Học toán mùa bầu cử

C.VĂN 05/11/2024 07:20 GMT+7

TTCT - Ngay cả với cử tri Mỹ, quy trình kỹ thuật của việc lựa chọn tổng thống và các chính trị gia dân cử vẫn có thể rất rối rắm và khó hiểu.

Học toán mùa bầu cử - Ảnh 1.

Ảnh: UC Santa Barbara

Nhưng với nhiều giáo viên dạy toán, hệ thống bầu cử kiểu đó có thể là mỏ vàng để ra đề cho các môn số học và thống kê.

Cũng có thể coi kỳ bầu cử còn là môn học "tích hợp" đúng nghĩa cho học trò Mỹ: vừa học toán, vừa học về hệ thống chính trị quốc gia, để trở thành các cử tri am hiểu và sẵn sàng tham gia hơn sau này. 

Thật vậy, khảo sát của Đại học Tufts năm 2020 với 2.232 thanh niên tuổi từ 18 tới 21 thể hiện điều đó ngay qua tựa đề: "Người trẻ từng học về bầu cử ở trường cấp III nhiều khả năng sẽ trở thành cử tri am hiểu và tích cực hơn".

Chia theo tỉ lệ

Cử tri Mỹ không bỏ phiếu bầu tổng thống trực tiếp, mà một nhóm đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng viên chiến thắng số phiếu phổ thông ở từng tiểu bang. Ở hầu hết các tiểu bang, ai giành được nhiều phiếu nhất cũng sẽ gom trọn phiếu đại cử tri ở bang đó.

Các tiểu bang có số đại cử tri không giống nhau. Mỗi tiểu bang có hai đại cử tri cơ sở (tương ứng với hai thượng nghị sĩ). Số đại cử tri còn lại được phân chia dựa trên số hạ nghị sĩ đại diện cho mỗi tiểu bang ở Hạ viện. 

Tới lượt nó, số này phụ thuộc vào dân số của tiểu bang, nhưng không phải chia theo tỉ lệ như nhau, mà qua một công thức hết sức phức tạp. 

Số hạ nghị sĩ ở Mỹ đã được xác định là 435 người từ năm 1929 tới nay, dù dân số đã tăng từ 121 triệu lúc đó lên thành 343 triệu người ngày nay (tăng hơn 2,8 lần). Điều đó đồng nghĩa số người dân được đại diện bởi mỗi hạ nghị sĩ cũng đã thay đổi rất nhiều.

Lấy ví dụ, năm 2020, tiểu bang Montana có 2 hạ nghị sĩ và dân số 1.085.407 người. Tỉ lệ đại diện như vậy là 542.704:1, hay mỗi 542.704 dân thì có một hạ nghị sĩ. Nhờ toán học, cử tri sẽ biết khó thể coi cuộc bầu cử Mỹ là một dạng thức dân chủ công bằng đúng nghĩa. 

Lý do dễ hiểu: số đại cử tri không được chia đều cho tỉ lệ dân số. Montana cũng là tiểu bang có tỉ lệ hạ nghị sĩ theo dân số thấp nhất, chỉ bằng gần một nửa so với bang có tỉ lệ lớn nhất: Delaware, 990.837:1.

Để diễn giải những con số này thành thực tế, giáo viên dạy toán có thể nêu câu hỏi: "Montana có ít người được đại diện trên một hạ nghị sĩ hơn Delaware. Vậy thì phiếu bầu của ta ở đâu sẽ có giá trị hơn?". Câu trả lời là Montana.

Kỹ thuật vẽ bản đồ

Còn rắc rối nữa, mỗi tiểu bang lại được chia thành các khu vực bầu cử; cư dân ở mỗi khu vực này bỏ phiếu để bầu ra người đại diện cho mình ở cấp tiểu bang và liên bang. 

Tình trạng sửa đổi ranh giới khu vực bầu cử (gerrymandering) xảy ra khi các khu vực bầu cử được phân chia một cách nhân tạo dựa trên nhân khẩu học nhằm tạo lợi thế cho một đảng cụ thể. Đảng cầm quyền thường sẽ vẽ những ranh giới này để có nhiều cơ hội chiến thắng hơn ở kỳ bầu cử tiếp theo.

Ví dụ, giả sử một tiểu bang có 10 hạ nghị sĩ, và đảng X được 60% số phiếu phổ thông. Trên lý thuyết, như vậy đảng X lẽ ra giành được 6/10 ghế hạ nghị sĩ. 

Nhưng luật pháp Mỹ không quy định rằng số phiếu phổ thông ở một tiểu bang phải tương ứng với số ghế một đảng giành được. 

Bằng cách vẽ lại biên giới các khu vực bầu cử, đảng X có thể giành được 60% số phiếu không chỉ trên toàn tiểu bang, mà ở mỗi một trong tất cả 10 khu vực bầu cử, đồng nghĩa họ sẽ giành được không phải là 6, mà cả 10 ghế hạ nghị sĩ, dù tổng số phiếu phổ thông của họ vẫn chỉ là 60%.

Đề toán này có thể điều chỉnh theo lớp và cấp học. Ví dụ, học trò tiểu học có thể học về tỉ lệ phần trăm và ước đoán tỉ lệ các phần của một diện tích hình học bằng cách tự tay sửa đổi ranh giới khu vực bầu cử. 

Trong khi đó, học trò cấp II và III có thể đi vào tính toán chi tiết dữ liệu thống kê để xây dựng các khu vực bầu cử sao cho công bằng, chỉnh sửa lại một khu đã bị chỉnh sửa trước đó.■

Nguồn lực và hệ thống đại cử trị

Tổng số đại cử tri hiện là 538 và theo hệ thống thắng được hết, sẽ là vô nghĩa nếu ứng viên Dân chủ vận động tranh cử quyết liệt ở một bang đã chắc là sẽ bỏ cho Cộng hòa, và ngược lại. Vì vậy, cuộc bầu cử tập trung vào một số ít các bang "chiến địa", nơi tình hình chưa ngã ngũ.

Năm 2024 này, hành vi chiến lược của ứng viên thể hiện rõ rệt qua dữ liệu. Lấy ví dụ, bà Harris (và ông Biden trước đó) và ông Trump đều chi tiền quảng cáo thật sự đáng kể chỉ cho 7 tiểu bang.

Ở mấy chục tiểu bang khác, họ gần như không chi xu nào. Hệ thống bầu cử này, cả về mặt toán học lẫn thực tế, đã nhận nhiều chỉ trích suốt 237 năm qua.

Không tới 20% dân số Mỹ sống ở một tiểu bang thực sự quan trọng với cuộc bầu cử năm nay. Và từ đầu thế kỷ đến giờ, đã hai lần người thắng cử là người có ít phiếu phổ thông hơn (George W. Bush năm 2000 và Donald Trump năm 2016).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận