Học sinh TP.HCM học bài trên K12Online - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG
Nhiều phụ huynh Trường THCS Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết ban ngày học sinh đến lớp học bình thường, tối về còn phải mở máy tính học trên K12Online, trong khi phần mềm này thường hay bị lỗi, lúc mở được lúc không, có học sinh còn bị lỗi tài khoản.
Đáng nói hơn khi học sinh phải tải tài liệu trên K12Online, in ra rồi làm bài tập trên giấy in. Nhiều nhà không có máy in, phụ huynh phải chạy vòng vòng kiếm chỗ in. Có ngày phải in đến mấy chục tờ cho các môn, quá tốn kém, trong khi hằng tháng học sinh đã đóng phí để sử dụng phần mềm K12Online.
Tốn kém và lãng phí
Bạn đọc tên Hạnh cho biết thêm, ở Trường THCS Nguyễn Trung Trực (Q.12) đóng tiền học K12Online cả năm mà thấy gần hết học kỳ 1 rồi chỉ có một môn IC3 là có bài trên đó, còn những môn còn lại thì chả thấy gì. "Không hiểu đóng tiền để làm gì?".
Bất ngờ về chuyện ngược đời này, bạn đọc Kim nêu ý kiến: "Kỳ lạ thiệt! Làm bài tập trực tiếp trên LMS, cớ sao phải in ra. Vậy thì chính các thầy cô cũng có thể không biết sử dụng LMS rồi. Các thầy cô cần được tập huấn để biết cách sử dụng LMS cho hiệu quả, tránh việc hình thức, làm rối não phụ huynh".
Còn theo bạn đọc Thanh, ngày xưa giáo viên in ra một tờ và đi photo để tiết kiệm chi phí cho học sinh, nếu để học sinh đi in hơi tốn kém. "Tại sao không làm trên file đó luôn đối với các bài trắc nghiệm hay chỉ cần đánh chữ, gửi mail là cô đọc chấm thôi, cái nào không đánh chữ được như toán, hóa thì mới in ra và nộp?".
Cùng quan điểm, Phan Thanh bức xúc: "Bạn nói quá đúng! Vậy mà thầy cô trường con mình bắt in ra làm và đem nộp! Nhân với số học sinh trường thì đủ thấy vừa tốn kém, lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường như thế nào!".
Nên dẹp bỏ những phần mềm tào lao
Ngoài phần mềm K12Online, bạn đọc còn nêu tên một số phần mềm học tập khiến phụ huynh và học sinh vật vã.
Bạn đọc có nick name "Cùng con học" bày tỏ: "Con tôi học tại Q.Tân Phú, đi học cả ngày về giáo viên còn yêu cầu học trên phần mềm Vietschool, làm bài tập, đêm nào cũng 12h mới xong bài, chẳng khoa học tí nào. Ngành giáo dục đừng cải lùi nữa, một ngày không thể có 48 giờ, nếu học online thì phải giảm giờ trên lớp chứ?".
Thẳng thắn chỉ hướng giải quyết rốt ráo chuyện này, bạn đọc Thanh Sang viết: "Sở GD-ĐT TP.HCM cần thực hiện nghiêm túc cuộc khảo sát có bao nhiêu học sinh THCS, THPT tại TP.HCM có máy tính, có mạng Internet tại nhà để học tập theo kiểu e-learning - bình thì mới, rượu thì cũ mèm.
Chỉ là quăng cái video bài giảng với chất lượng rất kém cả về phương diện hình ảnh, âm thanh và nội dung giảng dạy lên mạng. Mùa dịch bất đắc dĩ còn chấp nhận được, thầy và trò, phụ huynh cố gắng vì hoàn cảnh chung. Chứ bây giờ mà áp dụng sao được?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phan Tâm cho rằng ứng dụng công nghệ, tận dụng phát triển của khoa học phải đảm bảo ngày càng nhẹ nhàng, tiện lợi. Vậy mà ở đây, các phần mềm đang áp dụng cho thầy, trò đang quá rối, dẫn đến học mà cực khổ như đi đánh vật.
"Nhưng không hiểu vì sao bây giờ phát sinh nhiều phần mềm ứng dụng làm cho những nhân viên văn phòng, cán bộ quản lý và giáo viên quá mệt mỏi với nhiều phần mềm mà các nhà trường phải mua.
Mong sao những người có tâm với giáo dục, có năng lực nắm rõ các phần mềm cần thiết, hiệu quả cần áp dụng, còn cái nào không cần thiết thì bỏ đi để mọi người được nhờ".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về những vấn đề trên? Bạn có đồng ý với những ý kiến nêu trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận