Học suy nghĩ giản dị

HOÀNG HỒNG MINH 03/10/2011 07:10 GMT+7

TTCT - Một học giả Trung Hoa từng nhận xét rằng một người nông dân Trung Hoa chất phác là thế, nhưng khi được hỏi về gia cảnh của mình thì liền cất tiếng không khác gì nhân vật Gia Cát Khổng Minh trong một vở tuồng.

LTS: Một ý tưởng lóe sáng từ những câu chuyện ngày thường, một chiêm nghiệm ý nhị rút tỉa được từ những điều từng trải... Kể từ số này, chuyên mục mới Phiếm đàm sẽ giới thiệu những ghi nhận và luận bàn từ muôn mặt cuộc sống. Kính mời độc giả cùng tham gia, với các bài viết không quá 900 từ.

Từ ngữ của anh ta thật to tát, lời lẽ sao mà hùng hồn, và câu chuyện của anh ta về nhà mình cứ như để khắc vào bia đá lịch sử...

Phóng to
Minh họa: VŨ ĐÌNH GIANG

Trong một dịp làm việc tương đối lâu ở một doanh nghiệp tại nước Pháp, tôi có biết một bà giúp việc lau dọn văn phòng, đơn giản vì hằng ngày bà ghé vào lau dọn đồ đạc cho mình. Tôi hay nhắc bà mang găng tay vào để bảo vệ bàn tay khi dọn dẹp, bà chỉ cười: “Vướng lắm ạ”. Có lần rỗi rãi, tôi hỏi bà quê ở đâu, bà bảo: “Ở giữa châu Phi”. “Thế lâu nay bà có về thăm quê không?”. “Dạ, nóng lắm, hơn 40°C, cũng chả có gì mà về”. “Thế bà theo tôn giáo gì?”...

Thật bất ngờ, bà xắn tay áo lên, giảng cho tôi liền mươi mười lăm phút về tôn giáo của bà và đủ loại nghi lễ, rồi tỏ ý sẵn sàng hướng dẫn tôi như đứa trẻ lạc vào vườn trẻ thánh địa của bà...

Mãi đến lúc bà mệt mệt nguôi nguôi, tôi hỏi “bà theo tôn giáo đó từ bao giờ?”. “Từ khi bé lớn lên ở quê nhà, mọi người đều theo thì mình cũng theo. Ông hỏi buồn cười quá”. “Thế nếu bà được sinh ra ở một nơi khác, nơi đó người ta theo tôn giáo khác thì bà có theo tôn giáo khác đó không?”. “Tôi không nói chuyện với ông nữa đâu, ông nom thế mà không phải là người đĩnh đạc như tôi tưởng. Tôn giáo tôi đang theo, tôi đã theo nó ngay từ lúc còn chưa được sinh ra”.

Tôi cảm ơn bà về lời giãi bày và về công việc dọn dẹp mà bà đã hoàn thành. Và để tránh chuyện nọ thành chuyện kia, tôi bảo: “Thôi, chúng ta khép lại câu chuyện vừa rồi nhé. Tôi chỉ là một chuyên gia được hãng này thuê về để làm việc, và bà là người trông nom dọn dẹp. Tôi kính trọng bà, và chúng ta dừng lại ở đó”.

Vậy chúng ta thấy gì qua câu chuyện này?

Một khi chúng ta không thật sự hiểu biết, không làm chủ thật sự được một lĩnh vực gì, khi đó lời lẽ của chúng ta thường bị trương phềnh lên, rất đao to búa lớn.

Một khi chúng ta thật sự hiểu biết, làm chủ được một lĩnh vực gì, lời lẽ của chúng ta thường rất giản dị, vào việc.

Trình bày gia cảnh mình là một công việc.

Dọn dẹp văn phòng là một công việc.

Thực hành tôn giáo là một công việc.

Phát triển dự án là một công việc.

Điều hành doanh nghiệp là một công việc.

Điều hành toàn bộ đời sống xã hội là một công việc.

Mỗi con người trong mỗi lĩnh vực, hãy dọn dẹp những lời lẽ đao to búa lớn.

Những lời lẽ đao to búa lớn thực chất chỉ là sự bất lực của hiểu biết, sự chay tịnh của kinh nghiệm, sự thất bại của dẫn dắt điều hành công việc.

Phát triển sự chuyên nghiệp của mình, những lĩnh vực dù thuộc đời sống hằng ngày hay dù có ở tầm công việc công cộng rộng lớn như lập pháp, hành pháp, tư pháp, tất cả đều phải đi đến sự giản dị, rõ ràng, thế tục, thực hiện được, kiểm tra được, quy trách nhiệm được, xử phạt được.

Con người của xã hội hôm nay đã quá bị nhàm chán với những thứ ngôn ngữ to rỗng, vờ vịt, chết cứng, vô vị, vô ích.

Con người của xã hội hôm nay cần được tiếp một sinh khí mới trong lành, rõ ràng, vào việc, để ngày một cải thiện được đời sống một cách vững bền.

Con người của xã hội hôm nay phải học suy nghĩ giản dị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận