03/12/2024 19:42 GMT+7

Học sinh xem hát bội, thi văn hay chữ tốt

Trên sân khấu, các nghệ sĩ diễn trích đoạn 'Anh hùng Trần Bình Trọng', ngồi dưới, học sinh vừa xem vừa ghi chú lại những ấn tượng về nghệ thuật hát bội.

Học sinh xem hát bội, thi văn hay chữ tốt - Ảnh 1.

Học sinh thích thú khi cùng các nghệ sĩ thực hiện các động tác trong trích đoạn hát bội mà các nghệ sĩ vừa biểu diễn - Ảnh: MỸ DUNG

Đó là khung cảnh cuộc thi Văn hay chữ tốt năm học 2024-2025 cấp quận, do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM tổ chức ngày 3-12.

Đưa sân khấu đến trường thi

Sân khấu được đặt tại Trường THCS Minh Đức. Trích đoạn Anh hùng Trần Bình Trọng do các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM biểu diễn đã thể hiện đoạn tướng giặc Nguyên Mông dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ Trần Bình Trọng quy hàng, và sẽ phong vương cho ông. 

Nhưng bằng sự khẳng khái và tình yêu nước sâu sắc, danh tướng đời Trần - Trần Bình Trọng đã thét vang: "Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". 

Lời thét mắng ấy của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng lập tức giết ông. Sự hy sinh của ông đã cho nhà Trần cơ hội rút lui an toàn và bí mật, góp phần cho chiến thắng quân Nguyên Mông sau đó của nhà Trần.

Học sinh chăm chú theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn hát bội tại Trường THCS Minh Đức - Video: MỸ DUNG

Tạo được cảm xúc cho học sinh

"Em chưa bao giờ được xem một tiết mục hát bội nào, nên hôm nay được xem em thấy lạ. Vở hát bội này thực sự cuốn hút vì như tái hiện cảnh tượng lịch sử anh hùng Trần Bình Trọng đã khẳng khái oai phong lẫm liệt khi bị bắt. 

Hát bội có cái hay là nhìn động tác của các nghệ sĩ là biết nhân vật đó muốn thể hiện điều gì, câu nói nhấn nhá cũng thể hiện cảm xúc của nhân vật. Em cảm nhận được điều đó và thấy loại hình nghệ thuật này có sự hấp dẫn của nó", Võ Hoàng Gia Bảo - lớp 7/3, Trường THCS Minh Đức - chia sẻ.

Vì thế với Gia Bảo, đây là một loại hình thi độc đáo, ấn tượng. "Cảm nhận về buổi biểu diễn cho em cảm xúc tốt, trực quan sinh động để em làm bài. Và em có thêm nhiều chất liệu để có thể kể câu chuyện về nghệ thuật hát bội với bạn bè", Gia Bảo nói.

Còn với Như Ý, học sinh lớp 9, Trường THCS Minh Đức, buổi biểu diễn mang đến cho học sinh một không gian khác, không gian hoài cổ nhưng thấu hiểu thêm về các di sản văn hóa của dân tộc.

Cô Trần Thúy An - hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, đơn vị được chọn làm điểm tổ chức cuộc thi - cho biết cô thực sự ấn tượng với việc học sinh òa ra xin chữ ký của các nghệ sĩ hát bội. Cũng như sự tò mò lẫn chăm chú xem các nghệ sĩ biểu diễn trích đoạn của các học sinh.

Học sinh xem hát bội, thi văn hay chữ tốt - Ảnh 2.

Một cảnh trong trích đoạn hát bội "Anh hùng Trần Bình Trọng" - Ảnh: MỸ DUNG

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 - cho biết việc quận 1 chọn nghệ thuật hát bội cho hội thi "Văn hay chữ tốt" nhằm mục đích giúp giới trẻ, nhất là học sinh hiểu thêm về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

"Điều tôi rất vui là tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ thực sự thu hút học sinh, các em say mê xem, giao lưu và khi viết bài các em đã đưa những chất liệu từ cảm nhận của mình vào bài viết. Điều này càng thêm chứng tỏ nếu chúng ta bồi đắp cho học sinh, những loại hình văn hóa này sẽ trở thành một phần đời sống của các em, giúp các em thêm hiểu biết về văn hóa, và càng thêm niềm tự hào dân tộc", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Học sinh xem hát bội, thi văn hay chữ tốt - Ảnh 3.Tìm hiểu hát bội, tự tin coi hát chuyên nghiệp

Một chuỗi chương trình liên quan đến hát bội sẽ khởi động trong mùa hè này, để những người trẻ có thêm kiến thức và biết cách thưởng thức nghệ thuật hát bội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên