09/10/2015 08:52 GMT+7

Học thêm, chuyện cũ nói mãi...

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)
LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)

TT - Phụ huynh là người lớn mà còn thấy mệt mỏi như vậy thì với trẻ, cơn ác mộng này sẽ có cấp 
độ nào?

Minh họa: Nop
Minh họa: Nop

Năm học 2015 - 2016 mới chỉ diễn ra được khoảng hai tháng, thế nhưng với phụ huynh có con em mới bước vào đầu cấp (ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT) thật sự đó là hai tháng... ác mộng vì chuyện học và học thêm của các cháu.

Khổ từ tiểu học

Yêu cầu của ngành giáo dục đối với học sinh lớp 1 đó là: phải hết học kỳ 1, các cháu mới đạt đến trình độ đọc thông và viết tạm được. Và sang đến học kỳ 2, thậm chí đến hết năm học lớp 1, học sinh mới cần phải đạt đến chuẩn “đọc thông, viết thạo”.

Thế nhưng, không hiểu từ một quy định bất thành văn nào mà hầu hết lớp 1 ở bất kỳ trường tiểu học nào cũng áp dụng điều này: qua hai tuần đầu của học kỳ 1, cháu nào chưa thể đọc thông viết thạo, xem như phụ huynh của cháu đó sẽ trở thành “khách hàng tiềm năng” của giáo viên chủ nhiệm!

Ngoài việc được mời vào gặp giáo viên chủ nhiệm liên tục, đến kỳ họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh sẽ còn được nghe giáo viên than thở vì tiến độ học chậm của các cháu.

Gia đình tôi vào năm học 2015 - 2016 này có một cháu vào lớp 1. Bản thân cháu vốn ít nói, lại bị ngọng, nên việc đọc cũng có trở ngại. Nhưng do nhà có người làm trong ngành giáo dục nên bố mẹ cháu đã tuân theo đúng yêu cầu: không cho cháu học thêm khi ở mầm non, vì thế cháu đã trở thành đối tượng “học chậm” của lớp.

Ngay tuần đầu của năm học, gia đình và cháu đã phải đánh vật với nhau để “khắc phục hạn chế viết chậm, đọc chậm” của cháu theo đề nghị của giáo viên.

Việc khắc phục đó diễn ra theo trình tự mỗi ngày: là sau buổi học tại trường, cháu phải ở lại học “phụ đạo” với cô trong hai giờ rồi mới về nhà. Sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi cho có thì cháu bé lại ngồi vào bàn học với cô, chú, cậu, dì... thậm chí có hôm cả ông bà cũng vào cuộc! Mỗi ngày, việc xem truyền hình, đọc báo, trò chuyện của cả gia đình đều bị cắt vì phải “tập trung toàn bộ” cho cháu học. Giờ đi ngủ của cháu thường phải sau 10g đêm, lúc mà cả ông bà, cha mẹ, “lực lượng hỗ trợ” và nhân vật chính đã mệt phờ!

Khổ lên trung học

Học sinh lớp 1 đã vậy, các cháu lớp 6 đầu cấp THCS cũng không kém... Vào năm học 2015 - 2016 này, do thừa hưởng “thành quả” của việc áp dụng đánh giá học sinh theo thông tư 30, hồ sơ tuyển sinh của học sinh nào cũng có... hai quyển học bạ.

Một là quyển học bạ từ lớp 1 đến lớp 4, và một là quyển học bạ lớp 5 theo mẫu mới. Việc nộp hai quyển học bạ này nhằm để các trường căn cứ học lực học sinh mà chia lớp theo trình độ, bố trí giáo viên dạy cho phù hợp.

Cứ ngỡ, việc học lớp 1 căng thẳng như thế thì càng lên trên khả năng “đọc thông, viết thạo” của học sinh càng phải được nâng cao. Ấy vậy mà nhiều giáo viên lớp 6 - đặc biệt là các bộ môn văn, toán, tiếng Anh, lý, địa, sinh... - thường phải kêu trời vì lẽ học sinh đọc không trôi chữ, làm toán đơn giản không biết...

Và một hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: hằng ngày học sinh lớp 6 hoặc theo học tại các lớp phụ đạo của trường, hoặc phải tìm thầy học thêm bên ngoài!

Giờ học mỗi ngày thay vì ngừng lại lúc 10g đêm thì sẽ nâng lên 11 - 12g đêm tùy theo... sức chịu đựng của người lớn và con trẻ cao hay thấp! Việc người người (học sinh) học thêm, nhà nhà (phụ huynh) học thêm đã trở thành một hình ảnh hết sức bình thường trong xã hội chúng ta.

Hằng đêm, đi trên đường, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh các ông bố bà mẹ mệt mỏi chở sau lưng hay đằng trước một, hai đứa trẻ ngủ gà ngủ gật. Sau lưng các em là cặp sách to đùng, trên tay là bánh mì hay hộp cơm lót dạ để nháo nhào chạy đến các trung tâm hay những “lò” học thêm.

Hiệu quả học tập liệu có tăng lên?

Con em chúng ta bù đầu bù cổ từ sáng đến tối để học và học thêm. Thế nhưng hiệu quả học tập của chúng liệu có tăng lên?

Hay là càng lao vào học bất cần thân thể, bất chấp thời gian thì tỉ lệ học sinh bị trầm cảm, tâm thần nhiều thể loại có chiều hướng gia tăng? Đặc biệt là thua sút học sinh các nước khác về kỹ năng sống, về chỉ số thể chất, tầm vóc sinh học.

Diễn đàn giáo dục của báo Tuổi Trẻ không biết đã phải đề cập đến vấn đề này trong bao nhiêu số báo, nhưng việc cải thiện vấn đề dường như vẫn ùn tắc ở đâu đó. Có lẽ xưa nay chúng ta chỉ nói đến phần ngọn của vấn đề, đổ thừa cho giáo viên lương thấp phải kiếm sống, cho phụ huynh ham danh con cái học giỏi...

Vậy còn chương trình học quá nặng nề, phân bổ thời lượng học các môn bất hợp lý là lỗi của ai? Nếu không điều chỉnh được cái gốc của việc học thêm thì mãi mãi chúng ta chỉ có thể than vãn về nó mà không thể làm gì để nó chấm dứt.

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên