Phóng to |
* Thưa TS, TS nhận định như thế nào về kết quả thi tuyển sinh môn sử năm nay: chỉ có 9,73% thí sinh đạt điểm 5 trở lên (thống kê của bốn trường ĐH: Sư phạm Hà Nội, Đà Lạt, Sư phạm TP.HCM và Sư phạm Đồng Tháp) - một kết quả khiến nhiều người bàng hoàng?
- TS NGÔ MINH OANH: Kết quả thi tuyển sinh môn sử năm nay thấp hơn các năm trước là do đề thi khác những năm trước, chứ còn việc dạy và học sử lâu nay vẫn như thế. Theo tôi, đề thi môn sử năm nay rất hay, vừa yêu cầu thí sinh phải tái hiện kiến thức đã ghi nhớ, vừa kiểm tra trình độ hiểu những sự kiện, vấn đề lịch sử, kiểm tra khả năng khái quát, tổng hợp của thí sinh. HS không những phải có trình độ về kiến thức lịch sử mà phải có khả năng ngôn ngữ để phân tích đề và hiểu đề.
Qua thực tế chấm thi tuyển sinh năm nay có thể đúc kết những lỗi thí sinh thường mắc phải như: không xác định được phạm vi thời gian, không gian của sự kiện và quá trình lịch sử; nhầm lẫn địa danh, địa điểm xảy ra sự kiện; khả năng diễn đạt rất kém, chưa kể những sai sót hết sức ngớ ngẩn kiểu như hòa thượng Thích Quảng Đức lại viết thành... hoàng thượng Thích Quảng Đức...
* Theo TS, đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả trên?
- Do xã hội có quan niệm không đúng về môn sử. Nhiều người coi lịch sử là môn học thuộc lòng không cần tư duy. Trong khi đó, trên thực tế lịch sử đòi hỏi người học phải có tư duy chính xác, khả năng khái quát và tổng hợp cao.
Tôi thấy rằng hiện nay vẫn còn nhiều HS yêu thích môn sử nhưng từ việc yêu thích đến việc học còn có khoảng cách. Nhiều giáo viên (GV) phàn nàn với tôi rằng trong giờ học sử nhưng HS cứ giở sách toán, lý ra học. Các em phải tập trung cho những môn học liên quan đến việc chọn ngành, nghề, các em phải học những môn để phục vụ thi cử. Đây là một trong những nguyên nhân khiến HS không nắm vững được kiến thức môn sử.
Phóng to |
- Đúng là thí sinh chọn thi khối C phải đầu tư thời gian, công sức cho các môn khoa học xã hội. Nhưng việc đầu tư thời gian với kết quả đạt được là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ở lịch sử, đối tượng học tập thuộc về quá khứ, xa lạ với thời đại HS đang sống. GV môn sử không thể làm sống lại Lê Lợi hay Quang Trung cũng như không thể làm thí nghiệm để dựng lại một sự kiện lịch sử. Thời gian càng lùi xa thì việc nhận thức bản chất của sự kiện và hiểu sâu về sự kiện lịch sử càng khó. Nếu GV không biết kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ thì HS sẽ rất khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức.
Trong khi đó, nhà trường phổ thông cũng như GV hiện phải chịu sức ép về tỉ lệ tốt nghiệp cuối cấp. Vì thế, họ tổ chức dạy và học phục vụ mục đích đậu tốt nghiệp cao. Như trên tôi đã nói, đề thi tuyển sinh môn sử năm nay đòi hỏi khả năng tư duy độc lập, khái quát tổng hợp nhưng HS chưa được chuẩn bị tâm thế cho những dạng đề này.
Các em đã quen với cách học thuộc lòng, những bài kiểm tra cuối học kỳ hay thi tốt nghiệp, kể cả đề thi tuyển sinh phần lớn chỉ yêu cầu tái hiện kiến thức ghi nhớ, yêu cầu về khả năng tư duy nếu có thì hàm lượng cũng rất thấp. Người ta thường nói thi như thế nào thì học như thế ấy. Đề thi tuyển sinh năm nay sẽ giúp GV và HS điều chỉnh phương pháp giảng dạy và học tập của mình.
* Với vai trò của một người đào tạo GV môn sử, TS có thấy rằng chính đội ngũ GV môn sử cũng “mất lửa”?
- GV đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả nghiên cứu đề tài “Thực trạng đội ngũ GV môn lịch sử trường THPT khu vực miền Đông Nam bộ” do tôi làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu cuối năm 2003 cho thấy phần lớn GV môn sử tâm huyết với nghề và có đủ khả năng đổi mới phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, từ tâm huyết đến việc thực hiện đổi mới còn phải phụ thuộc nhiều điều kiện khác nhau. Thực tế nhiều người đã nhìn nhận nội dung chương trình môn sử quá nặng, sách giáo khoa thì quá hàn lâm, thiếu tính hấp dẫn. GV luôn sợ cháy giáo án cũng phải thôi. Ví dụ ở chương trình lớp 12, với 66 tiết sử/năm học (kể cả giờ ôn tập, tổng kết) GV phải truyền đạt các sự kiện từ năm 1919 - 1991 của sử Việt Nam và từ năm 1945 - 1991 của sử thế giới - làm sao không lo được.
Chưa kể các thầy cô còn phải chịu sức ép về thi đua, nhiều trường lấy kết quả học tập, thi cử của HS để đánh giá, xếp loại GV. Thêm vào đó, môn lịch sử cũng chưa thật sự được cán bộ quản lý các trường và HS coi trọng, vẫn còn sự phân biệt môn chính, môn phụ. Phần lớn các trường THPT hiện nay chưa có phòng học bộ môn dành cho lịch sử. Đời sống GV hết sức khó khăn vì không thể dạy thêm như những môn khác... Vì thế, họ có ít điều kiện về thời gian, tiền bạc để đầu tư cho chuyên môn. Đó là cái “vòng kim cô” hạn chế chất lượng giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay.
* Xin hỏi TS một câu cuối cùng: ông có cho rằng việc giáo dục lịch sử cho lớp trẻ chỉ gói gọn trong nhà trường là đủ?
- Lịch sử không chỉ có tác dụng quan trọng trong việc trang bị những hiểu biết về quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm cho HS. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị viện châu Âu năm 1996 đã gửi thư khuyến cáo các chính phủ: “...Lịch sử là một phương tiện để tìm lại quá khứ... Lịch sử là môn học phát triển khả năng tiếp cận có phê phán các nguồn thông tin... góp phần bồi dưỡng tinh thần dân chủ, lòng khoan dung và ý thức trách nhiệm của công dân”.
Vị trí, vai trò của môn lịch sử trong nhà trường nói riêng, tri thức lịch sử nói chung lúc nào cũng rất cần thiết. “Lịch sử là người thầy của cuộc sống” là vì vậy... Nhưng thật đáng tiếc, người ta chưa thấy hết tầm quan trọng của lịch sử. Việc giáo dục lịch sử không chỉ bó gọn trong nhà trường mà phải tiến hành một cách đa chiều.
Chúng ta có nhiều bộ phim tư liệu nhưng ít có những bộ phim truyện mang tính sử thi phục dựng lại lịch sử một cách chân thực, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý giới trẻ. Lớp trẻ hiện nay ít có thời gian để đọc sách về lịch sử. Mà thị trường sách cũng ít có những tác phẩm sử học, văn học phản ánh khách quan lịch sử và thu hút giới trẻ như nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm hay liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc mà báo Tuổi Trẻ đã đăng...
* Xin cảm ơn TS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận