09/09/2015 11:57 GMT+7

Học “trả góp”

MAI VINH
MAI VINH

TT - Có lẽ đó là cách nói ngắn gọn nhất về cô tân sinh viên Tou Prong Nhật Lệ (Đại học Đà Lạt) đã vượt qua nghèo khó để vào đại học.

*** Error ***
Triền miên làm thuê trả nợ vay nóng nên tân sinh viên Tou Prong Nhật Lệ gần như thạo nhiều việc nhà nông - Ảnh: MAI VINH
Triền miên làm thuê trả nợ vay nóng nên tân sinh viên Tou Prong Nhật Lệ gần như thạo nhiều việc nhà nông - Ảnh: MAI VINH

Gặp Nhật Lệ khi cô vừa đi làm về. Tím tái, run rẩy. Cái lạnh từ bộ quần áo ướt sũng thấm vào người cô. “Mai mình nhập trường rồi. Ráng đội mưa làm để nhận nguyên ngày công, gom tiền nộp học phí” - Lệ phân bua. Nhật Lệ trúng tuyển vào khoa công tác xã hội.

Triền miên vay nóng

Nhà Nhật Lệ nằm sâu trong thôn K’Lót (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), một bản nghèo của người Chu Ru. Đó là căn nhà gỗ ẩm mục. Những tấm gỗ không đủ che gió lùa hay cơn mưa rào thường gặp ở xứ cao nguyên. Tìm vào nhà Nhật Lệ khi trời đang mưa, người cán bộ y tế xã Tu Tra dẫn đường tếu táo bảo cứ đo đất đủ ba lần thì tới, đường đất đỏ trơn như tưới mỡ dễ gì mà không té.

Bố Nhật Lệ mất vì bạo bệnh cách đây năm năm để lại khoản nợ hơn trăm triệu. Mẹ bị bệnh cột sống nặng đến mức gần như không đi lại được. Mới đây để có tiền cho mẹ đi phẫu thuật, mảnh đất nhỏ là kế sinh nhai duy nhất của cả nhà cũng phải bán đi.

Cơm áo gạo tiền bủa vây tưởng như che mờ sự học của cả ba chị em Nhật Lệ. Để bám trường, Nhật Lệ chọn cách vay tiền người trong xã, chấp nhận lãi suất cao để có tiền trang trải việc học. Mỗi ngày nghỉ, hai chị em lại quần quật làm lụng trả nợ.

Chuyện vay nợ đối với Nhật Lệ không phải là chuyện dễ. Nhà không còn gì có thể cầm cố. Tài sản lớn nhất trong nhà là hai cái nồi dùng nấu cơm và... hứng nước dột. Bởi vậy, dần dà đi vay không ai dám cho vay. Năn nỉ, kể hết chuyện khó khăn ra người ta mới động lòng cho vay ít tiền.

Nằm trên giường, bà Nai Hạnh, mẹ Nhật Lệ, thều thào kể: “Không lần nào nó đi vay tiền về mà không khóc, tủi thân quá. Nín rồi nó lại vỗ về mẹ, bảo ráng ráng. Rồi nó hẹn em trai tuần tới đi làm thuê. Chiều về được đồng nào nó đưa hết cho mẹ, dặn cất chừng nào đủ tiền thì mẹ mang đi trả, đừng để mất lòng người cho vay”.

Vách gỗ gần bếp là tấm bảng ghi nợ, chữ Nhật Lệ viết lên thẳng thớm bằng than củi. Tấm bảng nhắc cụ thể từng ngày tháng năm đi vay nợ. Chỗ nào trả rồi chỗ nào chưa trả và ngày nào đến hẹn phải trả. “Nhìn tấm vách là biết cần làm thuê bao nhiêu ngày mới đủ tiền trả, nhờ vậy nên ráng làm mà không thấy mệt” - Nhật Lệ bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Giang, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tu Tra, là người đã nhiều lần đỡ đầu để Nhật Lệ vay tiền trang trải. Chị kể: “Nhiều lần nó chạy tới nhà ngồi cúi gằm mặt. Hỏi ra thì Nhật Lệ khóc òa, bảo con cần tiền mua thuốc cho mẹ mà không vay được. Ai cũng không cho vay nữa. Không uống thuốc mẹ con chết mất cô ơi”.

Đã 2 tháng nay, bà Nai Hạnh giấu con không uống thuốc theo toa bác sĩ kê vì nhà không còn tiền. Chạnh lòng, chị Giang lấy tiền nhà cho mượn, còn thiếu chị đứng tên vay giúp. “Người ta mua đồ trả góp, còn nhà nghèo như nó thì đi học trả góp” - chị ngân ngấn nước mắt.

Không có nổi 1 chiếc áo ấm

Ngày biết tin đậu đại học, Nhật Lệ cười tươi rói khoe mẹ mấy ngày nữa nhận lương sẽ dư tiền đóng học phí. Thật sự cô chỉ có được 1 triệu đồng, công làm thuê cho các nhà vườn.

“Mẹ xót tiền nên bỏ uống thuốc 2 tháng rồi, giờ mà cho mẹ biết phải đóng tới 3 triệu chắc mẹ chết mất. Nhiều lần mẹ đòi chết cho nhẹ gánh con cái rồi. Chưa kể em trai chuẩn bị vào lớp 12, tốn thêm nhiều tiền lắm” - Nhật Lệ giải thích.

Rồi Lệ đi tìm chị Giang bàn cách chị Giang đi lên xóm trên, Lệ đi xuống xóm dưới dặn những nhà có vườn nếu cần người làm công thì nhớ gọi. Gặp ai chị Giang cũng nói với thêm một câu: “Nhớ kêu con Lệ đi làm, nó cần tiền học đại học”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một chủ vườn ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), nói Lệ nhỏ con nhưng lúc nào cũng làm ráng hái cà chua, trồng bắp, hái đậu, cày đất, làm cỏ... việc gì cũng đã từng. “Nói làm ráng coi chừng bệnh, nó đáp không sao, miễn chú cho con nhận tiền đúng hẹn để mua thuốc cho mẹ và trả nợ đúng ngày” - ông Tuấn kể.

Chiều trước ngày Nhật Lệ nhập học, chị Giang tìm đến nhà. Nhìn thấy hành trang nhập học của cô, chị bần thần. Ngoài đôi dép da quai hậu chị mua cho thì Nhật Lệ không có gì mới mẻ cho năm học mới. Balô cũ, quần áo cũ cũng là gom góp của người dân trong xã, chiếc áo ấm đủ để chống cái lạnh Đà Lạt cô cũng chưa có.

Đốm sáng của bản làng

Chị Nguyễn Thị Giang, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tu Tra, bảo Nhật Lệ là câu chuyện lạ ở thôn ít học K’Lót. Chưa nghèo như nó người ta đã bỏ học đi làm kiếm ăn, còn nó thì bỏ ăn, vay mượn đủ đường chỉ để học.

“Tôi ráng giúp nó vì thương tính hiếu học của nó và các em. Tôi hay lấy nó ra làm gương cho con cái trong nhà. Hôm chở nó ra xe, chưa để mình động viên thì nó đã nhờ mình động viên mẹ uống thuốc và các em ở nhà không tủi thân mà bỏ học. Nó bảo nhập học xong là nghĩ cách làm trả nợ. Ở Đà Lạt làm thêm chắc cũng nhiều tiền hơn ở trong làng” - chị Giang kể.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên