xuất huyết màng nhện và liệt dây thần kinh 6.

Hai mươi tám tuổi, tôi ra viện trong tình trạng phế nhân - người thân phải cõng ra xe, về nhà nằm thêm hai tháng trong trạng thái cơ thể gần như bại liệt, đầu óc lúc nhớ lúc quên. Ngay sau đó, tôi lại mang thêm bệnh mới. 

Những cơn mệt lặp lại theo chu kỳ. Người lả ra, mềm nhũn, thở yếu ớt! Những cơn lạnh không kiểm soát tràn từ chân lên đỉnh đầu, nóng ran ở ngực và phát lạnh toàn thân. Không làm chủ được ý thức, tôi run rẩy, sợ hãi, khóc lóc. Bác sĩ cho biết đó là di chứng gần như tất yếu của chấn thương sọ não - chứng bệnh động kinh.

Trở về từ cõi chết, đi dạy trong tình trạng còn hẹn tái khám và tủi nhất là tôi có cảm giác bị kỳ thị: "Chấn thương sọ não không khùng cũng tăng tăng...". 

Nghe những lời vô tâm như vậy, tôi đau một nỗi đau vô cùng tận. Trước kia tôi là tổ trưởng chuyên môn, chuyên viên văn của phòng giáo dục. Đi dạy sau tai nạn, tôi dần biết mình không còn giữ nhiệm vụ gì, tôi đau đớn nghĩ chắc cấp trên thấy mình không bình thường nên sợ không làm được việc.

Có em học sinh còn thiệt thà hỏi: "Mẹ hỏi cô dạy được không? Nếu không mẹ xin chuyển lớp cho em...". Đã vậy, người chồng đầu gối tay ấp bắt đầu có dấu hiệu hờ hững, tình cảm vợ chồng rách từng mảng lớn. Rồi khi tận mắt xác nhận tin đồn chồng ngoại tình là có thật, tôi tan nát! Tôi khóc lóc, van nài thảm thiết nhưng anh nhất quyết nộp đơn ly hôn!

Cảm ơn các em

Bây giờ, ngồi nhớ lại những điều đã qua, trong sâu thẳm, tôi biết ơn hai em học sinh cũ. Các em đã đưa tôi về từ cõi chết, đã giúp cuộc sống tôi ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Hai tiếng "cảm ơn" sẽ là không đủ, tôi muốn thông qua cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" này để gửi đến học trò của mình lời tri ân gan ruột nhất!

Tôi phải sống

Hai đòn trí mạng giáng xuống cùng lúc. Nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần. Những ngày tuyệt vọng, tôi đã nghĩ tới cái chết như một sự giải thoát. Tôi bỏ lên Facebook tấm ảnh có nhiều ngọn nến ở thế giới xa xăm thay cho lời nói "tạm biệt tất cả", rồi cầm lưỡi lam đặt lên cổ tay.

Tôi bị bệnh máu khó đông, nên không khó để tìm cái chết. Vừa lúc đó, thật kỳ lạ, điện thoại có tin nhắn:"Cô giáo ơi đừng chết! Cu Ca cần cô, những học sinh của cô đang chờ..." - em Hồ Trung Chính, học trò cũ, lứa học trò đầu tiên, hiện đang làm việc cho một quán cơm chay ở TP.HCM, nhắn cho tôi. Tin nhắn của học trò làm tôi sực tỉnh. Nghĩ đến con trai bé bỏng, đến học sinh... Không được! Dù thế nào tôi cũng phải sống, phải sống!

Thời kỳ đau đớn nhất, tôi dần vượt qua. Đi dạy được mấy tháng, tôi không đủ sức để tiếp tục nên lại nằm viện. Nằm viện một mình, thân mang bệnh lại làm mẹ đơn thân, nghĩ đến những ngày tiếp theo của hai mẹ con, tôi lại mất phương hướng!

Tình cờ hay là sự sắp đặt của số phận mà hôm đó tôi được một học trò cũ ghé thăm. Cũng là học trò năm đầu tiên tôi về miền núi dạy. Em Cao Thị Kim Thoa lúc đó đang học khoa báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ở TP.HCM. Em đi thăm ông nội bệnh ở quê, vô tình nhìn thấy cô giáo cũ ngồi ủ dột bên cửa sổ. Học trò nghẹn ngào gọi: "Cô ơi, cô ơi...".

Hỏi thăm sức khỏe của cô, rồi em khuyên cô nên viết lách cho khuây khỏa, như cộng tác báo chí. Tôi trả lời mình không hình dung được sẽ viết gì bởi xưa giờ chỉ dạy học. Em liền mở túi lấy đưa tôi tập san Áo Trắng. Em nói tờ báo này có nhiều mục cô có thể cộng tác được. Cuộc đời cô, môi trường cô đang làm việc có nhiều điều để viết. Cộng tác thêm với báo chí, cô sẽ không còn thời gian để phiền muộn.

Một mình và một tờ báo, tôi đọc đi đọc lại. Rồi cũng muốn thử sức. Tôi ra cổng mua cây bút, quyển vở viết về mối tình học trò. Cầm tờ giấy ra tiệm Internet gõ và gửi theo địa chỉ trên tờ báo. Truyện được đăng. Khi nhận được báo biếu, tôi khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc...

Cộng tác với báo chí, tôi tìm lại được niềm vui sống, bình tĩnh đối mặt với những biến động cuộc đời. Chồng cũ gửi tòa đơn đòi nuôi con vì mẹ (là tôi) chưa có nhà ở, lại bị chấn thương sọ não, tôi đã bình tĩnh mời luật sư để tiếp tục quyền nuôi con. 

Đứt ruột nhưng tôi sẵn sàng từ bỏ ngôi nhà mình đã đổ mồ hôi, nước mắt (và cả máu) để tạo lập chung với chồng mà đem con về mẹ. Mỗi ngày lắc lư gần 80km xe buýt, nhưng tôi đi dạy bằng nhiệt huyết của thời trẻ.

Không chỉ giảng dạy, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tôi còn tận dụng việc mình đang làm cộng tác viên cho báo chí mà tìm hiểu, quan tâm, giúp đỡ học sinh. Những cô cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp sức thông qua kênh báo chí.

Khi các em được nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi sung sướng như người thọ nhận sự giúp đỡ ấy chính là mình. Được làm điều có ích, tôi bắt đầu thấy mình sống có ý nghĩa. Tôi phải hàm ơn hoàn cảnh của các em học sinh, hàm ơn những tấm lòng thiện nguyện đã giúp tôi hiểu rằng cuộc đời vẫn có nhiều điều nghiệt ngã nên ta phải sống đẹp, sống thật đẹp và vượt qua...

Từ ngày 28-6 đến 16-7, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" lần 2 tiếp tục nhận được bài dự thi của các bạn:

Long Trương, Lâm Bùi, Nguyễn Thị Cẩm Vân (Long An), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Lê Thạch (Bình Dương), Mỹ Dung, Lê Thị Kim Loan, Nguyễn Phùng Xuân Anh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Thục Trinh, Trần Tuyết Oanh, Mai Đức Trung, Trương Thanh Lực (TP.HCM), Nguyễn Thị Bích Nhàn, Nguyễn Văn Danh (Phú Yên), Trần Thị Loát (Tây Ninh), Lê Thị Hồng Hạnh (Hà Tĩnh), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Thanh Thanh, Đinh Thị Hồng Ngọc, tuonglam (Hà Nội), Nguyễn Hữu Phú (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Hồng, Hồ Thanh Nga (Nghệ An), Nguyễn Thị Hoa, Lê Trung Tuấn (Quảng Nam), Hoài Phương (Cần Thơ), Mai Thị Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Ngà (Đắk Lắk), Trần Lê Khả Hân (Vĩnh Long), Lê Thị Lý (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhiên Văn, Nhat Nguyen (TP.HCM), Vy Huyền, Nguyễn Huyền Thu (Hà Nội), Đoàn Anh Quân (Quảng Nam), Vương Hoàng Bá Lộc (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Huyền Vy (Cần Thơ), Joth Trần (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Loan (Hà Nội), Tạ Ngọc Hiền (Hà Nội), Vũ Lam Hiền (TP.HCM), Nguyễn Tuấn Đức (Hà Tĩnh), Lê Thị Cẩm Tiên (TP.HCM), Bùi Minh Phượng (Hà Nội), Nguyễn Thanh Nam (Quảng Ngãi), Trần Hoài Phong (Tiền Giang), Bùi Thị Xuân Thu (Đồng Nai), Triệu Kiệt Long (Trà Vinh), Đinh Thị Phương Nhung (Thái Bình), Nguyễn Vũ Thu Trang (Lâm Đồng), Phan Xuân Hậu (Nghệ An), Lê Thị Nam Phương (Bình Phước), Mai Thị Thúy Hà (Hà Nội), Thu Hiền (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Công (Hà Nội), Tôn Thất Lang (Cần Thơ), Nguyễn Thị Mai Trâm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Thùy Trang (Thừa Thiên Huế), Trần Thị Thùy Linh (Singapore), Trần Thị Trang (Hà Nội), Đại Lâm, Hàn Nhân (Đắk Lắk).

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Tôi ơi,  đừng tuyệt vọng

TTO - Tôi từng nghĩ rằng đời mình sẽ luôn bình yên. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi bất ngờ một khoảnh khắc tin vui ghé qua, cũng đồng thời tin dữ ập đến. Địa ngục đã mở cửa với tôi...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên