Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (TP Cần Thơ), bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi viêm kết mạc mắt) bắt đầu có chiều hướng tăng cao từ tháng 6 đến nay. Tuy nhiên thời điểm tháng 9, sau khi học sinh nhập học, dịch bệnh tăng cao hơn, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ.
Hiện tại mỗi ngày khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 150 - 200 bệnh nhi đến khám mắt, trong đó bệnh đau mắt đỏ chiếm hơn 60%, nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã phát hành công văn khuyến cáo với ngành giáo dục, để phổ biến thông tin đến các trường học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí và khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần yêu cầu gia đình đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm để quản lý.
Đối với người dân, khi nghi ngờ mắc bệnh, người lớn cũng như trẻ em nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị, phòng bệnh lây lan, không nên tự ý mua thuốc uống hay thuốc nhỏ mắt có thể gây tổn hại đến mắt.
Tại Sóc Trăng, theo Sở Y tế, số người mắc bệnh đau mắt đỏ những ngày qua có chiều hướng tăng mạnh, chủ yếu là học sinh.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Sóc Trăng ghi nhận 260 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ đi khám tại cơ sở y tế; tuy nhiên còn nhiều trường hợp người bệnh không đi khám mà tự điều trị tại nhà.
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã ký công văn hỏa tốc, chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch đau mắt đỏ, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chuyên môn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp - những nơi dễ bùng phát dịch.
Ngoài ra, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tư vấn, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác điều trị.
Tại Đồng Tháp, ông Dương Ân Hận - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - cho biết tình hình bệnh đau mắt đỏ trong tỉnh cũng đang có chiều hướng tăng cao tại các cơ sở giáo dục, trường học.
Đặc biệt tại hai thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh, số người bị đau mắt đỏ tăng nhiều so với cùng kỳ hằng năm. Vì vậy trung tâm y tế các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân phòng tránh, chăm sóc mắt, đến cơ sở y tế kịp thời và không tự ý dùng các biện pháp dân gian.
"Bệnh đau mắt đỏ tương đối phổ biến hằng năm, hiện đang gia tăng trong các trường học, chủ yếu ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở là chính. Chúng tôi khuyến cáo khi mắc bệnh, học sinh cần ở nhà cách ly khoảng 1 tuần, áp dụng các biện pháp tránh lây nhiễm, chăm sóc mắt hợp lý, nếu bệnh nhẹ sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày", ông Hận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận