Trả lời "Tôi là ai?" để vượt qua khủng hoảng
Sáng 4-2, vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã diễn ra với 52 dự án tham gia.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đa số các dự án nghiên cứu lọt vào vòng chung kết năm nay đều xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn.
Các dự án không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới, mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; các dự án tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi học sinh trung học, gắn với đặc thù TP.HCM.
Nổi bật trong số đó là đề tài nghiên cứu "Các yếu tố tác động đến quá trình định hình bản sắc cá nhân của thanh thiếu niên tại TP.HCM" của hai học sinh Lê Đông Nguyên và Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Kết quả nghiên cứu của đề tài trên là bộ cẩm nang "Tôi là ai?". "Nhằm giúp đỡ các bạn thanh thiếu niên đang trải qua giai đoạn khủng hoảng bản sắc hiểu rõ bản thân hơn cũng như tìm được thế mạnh, đam mê và không còn mơ hồ, bối rối về chính mình" - Lê Đông Nguyên giới thiệu.
Cẩm nang được thực hiện sau bảy tháng nghiên cứu, phỏng vấn 400 học sinh từ 14-19 tuổi thuộc 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Từ đó, cuốn cẩm nang "Tôi là ai?" đã đưa ra những gợi ý để thanh thiếu niên biết cách nhìn nhận giá trị bản thân, nhận biết và duy trì mối quan hệ lành mạnh, cách nhận biết mối quan hệ không lành mạnh, khi nào thì nên dừng lại một mối quan hệ, cách xây dựng sự tự tin, rèn luyện bản thân, đặt mục tiêu phù hợp, cách xây dựng "hàng rào tâm lý"…
"Sản phẩm có thể còn sơ sài nhưng đáng quý"
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nhấn mạnh: Gần đây, một số ý kiến trong dư luận cho rằng cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học này vượt quá tầm của học sinh phổ thông. Phía sau những sản phẩm nghiên cứu khoa học của các em học sinh có bóng dáng của người lớn, có sự nghiên cứu thay của thầy cô và các em chỉ là người học thuộc để trình diễn lại.
"Thầy tin rằng học sinh TP.HCM trung thực và nghiên cứu thật. Mặc dù sản phẩm của các em còn sơ sài, có thể mới là những ý tưởng ban đầu nhưng rất đáng quý. Dù chỉ là bước đầu học tập nghiên cứu khoa học nhưng có lẽ các em cũng đã thấy được sức mạnh của khoa học và cảm nhận được niềm vui trong việc học tập và khám phá tri thức.
Thầy tin rằng ngày hôm nay, những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học sẽ là bệ phóng cho những tài năng trẻ của thành phố" - ông Hiếu nói.
Được biết, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCM năm học 2022-2023 có 1.226 dự án tham gia vòng sơ khảo.
Trước những luồng dư luận trái chiều về cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã thay đổi phương pháp chấm thi.
Ở vòng sơ khảo, do chỉ chấm trên hồ sơ nên ban giám khảo đã sử dụng phần mềm "chống đạo văn" đồng thời cũng chú ý cách thể hiện, các chỉ báo xem có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không.
Ngoài ra, ban giám khảo còn lưu ý về nội dung, phương pháp thực hiện dự án xem có phù hợp với các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu hay không; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài;…ban giám hiệu các nhà trường cũng phải có sự đảm bảo về dự án dự thi của học sinh.
Ở vòng chung khảo cấp thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh đặc biệt được chú trọng. Các câu hỏi của ban giám khảo không chỉ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân mà còn xác minh tính trung thực của dự án;…
Đây được xem là những nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhằm chứng minh cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh là "sân chơi" của học sinh chứ không phải của người lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận