Những năm trước đây, làn sóng dân nhập cư từ các tỉnh ồ ạt đổ vào thành phố khiến hệ thống trường công lập ở TP HCM trở nên quá tải. Để bảo đảm quyền lợi học tập của người dân trong thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã đề ra quy định: Chỉ học sinh có hộ khẩu thường trú tại thành phố mới được vào học hệ công lập ở những trường THPT.
Quy chế này đã khiến con em của hơn 1,3 triệu dân nhập cư đang sống và làm việc trong thành phố phải lao đao vì "bị" các trường công lập "lắc đầu" từ chối khi nộp đơn xét tuyển vào học. Hàng nghìn học sinh diện KT3 đã phải chuyển sang các trường THPT bán công. Đối với những gia đình khá giả, vào học hệ bán công là chuyện thường. Nhưng đối với đa số dân nhập cư vào sống ở thành phố, đó là gánh nặng khó "tải".
Trường hợp của V.X. Hạnh, học sinh lớp 10 hệ bán công THPT Nguyễn Hữu Tiến (Hóc Môn) là một ví dụ. Năm ngoái, Hạnh thi tốt nghiệp THCS được 51 điểm, dư 7 điểm để vào hệ công lập theo nguyện vọng một đã đăng ký. Thế nhưng, sau khi hăm hở đi nộp đơn, niềm vui của em đã tắt ngóm: Nhà trường từ chối không cho học hệ A chỉ vì thiếu hộ khẩu thành phố.
Không còn cách nào khác, Hạnh phải chuyển sang học hệ bán công. "Em buồn lắm. Cố gắng thi cho tốt, vậy mà cuối cùng cũng phải vào học hệ B chung với những học sinh thi không đủ điểm vào hệ A! Bây giờ em chẳng muốn học nữa, chỉ muốn nghỉ thôi!" - Hạnh ấm ức nói. Không chỉ Hạnh buồn, mà gia đình em cũng chẳng vui gì. Cô Trinh, mẹ Hạnh tự trách: "Chỉ tại mình mà con khổ!" Cô nói: "Đời mình đã cực khổ, bây giờ chỉ cố gắng làm để con được học hành, thoát khỏi cảnh nghèo. Vậy mà... mỗi lần nghĩ đến là thấy tủi cho thân phận nhập cư".
Không chỉ là nỗi đau về tinh thần, sự "phân biệt" này còn là gánh nặng vật chất cho gia đình Hạnh. Học phí hệ công lập chỉ 25.000 đồng/tháng. Trong khi đó, học phí hệ bán công lại cao hơn gấp 3 lần (75.000 đồng/tháng). Đó là chưa kể thêm những tiền lặt vặt phải đóng hằng tháng. Có tháng, tính ra, tiền đóng cho Hạnh tới gần cả trăm nghìn.
Trong khi đó, người dân ngoại tỉnh khi lên thành phố chủ yếu chỉ làm những công việc chân tay như làm thuê, làm công cho các cơ sở sản xuất, hoặc đi bán hàng rong, xe đẩy. Thu nhập từ những công việc này đã không cao mà lại còn bấp bênh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hiện số học sinh thuộc diện KT3 đang học tại các lớp, trường bán công trong thành phố chiếm đến hơn 2/3 số học sinh nhập cư đang học tại thành phố. Số ít còn lại có may mắn học hệ công lập thường rơi vào thành phần dân nhập cư đã có hơn 20-30 năm sống ở thành phố. Ngoài ra còn một số rất lớn học sinh là con em những gia đình vẫn chưa được cấp KT3 thì gần như "không có cửa" để vào học ở các trường công lập, một vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết.
Vì thế quy định xét tuyển học sinh lớp 10 công lập hay bán công dựa trên tiêu chí hộ khẩu đang làm hẹp dần con đường học vấn vốn đã gian nan của học sinh nhập cư ở thành phố.
Để xóa bỏ những bất công này, mới đây Thủ tướng đã ban hành công văn số 6547 chỉ đạo các sở, ban, ngành phải tiến hành ngay những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho tất cả học sinh nhập cư được thi hoặc xét tuyển vào các trường công lập ở TP HCM vào đầu năm học tới.
Nhưng, hiện nay ở các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố vẫn chưa có những thay đổi nào trong công tác tiếp nhận học sinh KT3. Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hiện tại hệ thống trường công lập trong thành phố đều đang ở trong tình trạng quá tải. Vì thế, vào năm học mới, sở chỉ có thể tiến hành xem xét, giải quyết thỏa đáng cho những trường hợp đã có hộ khẩu tạm trú tại TP HCM 20-30 năm qua. Những học sinh nhập cư mới chuyển vào thành phố thì chắn chắc không thể vào học ở trường công lập vào năm học tới.
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, mọi việc vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, vì thế quyết định chính thức về việc "mở rộng cửa trường công để đón học sinh KT3" vẫn phải chờ quyết định của HĐND vào tháng 4 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận