GS.TS Hoàng Văn Kiếm phát biểu trong hội thảo tại Đại học SIU sáng 7-4 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Khi AI, robot như vũ bão
Vấn đề chung sống với 5 tỉ robot được GS.TS Hoàng Văn Kiếm - nguyên chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành công nghệ thông tin - đưa ra trong hội thảo về "Đổi mới dạy - học với trí tuệ nhân tạo", tổ chức tại TP.HCM ngày 7-4.
Theo GS.TS Hoàng Văn Kiếm, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra với tốc độ vũ bão về cả chất lượng lẫn số lượng.
Về chất lượng, ChatGPT là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của AI. Trước đây, nhiều dự báo cho rằng những phần mềm như ChatGPT sẽ phải đến khoảng năm 2050 mới xuất hiện.
Về số lượng, GS.TS Hoàng Văn Kiếm cho rằng các nghiên cứu ước tính trong khoảng 10 năm nữa, thế giới sẽ đón nhận robot thứ 5 tỉ.
Robot và các phần mềm AI được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp đến y tế, văn hóa và cả giáo dục.
Theo GS.TS Hoàng Văn Kiếm, "chung sống" cùng robot đòi hỏi người trẻ sẽ phải biết cách học và thích nghi phù hợp trong thời đại công nghệ.
Việc học sẽ dựa trên tinh thần sáng tạo. Còn với những phần cơ bản, AI sẽ giúp học sinh tổng hợp.
Các lớp học nên tập trung vào thảo luận những vấn đề mở, vấn đề chuyên sâu khơi mở tư duy. 73% yêu cầu năng lực trong 10 năm nữa sẽ liên quan đến sự sáng tạo.
"Ngay cả khái niệm dạy học, theo tôi cũng sẽ thay đổi. Dạy học có nghĩa là người thầy cũng phải học liên tục. Nói cách khác, cả người học và người dạy đều phải học cùng nhau", ông Kiếm nói.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Y - phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cũng nhấn mạnh về giá trị của sự tự học trong kỷ nguyên AI.
Rời trường học mà dừng học đồng nghĩa với lạc hậu. Đặc biệt, các bạn trẻ cần biết cách tận dụng công nghệ để luôn cập nhật và làm mới bản thân.
Cần tỉnh táo khi học bằng AI
PGS.TS Đinh Điền chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
PGS.TS Đinh Điền - giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng những ứng dụng của AI cho giáo dục đã được bắt đầu từ hàng chục năm trước, khi Đại học Oxford dùng AI hỗ trợ xây dựng từ điển.
Đến nay, AI đã phát triển vượt bậc, nhưng không phải không có hạn chế. PGS.TS Đinh Điền giải thích do khả năng xử lý ngôn ngữ rất "mượt mà", các phần mềm AI có thể cho bạn cảm giác mọi câu trả lời của chúng đều đúng.
Thực tế không hẳn vậy. Ông ví dụ đã cho ChatGPT giải thích từ "giai" trong câu "bách niên giai lão".
Đây là nguyên văn kết quả ông nhận được từ ChatGPT: Trong thành ngữ "Bách niên giai lão", chữ "giai" có nghĩa là "già nua, đã già". "Bách niên" nghĩa là "trăm tuổi". Vậy "bách niên giai lão" có nghĩa là "trăm tuổi đã già nua" hay "trăm tuổi đời đã già".
"Nhiều người khi nghe ChatGPT giải thích mượt mà như thế thường sẽ nghĩ phần giải thích đã chính xác. Tuy nhiên, chữ "giai" có nghĩa là cùng nhau, và cả câu sẽ có nghĩa cùng sống với nhau đến trăm tuổi, đến lúc già", ông Điền nói.
Theo PGS.TS Đinh Điền, đó chỉ là một ví dụ cho thấy với khả năng xử lý ngôn ngữ của AI khiến đôi khi người dùng lầm tưởng những kiến thức, thông tin mà AI đưa ra là đúng.
Vì vậy, khi dùng trong học tập rất cần sự đối chiếu, so sánh với các nguồn dữ liệu khác.
Ông Cao Thanh Phú - hiện làm việc cho tập đoàn TMA Solutions - cho rằng nhiều phần mềm AI có thể đóng vai những "gia sư" cho học sinh, sinh viên.
Chẳng hạn, khả năng về lập trình của ChatGPT thường được dân công nghệ ví như một lập trình viên cao cấp (Senior Developer), có kinh nghiệm từ 10 - 15 năm. Lập trình viên này thành thạo cùng lúc nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau.
Người học có thể tận dụng vị "gia sư" này cho việc học theo hướng cá nhân hóa.
Dù vậy, ranh giới "tận dụng" và "lạm dụng" cần sự rạch ròi. "Lạm dụng AI sẽ phản tác dụng, dễ làm thui chột sự sáng tạo của người học", ông Phú nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận