Đầu tư nhiều tiền học tiếng Anh nhưng không nói được là thực trạng ở VN |
“Nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác không chỉ đến từ đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa mà còn đến từ đòi hỏi của các bậc phụ huynh. Cả xã hội từ thành thị đến nông thôn sẵn sàng đầu tư cho con em học ngoại ngữ nhưng kết quả lại không như mong đợi” - PGS.TS Lê Văn Canh phân tích.
Ông cho biết học sinh học xong phổ thông, thậm chí tốt nghiệp ĐH, không giao tiếp được bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngay cả việc lựa chọn ngoại ngữ làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vẫn chỉ có 16% thí sinh lựa chọn, 84% còn lại đã “nói không với ngoại ngữ”.
Học tiếng Anh hi vọng tìm được việc làm?
Theo ông Canh, có thể nói ở Việt Nam nhu cầu học tiếng Anh lớn nhất là tại khu vực thành thị và các vùng có tăng trưởng kinh tế cao.
Do có nhiều bất cập về chất lượng trong giáo dục đại học của đất nước cũng như những khó khăn về việc làm, các gia đình có điều kiện về kinh tế đều sẵn sàng đầu tư lớn cho con em họ học tiếng Anh với mong muốn đủ điều kiện đi du học ở các nước nói tiếng Anh.
Học sinh những gia đình không có điều kiện kinh tế đủ để đi du học thì đầu tư vào việc học tiếng Anh để hi vọng tìm được việc làm với các công ty có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc các công ty liên doanh với nước ngoài. Trong khi đó, đối với đa số học sinh ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng núi cao việc học tiếng Anh chỉ là hình thức.
Sau bốn năm thực hiện chủ trương của Chính phủ, học sinh cả nước phải đạt được chuẩn tiếng Anh theo quy định chung tùy theo bậc học và trình độ đào tạo, từ năm 2011 cho đến nay việc đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định của học sinh vẫn là một câu hỏi lớn - ông Canh nhìn nhận.
Cần xem lại mục tiêu dạy và học tiếng Anh
Ông Canh khuyến nghị: "Cần xem lại việc yêu cầu tất cả học sinh trong toàn bộ hệ thống giáo dục phải đạt tất cả các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh (nói, nghe, đọc, viết) có thực tế không?".
Theo ông, tiếng Anh rất cần nhưng mỗi người cần một kiểu khác nhau, không ai giống ai. Mục tiêu học tiếng Anh đối với học sinh phổ thông và sinh viên ĐH khác nhau. Những học sinh muốn đi làm công nhân sẽ học ngoại ngữ khác với những em muốn đi du học hay trở thành nhà nghiên cứu khoa học.
Nếu cứ ồ ạt dạy cho 100% học sinh bất chấp sự khác biệt lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, mục đích, động cơ học tiếng Anh như hiện nay sẽ không hiệu quả.
Ở bậc ĐH, tùy theo chuyên ngành và mục tiêu nghề nghiệp của từng trường, mỗi trường nên xác định rõ những kỹ năng giao tiếp gì cần thiết cho từng ngành nghề để dạy cho học sinh, không nên tiếp tục dạy tiếng Anh không có mục đích sử dụng rõ ràng như ở phổ thông.
Ông Canh cũng nêu: “Cần quan tâm đến việc phát triển kỹ năng tự học cho người học. Học ngoại ngữ là một quá trình gian khổ đòi hỏi nhiều thời gian và việc học trên lớp không bao giờ đủ do nhiều hạn chế như sĩ số đông, thời lượng có hạn, tài liệu học không phù hợp, trình độ tiếng Anh của giáo viên thấp và chương trình nặng về thi cử".
Thực tế này đòi hỏi cần có sự kết nối giữa việc học trên lớp với học ngoài lớp theo các nguyên tắc của phương pháp học kết hợp truyền thống với học có sự hỗ trợ của công nghệ (blended learning). Bằng việc tham gia các hoạt động học ngoài lớp, người học có thể thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của họ, đồng thời phát triển được những kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong thế kỷ 21 như kỹ năng học tập suốt đời, tìm kiếm, phân tích và đánh giá thông tin và các kỹ năng sử dụng công nghệ.
Tiếng Anh chưa đủ tạo nên thế mạnh Nếu chỉ riêng năng lực sử dụng tiếng Anh không thôi thì điều đó chưa đủ để tạo nên thế mạnh cho người Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay và trong tương lai. Muốn biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, không thể cứ tiếp tục dạy tiếng Anh không có mục đích rõ ràng như hiện nay. Nếu chỉ xét về trình độ sử dụng tiếng Anh thành thạo, người Việt không thể có những lợi thế so sánh so với người Philippines, người Singapore và người Malaysia. Do vậy cần xác định lại mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy và học tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ với trọng tâm là phát triển năng lực toàn cầu (global competences) cho người học. Sinh viên tốt nghiệp ĐH cần có kiến thức và kỹ năng giao tiếp một cách thuyết phục, suy luận có phê phán, phân tích thông tin, thực hiện các thương thảo phức hợp và thể hiện thái độ cộng tác bằng tiếng Anh. Do việc hình thành cộng đồng ASEAN nên việc di chuyển lao động chủ yếu xảy ra trong số đông các quốc gia Đông Nam Á, nơi có nhiều biến thể tiếng Anh được sử dụng nên cần cho người học được làm quen với những biến thể tiếng Anh và văn hóa giao tiếp ở những quốc gia đó nhất là Singapore, Philippines, Malaysia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận