TTCT - Hội nghị An ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, tại Singapore vừa qua góp phần hé lộ chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm ứng phó sách lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Ngày 12-6, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La (SLD). Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Úc và Trung Quốc sau hai năm lạnh nhạt, diễn ra sau khi Úc có chính phủ mới. Màn “phá băng” này nói lên nhiều điều về bức tranh địa chính trị khu vực trong thời gian tới. Bộ trưởng Quốc phòng Úc và Trung Quốc gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La 2022. Ảnh: AFPChiến lược của Trung QuốcMối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã căng thẳng suốt nhiều năm gần đây, và trở nên tệ hơn khi Úc ủng hộ điều tra nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19. Theo báo Anh The Guardian, Trung Quốc không chấp nhận các cuộc điện đàm hay gặp gỡ giới chức Úc từ đầu năm 2020.SLD 2022 còn là thời điểm chứng kiến một cuộc đấu quyết liệt khác giữa hai bên xung quanh các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Năm nay, chủ nhà Singapore đã mời hai quốc đảo Nam Thái Bình Dương là Solomon và Fiji. Cả hai đều là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị mới, và giới quan sát Úc lo ngại Trung Quốc đang tạo ra ảnh hưởng lớn tới khu vực mà Canberra vốn có mối quan hệ lâu dài. Trước các nỗ lực ký thỏa thuận an ninh của Trung Quốc với 10 nước Thái Bình Dương, trong bài bình luận ngày 26-5, báo Australian Financial Review cho rằng Úc cần thúc đẩy một phiên bản học thuyết Monroe mang tính hợp tác cao hơn để ứng phó.Học thuyết Monroe được đặt theo tên cựu tổng thống Mỹ James Monroe (tại vị 1817-1825), ban đầu nhằm bảo vệ lợi ích sát sườn của Mỹ tại khu vực Mỹ Latin, nhưng dần biến tướng thành việc can dự sâu hơn của Mỹ vào khu vực hòng biến nơi đây thành “sân sau”, điều khiến Washington từng hứng chịu nhiều chỉ trích.Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hiện nay, các học giả quốc tế đã đề cập nhiều tới những phiên bản mới của học thuyết Monroe, từ góc nhìn với Trung Quốc. Theo tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường Luật Canberra, Úc), không ngạc nhiên khi Trung Quốc xem chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là sự đối đầu nhắm tới họ.Ông cho rằng Trung Quốc đang muốn tạo dựng câu chuyện “bản sắc gia đình” châu Á - Thái Bình Dương bị “tấn công” bởi nước Mỹ ngoại nhân. “Trung Quốc muốn sao chép học thuyết Monroe, và sẽ không khoan nhượng trước những nỗ lực nhằm giảm ảnh hưởng của họ, dựa trên các khái niệm về chủ nghĩa đa phương, pháp quyền dựa trên trật tự toàn cầu và đa cực “kiểu phương Tây””, ông Bachmann nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Tại SLD, Trung Quốc đã lặp lại quan điểm lâu nay về hợp tác khu vực, Mỹ và phương Tây nói chung. Trả lời phỏng vấn CNN ngày 13-6, cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng Trung Quốc khác với Mỹ và Úc, không xem khu vực này là nơi cạnh tranh siêu cường. Ông Thôi nói: “Có lẽ các nước như Úc xem những quốc đảo ở Thái Bình Dương là sân sau, tương tự việc Mỹ xem Mỹ Latin là sân sau theo học thuyết Monroe”.Màn đối đầu ở tầm chiến lược đã dần lộ diện. Trung Quốc vẫn sử dụng cụm “châu Á - Thái Bình Dương” để đề cập tới khu vực. Đây không chỉ là sự khác biệt về chữ nghĩa. Theo bà Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ), Trung Quốc coi châu Á - Thái Bình Dương là một trật tự khác với kiến trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Mỹ và các đồng minh đang ra sức thúc đẩy.“Dường như đây là nhận thức về các chuẩn mực và giá trị có thể hình thành cấu trúc đa phương ở châu Á. Phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa, tương tự các tuyên bố chính thức khác, gợi ý rằng Trung Quốc nhìn nhận các chuẩn mực ấy khác với Mỹ. [Sự khác biệt này]... là điều cần nghiên cứu kỹ hơn trong thời gian tới. Các ví dụ trong quá khứ và hiện tại chỉ ra rằng hầu hết quan hệ đối tác của Trung Quốc đều xuất hiện sự lệch pha trong các trao đổi về quyền lực và thậm chí cả việc chia sẻ lợi ích”, bà Bhatt nói.Cơ sở cho sự tự tinPhản ứng của Trung Quốc song hành cùng chiến lược của Mỹ. Tại SLD năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tập trung làm rõ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, vốn được Tổng thống Joe Biden chính thức công bố hồi tháng 2.Mỹ và các đồng minh khu vực đều đã nhanh chóng hô ứng. Ví dụ, cả Nhật Bản và Úc đều bày tỏ ủng hộ lập trường của Washington trong vấn đề Đài Loan, và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ) cho rằng việc ngăn Trung Quốc đại lục dùng vũ lực với Đài Loan là rất quan trọng với Mỹ. “Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ chuẩn bị các hoạt động phản công nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan. Gần đây, Úc có kế hoạch điều chỉnh đội tàu ngầm thông thường để phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Và theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Nhật Bản cũng đang cân nhắc về tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm”, ông nói.Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong phát biểu tại SLD đã nhấn mạnh năng lực quốc phòng và khẳng định Nhật Bản sẽ “chủ động hơn bao giờ hết”. Theo ông Nagao, chiến lược quốc phòng của Nhật Bản bao gồm năng lực tấn công tầm xa sẽ là một chủ đề mới. “Cuối năm nay, Nhật Bản sẽ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Lần gần nhất chiến lược này được công bố là năm 2013. Vì vậy, phát biểu của Thủ tướng Kishida sẽ là điểm then chốt”, ông nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Tuy nhiên, trong thế tưởng như “gọng kìm”, Trung Quốc vẫn có cơ sở tin rằng hiện khu vực sẽ chú trọng hợp tác thay vì “chọn phe” đơn thuần. Việc thế giới có quá nhiều điểm nóng, khiến lợi ích các bên càng chồng chéo, trong khi tác động kinh tế do đại dịch và cuộc chiến Ukraine cũng khiến xu hướng đối đầu không được ưa chuộng.Một ví dụ, kể cả khi Mỹ muốn vận động các nước chấp nhận quan điểm cứng rắn với Nga trong xung đột Ukraine, mọi chuyện cũng khó diễn biến theo mong muốn của Washington. Ấn Độ thể hiện điều đó khi vẫn nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga và ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, cả hai đều đi ngược các chính sách phong tỏa Nga của phương Tây.Bà Bhatt nhận định: “Mặc dù thế giới đã chứng kiến sự phân tách từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Covid-19 đã thay đổi cách tiếp cận sau đại dịch của nhiều nước. Họ có lý do để nhìn thấy ý nghĩa về kinh tế và chính trị khi cùng nhau hợp tác xây dựng một trật tự thế giới hồi phục hậu đại dịch”.■ Tags: Quốc phòngAn ninhĐối thoại Shangri-LaẤn Độ - Thái Bình DươngNgụy Phượng HòaChâu Á - Thái Bình DươngHọc thuyết Monroe
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.