Ngày 18-9, Trường tiểu học Phú Thọ đã tổ chức lễ ra mắt công trình Góc lịch sử - địa lý.
Một góc sân chơi của Trường tiểu học Phú Thọ đã biến thành nơi để học sinh xem sách, ngắm tranh, giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu về những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh thắng địa phương...
Công trình nổi bật tại sân Trường tiểu học Phú Thọ với tấm biển in dòng chữ "Tự hào trang sử Việt - Tiếp bước truyền thống cha anh" được in đậm trên phông nền màu đỏ gắn dọc hành lang của một dãy nhà.
Ngay dưới sàn là thảm xanh nhân tạo được trải ra để các em học sinh có thể ngồi sà vào đọc sách.
Bao quanh khu vực này là hàng loạt giá vẽ đặt những bức tranh, infographic, hình ảnh… về những vấn đề, câu chuyện lịch sử. Trên thảm là những kệ sách được trang bị để học sinh đọc khi muốn.
Ngoài ra, toàn bộ các tài liệu lịch sử này đã được số hóa, nhà trường cho gắn mã QR để học sinh, phụ huynh nếu muốn xem trên nền tảng Internet đều được…
Mỗi tuần, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, học sinh sẽ trả lời những câu hỏi về lịch sử, địa lý theo chủ điểm mà trường đưa ra.
Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi kể chuyện, viết… về những nhân vật lịch sử gắn với các tài liệu đã có tại công trình.
Nội dung của góc học tập này sẽ thay đổi chủ điểm theo từng tháng, gắn với các chủ điểm lịch sử, địa lý mà học sinh đã học trên lớp.
Tại buổi lễ ra mắt công trình, nhiều học sinh Trường tiểu học Phú Thọ đã gây ngạc nhiên khi trả lời chính xác nhiều câu hỏi về lịch sử.
Những câu hỏi như "Vị tướng nào đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông?", "Ai là người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9?"... đã được các em học sinh chỉ mới lớp 3, lớp 2 trả lời nhanh, chính xác.
Giải thích về việc vì sao trường tiểu học lại chọn ra mắt Góc lịch sử - địa lý trong thời điểm đầu năm học, cô Nguyễn Thị Kim Hương - hiệu trưởng nhà trường - khẳng định điều này xuất phát từ nhu cầu học tập, tìm hiểu lịch sử của các em học sinh trong bối cảnh trường thực hiện chương trình phổ thông 2018.
"Ở chương trình 2018, các em học sinh lớp 4 không còn học tách biệt hai phân môn lịch sử và địa lý.
Các em ít được tiếp cận đến các vị anh hùng lịch sử, các sự kiện lịch sử quan trọng. Chính vì vậy, việc giáo dục lịch sử nước nhà cần được đẩy mạnh hơn.
Việc để các em tìm trên mạng Internet còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp, bất cập. Vì thế, nhà trường muốn mang đến nguồn tài liệu phù hợp để các em học tập, tìm hiểu" - cô Hương cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận