Học thầy không tày học việc?

NHIÊN ANH 14/06/2024 10:34 GMT+7

TTCT - Nếu coi phân khúc lao động thấp và trung bình là thị trường tiềm năng Việt Nam cần hướng tới, thì người Việt - công nhân đi ra nước ngoài lao động phải coi là điểm mạnh của năng lực cạnh tranh quốc gia, và phải được đối xử tương xứng như vậy.

Ảnh: Hiration

Ảnh: Hiration

Tầm 3-4 năm trở lại đây, rất nhiều trung tâm dạy tiếng Đức mọc lên tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu đi học việc - kiếm tiền ở Đức. 

Tình hình cũng tương tự ở cả Đà Nẵng và Hà Nội, khi nhiều gia đình hướng đến công thức chung: đầu tư 200-300 triệu để con sau khi tốt nghiệp cấp III có bằng B1 tiếng Đức, tức nghe nói tàm tạm; sau đấy qua Đức học trung cấp nghề - đầu bếp, hộ lý, phục vụ nhà hàng khách sạn, công nhân kỹ thuật...; sau một năm học sẽ bắt đầu có thu nhập. 

Những con đường tương tự là đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., với cùng mục đích: có việc làm trên cơ sở có đào tạo học việc, và nhanh kiếm được tiền để sớm tự nuôi sống bản thân và có tích lũy dần dần.

Tư duy người lao động thay đổi

Sau bao nhiêu năm tấm bằng đại học - dù nhiều khi cũng không dùng để làm gì - được coi là giấy thông hành để một công dân bước vào đời một cách thẳng thớm, xã hội - nhất là những bậc phụ huynh ở các tỉnh nghèo - đã ngộ ra một điều: Có một cái nghề tốt hơn là có tấm bằng. 

Nó cũng xuất phát từ thực tế dai dẳng và không có lợi cho sự phát triển của xã hội, đấy là việc kiếm được một vị trí trong các cơ quan, công sở nhà nước khó khăn và tốn kém quá, đến mức nhiều khi bất khả.

Việc phải bỏ tiền cho 4-5 năm ăn học đại học, với chi phí ngày một tăng, rồi lại phải chạy chọt xin xỏ để kiếm một vị trí công chức, dần dà, không còn là lựa chọn với nhiều gia đình. 

Trước thực tế số việc làm mới được tạo ra ở các địa phương không có những khu công nghiệp thâm dụng lao động quá ít ỏi, đi lao động nước ngoài đang là xu hướng của người dân, và cũng phù hợp với chính sách của Bộ Lao động (KPI của bộ này là hằng năm đưa được khoảng 130.000 người đi lao động xuất khẩu).

Các tỉnh miền Trung đi đầu trong công cuộc Tây tiến, Đông tiến này. Nó vừa xuất phát từ nhu cầu thị trường, vừa dựa trên thế mạnh tương đối của chất lượng lao động Việt Nam, sự khéo léo và nắm bắt nhanh công việc. 

Con số chính thức cho biết Nghệ An vượt mức chỉ tiêu xuất khẩu lao động đến 173,5% trong năm 2023 (Báo Nghệ An ngày 26-3-2024), tức đưa 25.157 người đi lao động nước ngoài. 

Kiếm một công việc ở nước ngoài để 4-5 năm sau có thể có tiền xây nhà, có ít vốn liếng làm ăn, thậm chí ở lại luôn nếu có cơ hội, đã là xu hướng phổ biến, ngay cả ở những vùng đất đang nổi lên như trung tâm công nghiệp mới của Việt Nam, như Bắc Ninh hay Hải Dương.

Một lựa chọn đúng đắn cần được trân trọng

Trong một bài viết góp ý cho sự hưng thịnh của Việt Nam trong tương lai, giáo sư Trần Văn Thọ, một trí thức tiêu biểu của người Việt tại Nhật, cho rằng xuất khẩu lao động là việc nên hạn chế, hướng tới dần chấm dứt, vì điều đấy phản ánh trình độ phát triển còn thấp của một nước. 

Ý kiến đấy có lẽ chưa phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn này - ít nhất là trong khoảng một, hai chục năm nữa.

Nếu lợi thế so sánh của Việt Nam là nguồn lực lao động trẻ, thì việc dịch chuyển nguồn lực này sang các thị trường, quốc gia đang già hóa và tỉ lệ sinh thấp là hợp lý, nhất là trong điều kiện số việc làm mới được tạo ra hằng năm so với nhu cầu tìm việc trong nước là không tương xứng.

Tám năm trước, theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động có hợp đồng lao động chính thức so với tổng số việc làm ở Việt Nam chỉ vào khoảng 25%. Thống kê đấy chỉ ra điểm yếu về chất lượng của việc làm ở Việt Nam, bao gồm giá trị gia tăng công việc đấy tạo ra và tính ổn định của nó.

Sau đại dịch Covid, nhận thấy sự bấp bênh của công ty tư nhân khi có biến động ngoài kiểm soát, và rủi ro khôn lường của các ngành dịch vụ, nhiều gia đình và cá nhân tiếp tục xu hướng bảo thủ khi lựa chọn công việc cho con cái hay bản thân: Bằng mọi cách thi công chức và các cách khác nữa để có một chỗ làm trong cơ quan Nhà nước, bất kể công việc đấy có phù hợp với ngành đã học không, và lương bổng thấp hơn hẳn lĩnh vực tư nhân.

Một câu chuyện cũ kỹ hơn 30 năm không thay đổi bao nhiêu với nhiều thành phố tỉnh lỵ là công sở, công chức là thành phần chủ yếu của lực lượng lao động chính thức. 

Xét về sự dấn thân và tiến bộ, đi nước ngoài học nghề rồi kiếm việc rõ ràng là hợp xu hướng, dũng cảm hơn, và tạo ra nhiều giá trị hơn, cho cả bản thân và nơi mình làm việc, so với giành giật một hợp đồng lao động dài hạn trong cơ quan công quyền.

Người lao động Việt có thể tự tin

Hầu hết những người chọn con đường xuất khẩu lao động đều hiểu trước mắt là khó khăn, và phải nỗ lực rất nhiều. Thực tế hình ảnh nhân lực Việt Nam ở các thị trường lao động châu Á cũng chưa phải là xuất sắc gì. 

Vấn nạn trốn ra ngoài lao động chui từng khiến nhiều tỉnh thành nằm trong danh sách bị các quốc gia điểm danh cấm nhập cảnh. Hạn chế về ngoại ngữ vẫn là vấn đề dai dẳng cả mấy mươi năm chưa được cải thiện bao nhiêu.

Tuy nhiên, chất lượng lao động phổ thông của Việt Nam, xét mặt bằng chung, cũng không thua kém nhiều so với các quốc gia cùng trình độ phát triển như Philippines, Ấn Độ, hay Bangladesh. 

Nếu thẳng thắn nhìn nhận phân khúc lao động thấp và trung bình là một thị trường tiềm năng Việt Nam cần hướng tới và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, bỏ qua những tự ái về tư cách và vị thế tự tôn dân tộc, bao gồm trong tư duy của cơ quan công quyền, thì người Việt - công nhân đi ra nước ngoài phải coi là ưu thế của năng lực cạnh tranh quốc gia, và phải được đối xử tương xứng như vậy.

Xét về thị trường đào tạo lao động, hiện Việt Nam cũng có những cơ sở đào tạo thợ lành nghề đạt trình độ khu vực. Sinh viên học ở đấy ra không phải lo kiếm việc vì luôn sẵn có các doanh nghiệp chào đón. 

Một ví dụ là trường cao đẳng nghề đã có tuổi đời hơn 110 năm, nơi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành từng học việc trước khi bước chân xuống Bến Nhà Rồng - Trường cao đẳng Cao Thắng, trường nghề có điểm xét tuyển cao tương đương các đại học danh tiếng.

Một ví dụ nữa là trường nghề của Lilama, Trường cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đào tạo thợ cơ khí, thợ hàn theo tiêu chuẩn đào tạo nghề của Đức, nơi có thể tự hào với tỉ lệ sinh viên ra trường có việc ngay và đúng nghề học xấp xỉ 100%. 

Những công nhân kỹ thuật được đào tạo kỹ lưỡng ở những ngôi trường đấy, tương lai của họ là sự chăm chỉ và cầu tiến, không cần thêm bất cứ một hỗ trợ, giúp đỡ gì khác của gia đình, xã hội, bởi họ có được một cái nghề thực sự.■

Những lần đi du lịch bụi ở Nhật, Úc, châu Âu, tôi nhiều lần được gặp các tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch bán chuyên nghiệp người Việt. Câu chuyện được chia sẻ trên các cung đường cùng họ có một mô típ chung: không có bằng cấp trình độ cạnh tranh được với người bản xứ, thì cố kiếm một công việc nặng nhọc, vất vả, như nhân viên xã hội - tức chăm sóc người khuyết tật, hay thợ sửa chữa lặt vặt trong nhà thờ..., để giữ được việc làm, tư cách lao động chính thức, và có thời gian rảnh rỗi xoay xở kiếm thêm, như làm tài xế cho khách du lịch từ Việt Nam sang, rồi nuôi nấng con cái để hy vọng trong tương lai, cuộc sống sẽ khá lên. Đa số họ rất tin tưởng và chí thú đi theo con đường đấy, hơn là những giấc mơ hồng khó với tới ở quê nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận