14/04/2025 13:07 GMT+7

Học tập trên mạng xã hội: Kho báu tri thức hay bẫy thông tin?

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hàng loạt các kênh nội dung học tập xuất hiện tràn lan, không được kiểm chứng về độ chính xác và chất lượng.

mạng xã hội - Ảnh 1.

Những thông tin chưa được kiểm chứng như thế này đầy rẫy và rất viral trên mạng xã hội, dễ khiến người học tiếp thu kiến thức sai lệch - Ảnh chụp màn hình

Vì vậy, người học dễ trở thành nạn nhân của những hiểu lầm tai hại. Việc chọn lọc và tiếp thu kiến thức đúng đắn là thách thức lớn để tránh hiểu sai, áp dụng sai dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Mạng xã hội có thể là một kho báu tri thức, nhưng cũng có thể trở thành bẫy thông tin nếu người học không có sự chọn lọc và kiểm chứng cẩn thận. Điều quan trọng là phải học một cách chủ động và có trách nhiệm với kiến thức mà mình tiếp nhận.

TS Giang Thiên Vũ

Con dao hai lưỡi

Theo thống kê của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử năm 2024, số người dùng Facebook tại Việt Nam ước tính khoảng 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu, trong khi TikTok có khoảng 67 triệu người dùng.

Đối với học sinh, sinh viên, mạng xã hội không chỉ là công cụ giải trí mà còn trở thành một kênh học tập tiện lợi, miễn phí. Mang lại nhiều cơ hội học hỏi và phát triển trong nhiều lĩnh vực như ngoại ngữ, kỹ năng mềm, khoa học và các chủ đề chuyên sâu khác...

Tuy nhiên đằng sau sự tiện lợi ấy, mạng xã hội lại ẩn chứa nhiều rủi ro khi người học không phân biệt được đâu là tri thức thật, đâu là bẫy thông tin.

Theo TS Giang Thiên Vũ - giảng viên chuyên ngành tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM, việc học tập trên mạng xã hội là một xu hướng tất yếu trong thời đại số, mang đến nhiều lợi ích cho người học, giúp khai thác và tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng. Nhờ khai thác hiệu quả các nền tảng này, nhiều học sinh, sinh viên đã gặt hái được những thành tích ấn tượng.

Tuy nhiên, tính tin cậy của các nội dung này phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp thông tin. Một số kênh có đội ngũ chuyên gia đứng sau kiểm chứng nội dung, nhưng cũng có nhiều kênh chia sẻ kiến thức dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thiếu cơ sở khoa học.

Mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, YouTube Shorts, thường hướng đến nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận. Điều này giúp người học tiếp thu thông tin nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng làm giảm đi tính chuyên sâu và dễ dẫn đến hiểu lầm. 

Đặc biệt, nhiều nội dung sai lệch lại thu hút lượt tương tác cao, vô tình tạo cảm giác đây là thông tin chính xác, khiến người xem tiếp thu một cách thụ động và lầm tưởng mình đã hiểu đúng vấn đề.

Ông Vũ chia sẻ ông đã từng bắt gặp nhiều nội dung sai lệch trên mạng xã hội. Chẳng hạn, có những video hướng dẫn tự chữa lành các vấn đề tâm lý mà không có sự hỗ trợ chuyên môn, hoặc những mẹo học tập, làm giàu được thổi phồng nhưng thiếu cơ sở thực tiễn.

Nhiều sinh viên áp dụng kiến thức sai lệch từ mạng xã hội vào thực tế khi tin rằng vài kỹ thuật đơn giản có thể kiểm soát cảm xúc hoặc tác động đến người khác.

Trong khi đó, tâm lý học đòi hỏi nghiên cứu và thực hành chuyên sâu. Những hiểu lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều chỉnh kịp thời.

Tiếp nhận thông tin có chọn lọc

Theo ThS Võ Ngọc Nhơn - phó giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường đại học Công nghệ TP.HCM, việc học tập trên mạng xã hội mà không kiểm chứng có thể dẫn đến nhận thức sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số, tư duy và khả năng tiếp thu tri thức. 

Về lâu dài, điều này không chỉ khiến người học mất phương hướng mà còn có thể tác động tiêu cực đến hành vi và quyết định của họ.

"Thậm chí, những thông tin sai lệch này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nếu người học vô tình hoặc cố ý lan truyền, vi phạm quy định pháp luật", ông Nhơn nhấn mạnh.

Ông Nhơn cho rằng để tiếp cận thông tin chính xác trên mạng xã hội, người học cần tìm hiểu kỹ về người đăng tải nội dung, xem họ có chuyên môn thật sự và được công nhận hay không. Đặc biệt, nên kiểm tra xem bài viết có trích dẫn từ sách, tổ chức uy tín hay nghiên cứu khoa học không.

"Nguyên tắc quan trọng là luôn kiểm chứng thông tin qua nguồn đáng tin cậy, qua các công cụ xác minh như Google Scholar, ResearchGate... hoặc tham khảo ý kiến từ chuyên gia, thầy cô giáo. Dù mạng xã hội mang đến nguồn thông tin phong phú và dễ tiếp cận, nhưng nếu không cẩn trọng, người học có thể trở thành nạn nhân của tin giả", ông Nhơn nói.

Theo TS Giang Thiên Vũ, để đảm bảo việc tiếp nhận thông tin đúng, học sinh, sinh viên cần chọn lọc nguồn thông tin uy tín. Những kênh có liên kết với các tổ chức giáo dục, nghiên cứu hoặc chuyên gia thường đáng tin cậy hơn.

Đặc biệt, hãy luôn phát triển tư duy phản biện, đừng vội tin ngay vào bất kỳ thông tin nào trên mạng. Hãy đặt câu hỏi: "Nội dung này có cơ sở khoa học không? Có nguồn tham khảo không? Có phù hợp với thực tế không?"...

Sử dụng mạng xã hội phục vụ mục đích học tập

Theo nghiên cứu "Khảo sát nhu cầu và thời gian sử dụng mạng xã hội của sinh viên hiện nay" tại Đại học Kinh tế TP.HCM, kết quả khảo sát trên 100 sinh viên cho thấy 94% sinh viên sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin và chia sẻ kiến thức trong học tập.

Một đề tài nghiên cứu khác có tên "Tác động của mạng xã hội đến học tập và đời sống của sinh viên" khảo sát trên 200 sinh viên Trường đại học Hà Tĩnh thì 100% sinh viên cho biết sử dụng mạng xã hội để phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học.

Những số liệu này cho thấy mạng xã hội không chỉ là công cụ giải trí mà còn trở thành phương tiện hỗ trợ hiệu quả trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Vì vậy, việc kiểm chứng thông tin, chọn lọc nguồn uy tín và kết hợp nhiều phương pháp để đảm bảo kiến thức mình tiếp nhận là chính xác là điều cần thiết.

Học tập trên mạng xã hội: Kho báu tri thức hay bẫy thông tin? - Ảnh 2.Nghiện mạng xã hội: Có em dùng tới khi ngất đi, tỉnh dậy dùng tiếp

Theo một khảo sát, có đến 90% phụ nữ trẻ cho biết họ sử dụng bộ lọc hoặc chỉnh sửa ảnh trước khi đăng tải lên mạng xã hội vì tự ti ngoại hình; có bạn trẻ nghiện mạng xã hội đã dùng tới khi ngất đi, nhưng tỉnh dậy dùng tiếp!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên