Đắm mình trong một khu rừng bạch đàn với hương tinh dầu toát ra từ thân cây, lắng nghe tiếng chim hót líu lo, chan hòa trong nắng sớm. Ở không gian yên tĩnh đó, khách tập thiền, học thở sao cho đúng cách. Và kết thúc bằng bữa ăn đậm chất địa phương, thanh tao, tươi xanh. Tập yoga ở những nơi thiên nhiên đẹp là sản phẩm hấp dẫn của du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Bảo Trọng Du lịch nghỉ dưỡng không đơn thuần là du khách đến một khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó duỗi mình thư giãn bên biển xanh, cát trắng... Ngày nay, du lịch nghỉ dưỡng còn hơn thế nữa. Wellness Tourism là gì? Nói đến du lịch nghỉ dưỡng, điều đầu tiên khách nghĩ đến ngay những điểm đến bình yên, thường là các resort, biệt thự hơi tách biệt với đô thị xung quanh, xa đô thị như ở vùng biển hay nơi đảo vắng hay trong các khu suối khoáng nóng, ăn những món ăn địa phương, thanh tao, tốt cho sức khỏe. Ở đó, du khách hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng, thong dong, thư thái, hưởng thụ mà không phải lo lắng gì. Những chuyến đi như vậy thường kéo dài từ 3-4 ngày trở lên và các gói nghỉ dưỡng được thiết kế tích hợp giữa tìm hiểu văn hóa bản địa, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Sau mỗi chuyến đi đó, tâm hồn du khách được thư thái, cơ thể khỏe mạnh... Với một số người, du lịch nghỉ dưỡng thường được thực hiện vào dịp nghỉ lễ hay mùa hè, và khách chọn những resort biển tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Vũng Tàu cho mục đích đi chơi, nghỉ dưỡng, ăn món ngon như một cách để tự thưởng sau thời gian làm lụng vất vả. Có thể nói, cả hai đối tượng khách này đều đang trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng. Với các nhà kinh doanh, họ không đánh giá cách hiểu hai khái niệm trên, cái nào chính xác hơn vì còn tùy rất nhiều vào mục đích của chuyến đi của du khách. Quan trọng hơn, sau mỗi chuyến đi, du khách cảm thấy khỏe mạnh hơn, sảng khoái hơn, hạnh phúc hơn thì họ đã đạt mục đích. “Nhưng hiện khoảng 10% khách đón nhận một cách hiểu sâu về du lịch nghỉ dưỡng. Đó là không chỉ khỏe ở cơ thể mà tâm trí, tinh thần cũng thư thái hơn” - bà Châu Thị Hoàng Mai, tổng giám đốc Alba spa hotel và Alba hotel, chia sẻ với TTCT. Trên thế giới vài năm gần đây, cụm từ “wellness tourism” - du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe - đã trở nên phổ biến hơn, nhưng ở VN nó vẫn khó thể được định nghĩa một cách cụ thể. Hiện tại, VN đã có tiêu chuẩn khách sạn một sao, hai sao, ba sao... nhưng lại chưa có tiêu chuẩn cho “wellness hotel” hay “wellness resort”. Trong khi đó, “wellness” là khái niệm được kết hợp giữa “healthy” là sức khỏe về thể chất và “spiritual” là sức khỏe về tinh thần, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn. Ông Andrew Gibson, đồng sáng lập Wellness Tourism Association, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Du lịch wellness không còn là một xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành một định hướng tư duy phát triển dài hạn trong kinh doanh dịch vụ khách sạn. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và ưu tiên các yếu tố sức khỏe nhằm thu hút các vị khách muốn thoát khỏi áp lực trong đời sống hay chỉ đơn giản là muốn tận hưởng cảm giác bình yên”. Du khách khiêu vũ bên bãi biển An Bàng (Hội An) trong một tour du lịch kết hợp lễ hội khiêu vũ. Ảnh: Gia Tiến Doanh thu cả trăm tỉ USD/năm Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn bất động sản Savills về xu hướng du lịch, trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi trong cách đi du lịch của nhiều người, đặc biệt là đối tượng du lịch nhà giàu. Theo đó, du khách sẽ không còn chuộng các kỳ nghỉ dài ngày, hình thức nghỉ dưỡng mà thay vào đó là hình thức du lịch chăm sóc sức khỏe. Ở đó, khách sẽ được tham gia các chương trình ngủ ngon, học thở, học thiền giảm stress hay các liệu pháp spa... Những chương trình được thiết kế nhằm mang đến cho khách hàng một cảm giác thư thái và yên bình. Bên cạnh đó, nhiều du khách còn lựa chọn đi nghỉ dưỡng tránh mùa cao điểm, tham quan nhiều địa điểm và tham gia nhiều hoạt động đa dạng. Ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng đối tượng đi du lịch theo mô hình này chi trả nhiều hơn so với khách thông thường. Du lịch truyền thống “ăn, ngủ, nghỉ” sẽ dần được thay thế bằng các hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi và giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe. Hình thức du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe có thể đem đến doanh thu cả trăm tỉ USD/năm. “Theo thống kê, 10% đối tượng du khách chủ yếu để trị liệu sức khỏe tinh thần; 90% còn lại du lịch có kết hợp các yếu tố này. Vì vậy, các nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên chú ý và có thể tích hợp các yếu tố này trong các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tương lai. VN là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe cao với 25% mỗi năm và mức chi tiêu cao của khách cao hơn 51% so với trải nghiệm du lịch thông thường”, ông Mauro Gasparotti nói. Nếu phát triển thành công, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp các khu nghỉ dưỡng thu hẹp khoảng cách hoạt động khai thác phòng giữa mùa cao điểm và mùa thấp điểm, mà còn có thể tăng lợi nhuận trong đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Tắm, bơi thư giãn...trong một tour du lịch nghỉ dưỡng Bà Châu Thị Hoàng Mai cho biết với dòng du lịch nghỉ dưỡng, khách đến không đơn thuần chỉ để ngủ một đêm, ngâm tắm mình trong suối nước nóng mà họ còn được cung cấp một hành trình để trở về bản thân mình, chỉ tận hưởng không gian tĩnh lặng, được ăn sáng bất kỳ nơi đâu, thời điểm nào trong ngày... Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ spa, massage, xông hơi thư giãn, trị liệu, chăm sóc sắc đẹp tiêu chuẩn quốc tế hay các liệu pháp giúp tăng cường khả năng tuần hoàn máu, điều hòa tim mạch, tái tạo lại năng lượng sống... Giá một chương trình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở một resort 6 sao tại miền Trung lên đến 1.500 - 3.000 USD/đêm. Theo các nhà kinh doanh, số lượng khách Việt đang ngày càng chịu chi hơn cho dòng sản phẩm này. Tuy vậy để có mô hình phát triển bền vững, người kinh doanh phải thật sự có tâm và chiều sâu. Bà Nguyễn Thanh Bình, phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), cho biết trong đánh giá các tiêu chuẩn cơ sở lưu trú 4-5 sao, cơ quan quản lý đều yêu cầu phải có khu chăm sóc sức khỏe như spa, gym hay các hoạt động chăm sóc sức khỏe dành cho khách. “Khoảng 2 năm gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn, các khu này được khách sạn đầu tư, chăm chút và dành nhiều diện tích với công năng đa dạng hơn như phòng tập yoga, thiền, sauna... sử dụng sản phẩm hữu cơ, cây cỏ thảo dược. Có thể nói, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với định hướng phát triển du lịch VN”, bà Thanh Bình nói. Cũng theo bà Thanh Bình, trong chiến lược của du lịch VN đến năm 2020, VN sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, do đó phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chuyên nghiệp, tận dụng thế mạnh của VN sẽ giúp VN có sản phẩm cạnh tranh hơn. “Trong du lịch nghỉ dưỡng, VN sở hữu thiên nhiên trong lành, có một số sản phẩm thảo dược mà chỉ VN mới có như bồ kết, tinh dầu các loại hoa... Nếu nhà đầu tư biết tận dụng tài nguyên cây cỏ làm ra dược liệu sẽ tạo sự khác biệt, sẽ hấp dẫn du khách. Chẳng hạn tại Hòa Bình có homestay chỉ là nhà sàn đơn sơ, cung cấp dịch vụ ngâm chân bằng thảo dược cho du khách nhưng một tháng đón 200.000 lượt khách quốc tế”, bà Thanh Bình nói thêm. ■ Việt Nam có tiềm năng Theo báo cáo của Viện Sức khỏe toàn cầu - Global Wellness Institute (GWI), thị trường du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đạt mức 639 tỉ USD vào năm 2017. Mô hình mới mẻ này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 7,5% và đến năm 2022 có thể đạt mức 919 tỉ USD, chiếm 18% tỉ trọng thị trường du lịch toàn thế giới. Trong năm 2017, ước tính đã có 830 triệu chuyến du lịch nghỉ dưỡng được khách du lịch trên thế giới thực hiện. Chăm sóc sức khỏe đang dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của con người, và sự phát triển của ngành du lịch cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Bên cạnh hình thức du lịch phổ biến, du lịch wellness đang dần trở thành một mô hình được du khách yêu thích. Cũng theo GWI, VN là một trong năm điểm đến của du lịch chăm sóc sức khỏe có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về xu hướng mới này. Chuyên trang du lịch Wego và TrustYou đánh giá Hà Nội và Hội An là hai thành phố được đánh giá cao với các yếu tố phù hợp với mong muốn du lịch wellness của du khách. Tags: Du lịch nghỉ dưỡngTập yogaWellnessDu lịch thiền
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.