16/03/2016 08:59 GMT+7

Học sinh sáng tạo “gậy môi trường”

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Đó là bạn Lê Huỳnh Đức, học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đức và “gậy môi trường” được sử dụng ở Trường THCS - THPT Phú Quới từ bốn tháng nay - Ảnh: M.T.
Đức và “gậy môi trường” được sử dụng ở Trường THCS - THPT Phú Quới từ bốn tháng nay - Ảnh: M.T.

Xuất phát từ thực tế thầy hiệu trưởng Lê Thành Hiếu cần một dụng cụ để việc vệ sinh trường lớp thuận tiện hơn, Đức đã mày mò nghiên cứu thành công “gậy môi trường” tặng thầy.

Và thầy hiệu trưởng đã đưa sản phẩm “gậy môi trường” của Đức vào sử dụng tại trường khoảng bốn tháng nay...

Đức chia sẻ hồi năm lớp 11, trong những buổi sinh hoạt dưới cờ Đức cứ nghe thầy hiệu trưởng nhắc đến việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra thầy cũng lo lắng về rác ở bancông rất khó nhặt bởi phải trèo ra ngoài rất nguy hiểm, nhất là với học sinh cấp II.

Còn rác ở vườn hoa muốn nhặt phải đi vào vườn, giẫm lên hoa cỏ. Đó là chưa kể có những loại rác không thể dùng chổi hoặc dùng kẹp để gắp, phải dùng tay, rất dơ bẩn...

Những điều đó khiến Đức quyết tâm sáng chế ra một dụng cụ giúp các bạn cùng trường thuận tiện hơn trong việc nhặt rác. Đức tâm sự: “Ngoài những lý do trên, em còn muốn làm món quà kính tặng thầy hiệu trưởng để thầy ứng dụng vào thực tế, góp phần vào việc vệ sinh môi trường...”.

Đầu năm lớp 12, Đức bắt tay vào thực hiện. Sau mấy tháng mày mò nghiên cứu, lắp ráp thử nghiệm, tháng 11-2015 Đức đã hoàn thành sản phẩm như ý muốn.

“Gậy môi trường” có kích thước gọn nhẹ, phần thân chính là gậy chụp hình tự sướng kết nối với một tay thắng xe đạp, dây thắng được đưa vào bên trong gậy, phần cuối dây sẽ nối hai càng gắp. Đức lý giải: “Khi muốn nhặt rác chỉ cần bóp tay thắng sẽ tạo ra lực kéo làm gập càng gắp, giúp giữ chặt được rác”.

Ngoài hỗ trợ việc nhặt rác, Đức còn lắp thêm công tắc điều khiển ở tay cầm của gậy nhằm trang bị cho gậy tính năng mới là hút bụi và giấy vụn trong môi trường lớp học. Trên đầu gậy còn gắn nam châm từ nên có thể dễ dàng hút sạch được cả bụi kim loại...

Đức chia sẻ: “Thao tác rất đơn giản, chỉ cần nhấn công tắc là hút vật cần bỏ, kế đến là di chuyển vật đó tới thùng rác rồi buông tay ra...”. Đức còn cẩn thận gắn thêm đèn pin lên gậy để có thể sử dụng trong đêm tối. Sắp tới, Đức cho biết sẽ trang bị thêm tính năng sạc pin điện thoại cho “gậy môi trường”...

Điểm thú vị là Đức tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng như gậy chụp hình tự sướng, hộp phấn viết bảng, đèn pin sạc nhiều lần, dây thắng xe đạp, nam châm... để tạo ra chiếc “gậy môi trường” đa năng nhưng kinh phí chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng.

Thầy hiệu trưởng Lê Thành Hiếu thổ lộ thầy rất xúc động trước nghĩa cử của học trò dành cho mình. Sử dụng thử gậy, thấy rất tiện ích nên thầy đã bảo Đức làm thêm vài chiếc “gậy môi trường” cho trường và đã đưa gậy vào công việc nhặt rác, hút bụi tại trường khoảng bốn tháng nay.

Thầy Hiếu cười vui: “Chiếc “gậy môi trường” của em Đức rất hữu dụng, có thể sử dụng ở những nơi mà tay hoặc chổi khó với tới được như bancông trường học, nhờ đó việc vệ sinh trường được sạch sẽ hơn...”.

Em Nguyễn Hoài Phương, học sinh lớp 10, cho biết: “Tiện lắm, chứ trước đây để nhặt rác ngoài bancông, vệ sinh mái nhà, chúng em phải quàng dây an toàn, vừa vất vả vừa nguy hiểm, nhất là các em cấp II. Từ khi có “gậy môi trường”, tụi em hốt rác ngoài bancông rất dễ dàng mà vệ sinh ở bất cứ nơi đâu cũng thuận lợi...”.

Tự hào về sản phẩm của học trò, thầy Hiếu đã đem sản phẩm của Đức tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho khối học sinh THPT 2015-2016, do Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức.

Và sản phẩm “gậy môi trường” đã đoạt giải khuyến khích vào giữa tháng 1-2016. Đức bộc bạch sáng chế “gậy môi trường” này đã khiến Đức ngày càng mê khoa học hơn, nên em quyết định sẽ theo học ngành khoa học kỹ thuật để thỏa ước mơ sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ cộng đồng...

Chi phí thấp, ứng dụng cao

Nói về “gậy môi trường” của Đức, thạc sĩ Nguyễn Thụy Phương Chánh, chuyên viên phòng quản lý khoa học và công nghệ cơ sở Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Gậy môi trường là sản phẩm có chi phí sản xuất thấp nhưng mang tính ứng dụng cao trong điều kiện thực tế hiện nay. Xét trong phạm vi nhỏ, sản phẩm “gậy môi trường” có thể ứng dụng tại các trường tiểu học, phổ thông, cơ quan hành chính... có diện tích khuôn viên khoảng 1.000m2. Trên hết, đối với sản phẩm này, Đức đã thực hiện trọn vẹn 100% ý tưởng ban đầu. Điều đó cho thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong công tác nghiên cứu khoa học của học sinh đã được thu ngắn tối đa, tạo tiền đề cho ý tưởng sáng tạo đến gần hơn với cuộc sống cộng đồng”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên