Nghỉ hè, nhiều học sinh tham gia lớp học võ do Trung tâm Thể dục thể thao Q.3 (TP.HCM) tổ chức - Ảnh: Như Hùng |
Góc nhìn của một người Nhật về một vấn đề “đến hẹn lại lên” của người Việt. Đó là chuyện nghỉ hè của học sinh.
Trí não của trẻ cần được kích thích bằng việc vui chơi và tưởng tượng. Việc sử dụng trí não chỉ để ghi nhớ rồi sau đó trả lại vào những bài kiểm tra là một hoạt động hủy hoại trí óc |
Ông STIVI COOKE |
Học sinh trung học đa số phải học thêm
Ở Nhật, chúng tôi không gom chung một kỳ nghỉ hè quá dài với học sinh. Hơn nữa, ở Nhật phụ nữ thường ở nhà chăm sóc con cái, lo chuyện gia đình, họ chỉ đi làm theo giờ nên có thời gian chăm sóc trẻ em khi chúng nghỉ ở nhà.
Phần lớn người Nhật sống chung với bố mẹ nên cũng có chút ít sự hỗ trợ từ gia đình. Bên Nhật, chúng tôi chia ra ba kỳ nghỉ trong năm gồm: kỳ nghỉ xuân khoảng 10 ngày, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Kỳ nghỉ hè khoảng 40 ngày, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8. Kỳ nghỉ đông khoảng hai tuần, bắt đầu từ cuối tháng 12.
Về cơ bản, các em học sinh nhỏ ở Nhật thường được vui chơi, không phải học hè. Tuy nhiên, học sinh lớp 6 vì sắp thi chuyển cấp nên cũng có trường hợp phụ huynh cho đi học thêm tại trung tâm bồi dưỡng (trường không tổ chức dạy thêm).
Học sinh trung học thì đa số phải đi học thêm. Thường thì từ lớp 1-9 là chương trình giáo dục bắt buộc, học theo tuyến (theo địa phương cư trú) như Việt Nam. Tuy nhiên đến lớp 9, học sinh cần trau dồi nhiều kiến thức để thi vào trường cấp III tốt.
Ở Nhật, trường cấp III tốt và chất lượng thường là trường tư, học phí cao nên chất lượng học tập cũng cao, vì vậy áp lực để vào các trường này cũng khá lớn.
Trong thời gian nghỉ hè, các em thường tự ôn bài, đọc sách, đi bơi, tụ họp vui chơi cùng các bạn hàng xóm tại công viên hoặc vài địa điểm vui chơi gần nhà mà phụ huynh đã thống nhất với nhau về mặt an toàn.
Thường thì từ lớp 4 trở lên, phụ huynh có thể cho các em ở nhà một mình. Các em từ lớp 4 trở lên sẽ được cha mẹ giao cho chìa khóa nhà bỏ vào một cái túi đeo trước cổ để đi chơi bên ngoài và đến đúng giờ thì tự động về nhà lúc này đã có sẵn cơm ăn.
Ở các trường học bên Nhật có tổ chức câu lạc bộ thể thao cho các em tham gia chơi bóng đá, bơi lội... Các em có thể đến trường theo giờ quy định để tham gia hoạt động câu lạc bộ.
Ông Oya Kunihiru (hiệu trưởng Trường Nhật Bản tại TP.HCM) - Ảnh: L.N. |
Nhắc nhở học sinh trước kỳ nghỉ
Ở Nhật, trước và trong kỳ nghỉ, nhà trường và phụ huynh thường xuyên lưu ý nhắc nhở các em tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm.
Trong thời gian nghỉ hè, các em cũng có nghĩa vụ giúp cha mẹ việc nhà. Trước kỳ nghỉ, nhà trường sẽ chuyển cho phụ huynh một bảng nhắc nhở những điều trẻ em nên hạn chế và tuyệt đối không được làm.
Chẳng hạn tuyệt đối không được để các em đi một mình đến các ao, hồ, sông, biển. Khi đến những nơi này phải có sự hướng dẫn và đi cùng người lớn. Trẻ em tuyệt đối không được chơi lửa, pháo hoa.
Khi đi ra ngoài phải thông báo với người lớn “đi đâu, đi với ai, đi đến khi nào về...?”. Phải phụ giúp cha mẹ công việc nhà, phụ huynh cũng nên đưa ra các quy định, nguyên tắc và tập cho các em tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
Mỗi ngày các học sinh ở nhà đều phải có kế hoạch học tập, tìm các loại sách, tài liệu phù hợp. Thời gian học trung bình mỗi ngày sẽ được tính theo công thức như sau: thời gian học trung bình mỗi ngày của khối học sinh tiểu học (khối lớp) x 10 + 10 phút (chẳng hạn: lớp 4 x 10 + 10 phút = 50 phút/ngày.
Các lớp trung học: khối lớp + 1 giờ/ngày, chẳng hạn lớp 7 sẽ là 7 + 1 = 8 giờ/ngày. Quan sát sinh hoạt ở Việt Nam, tôi nghĩ thời gian hè nhiều học sinh Việt Nam phải đối diện với những mối nguy hiểm rình rập.
Tôi nghĩ giáo viên ở trường và phụ huynh nên thường xuyên dặn dò các em, đặc biệt khi bơi lội tại biển hay ao hồ phải đi cùng người lớn. Địa phương hoặc trường nên tổ chức câu lạc bộ cho các em vui chơi.
Ở Nhật, trước mỗi kỳ nghỉ trường đều có thông báo gửi đến gia đình học sinh và thông báo lưu ý đến học sinh. Các thầy cô thường giao cho học sinh thực hiện một tác phẩm tự do trong kỳ nghỉ.
Đó có thể là một nghiên cứu về đề tài gì đó, một bức họa hay tranh vỏ sò, hoặc một tác phẩm thủ công kỳ công hay đơn giản. Các em sẽ mang tác phẩm của mình vào trường để triển lãm sau kỳ nghỉ.
Cuộc triển lãm này có sự tham gia của phụ huynh, giáo viên trường và các học sinh. Tuy không có điểm số cho thành quả này, nhưng học sinh và phụ huynh được khích lệ rất nhiều khi thành quả được nhiều người đánh giá cao.
* Ông Stivi Cooke (giáo viên tiếng Anh, người Úc): Nên có các lớp hè tập trung phát triển tính sáng tạo Dạy học ở Việt Nam tám năm, tôi thấy việc cạnh tranh trong học hành ở Việt Nam rất lớn vì áp lực vào được trường đại học tốt và có việc làm thu nhập cao. Tôi tin rằng các lớp học mùa hè chỉ có ích khi trẻ em được học nhiều thứ khác nữa chứ không phải là học trước chương trình, học để vượt qua các kỳ thi và kiểm tra trong năm tới. Những thứ đó, bọn trẻ học cả năm đủ rồi. Dịp hè, tôi nghĩ nên có các lớp học hè tập trung phát triển tính sáng tạo của các em như hội họa, diễn xuất, nhiếp ảnh, nghệ thuật, chế tạo robot... hay bất cứ thứ gì mà bọn trẻ phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Thậm chí, chẳng cần quy mô lớn gì cả, chỉ cần để các em phụ giúp ba mẹ sơn nhà chẳng hạn. Một mùa hè đúng nghĩa chỉ có thể là một mùa hè vui vẻ, và vui vẻ hơn. Trẻ em ở Úc có được kỳ nghỉ hè khá dài, các em được khuyến khích ra ngoài và tiếp xúc với xã hội. Ở Úc, các trại hè rất phổ biến trong khoảng 15 năm trở lại đây. Còn trước đó, trẻ em thường đi vào rừng hoặc công viên để vui chơi. Úc có rất nhiều nơi có thể tổ chức trại hè. Loại hình trại hè ngày nay cũng mở rộng hơn với nhiều chủ đề cụ thể như nghiên cứu robot, máy tính, trại hè âm nhạc, kịch hay thể thao... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận