Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo theo học chế tín chỉ.
Học phí được nhà trường thu theo học kỳ, căn cứ vào tổng số tiết thực học của các học phần mà sinh viên đăng ký trong học kỳ và mức thu của một tín chỉ học phí được quy định theo năm học.
Tùy theo từng chương trình đào tạo sẽ có 2 - 3 học kỳ/năm học tương ứng số đợt thu học phí.
Đa dạng cách thu
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu học phí chương trình chuẩn theo tín chỉ, nhưng chương trình chất lượng cao lại thu theo niên chế cho các khóa.
Mỗi năm học tại trường gồm có hai học kỳ chính và một học kỳ phụ. Nhà trường thu học phí trung bình bốn đợt/năm, tối thiểu là hai đợt/năm.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 1993 đến nay. Đối với sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2018 về trước, trường thu học phí theo tín chỉ mà sinh viên học trong một học kỳ.
Trong khi đối với các sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2019 về sau, trường thu học phí trọn gói theo học kỳ.
Mỗi năm, trường tổ chức học trong hai học kỳ chính. Trong mỗi học kỳ, học phí được thu một lần vào khoảng gần cuối học kỳ.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu học phí theo từng học kỳ đối với môn học lần đầu theo thiết kế của chương trình đào tạo.
Đối với môn học lại, học cải thiện điểm sẽ thu theo học phí tín chỉ.
"Mức học phí (dự kiến) từng năm học đã được công bố trong đề án tuyển sinh và website tuyển sinh. Mỗi năm học có hai học kỳ chính và học kỳ hè.
Riêng học kỳ hè là học kỳ tự chọn, sinh viên có đăng ký môn học trong học kỳ hè sẽ thu theo tín chỉ đối với môn học lại, học cải thiện điểm", TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm.
Theo ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường xác định học phí toàn khóa học (toàn bộ chương trình đào tạo bốn năm, gồm tất cả các học phần có trong chương trình kể cả giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, tiếng Anh chính khóa) theo định mức kinh tế kỹ thuật.
Học phí toàn khóa và học phí từng năm học công bố trong đề án tuyển sinh hằng năm.
"Mỗi năm trường thu học phí hai đợt tương ứng với hai học kỳ chính, không phụ thuộc vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký trong học kỳ đó.
Sinh viên tốt nghiệp trước hạn, sinh viên học chậm hơn tiến độ (tốt nghiệp trễ hạn) đều đóng học phí giống nhau theo mức công bố của mỗi năm học vì trong toàn bộ khóa học sinh viên đều phải hoàn thành chung một chương trình đào tạo (trừ trường hợp đăng ký học lại)", ông Tiến chia sẻ.
Được miễn học ngoại ngữ, sao vẫn thu học phí?
Hiện nhiều sinh viên và phụ huynh thắc mắc việc kiểm tra năng lực đầu vào ngoại ngữ cũng như xét miễn học phần ngoại ngữ đối với sinh viên đạt chuẩn đầu ra mỗi trường làm theo mỗi kiểu. Trong đó, một số trường dù sinh viên không học môn tiếng Anh tại trường (do đạt chuẩn đầu ra) nhưng trường vẫn thu học phí.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc miễn học môn ngoại ngữ hiện đều được các trường áp dụng đối với sinh viên đã có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra theo quy định.
Tuy nhiên việc thu học phí đối với môn ngoại ngữ cũng khác nhau.
Chẳng hạn như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa đều không thu học phí môn ngoại ngữ đối với sinh viên không học môn này tại trường.
Trong khi Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Kinh tế - Luật lại thu học phí ngoại ngữ dù sinh viên được miễn học môn này.
Giải thích về việc này, ông Cù Xuân Tiến cho biết: "Do học phí được tính cho trọn gói toàn bộ chương trình đào tạo bốn năm, gồm tất cả các học phần, tổ chức thu theo từng học kỳ, không phụ thuộc vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký trong học kỳ nên trường không tách riêng học phí của học phần tiếng Anh chính khóa".
Theo ông Tiến, để bảo đảm chất lượng đào tạo, từ nhiều năm qua trường đã tổ chức lớp học tiếng Anh theo bậc năng lực của sinh viên.
Tân sinh viên nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào. Kết quả kỳ thi này được sử dụng để phân lớp học tiếng Anh tương ứng với năng lực của sinh viên.
"Bất cứ lúc nào trong quá trình học, khi nộp chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra đúng quy định, sinh viên không cần phải học các học phần ngoại ngữ còn lại.
Sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra trong quá trình học sẽ có nhiều thời gian hơn để đăng ký học vượt, học thêm các học phần của chuyên ngành khác nhằm đẩy nhanh tiến độ học tập, tốt nghiệp trước hạn hoặc học thêm các học phần của chương trình đào tạo khác", ông Tiến nói.
Ông Minh Khang cũng cho rằng vấn đề đóng học phí học ngoại ngữ ở Trường ĐH Công nghệ thông tin không được đặt ra vì tại trường sinh viên đóng học phí theo học kỳ. "Trường không bắt buộc phải học môn ngoại ngữ tại trường.
Sinh viên có thể nộp chứng chỉ ngoại ngữ (đạt chuẩn đầu ra) ngay khi nhập học để được miễn học ngoại ngữ. Sinh viên được miễn học ngoại ngữ có thể đăng ký các môn học khác để đẩy nhanh tiến độ học tập và tốt nghiệp trước hạn", ông Khang nhấn mạnh.
Có thể học vượt để đóng học phí ít hơn
Ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho biết trong một học kỳ, sinh viên đóng cùng mức học phí nhưng có thể học tối đa 24 tín chỉ (30 tín chỉ đối với sinh viên loại giỏi), tương đương 6 - 8 môn học. Với lịch học này (gồm lý thuyết và thực hành) đã chiếm gần như toàn bộ thời gian sáu ngày/tuần.
"Sinh viên học vượt, hoàn thành sớm chương trình học sẽ tiết kiệm được học phí 1 - 2 học kỳ so với thu theo tín chỉ hoặc hoàn thành song ngành với mức học phí một ngành. Sinh viên học trễ hạn sau khi hết thời gian theo thiết kế chương trình đào tạo, các môn chưa học sẽ đóng học phí theo tín chỉ.
Trong năm 2023, trường có khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp trước hạn theo khung chương trình. Điều này có nghĩa sinh viên chỉ đóng học phí từ 6 - 7 học kỳ so với tốt nghiệp bình thường phải đóng học phí 8, 9 học kỳ (tùy ngành).
Chính sách học phí này khuyến khích sinh viên giỏi rút ngắn thời gian học từ đó tiết kiệm thời gian cũng như chi phí", ông Khang nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận