H.N.T. là học sinh giỏi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, thành viên đội tuyển môn vật lý của trường. Trước kỳ thi tốt nghiệp, em thức học ôn bài khuya.
Đó là học sinh giỏi, có động lực và quyết tâm đạt kết quả tốt nhất có thể trong kỳ thi. Kết quả các môn thi khác rất tốt, nhiều môn điểm xuất sắc.
Nhưng chính quyết tâm ấy lại "phản chủ" trong giờ thi môn cuối cùng và T. phải nhận lãnh hậu quả vô cùng cay đắng: rớt tốt nghiệp THPT vì điểm 0 môn tiếng Anh. Cái giá T. phải trả cho sai lầm của mình quá lớn.
Ông Lê Chí Nguyễn - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển - cho biết T. là học sinh xuất sắc của trường, học thiên khối tự nhiên nhưng các môn xã hội học rất tốt, điểm trung bình môn tiếng Anh đạt loại giỏi.
T. đạt nhiều giải thưởng môn vật lý cấp tỉnh, là thành viên đội tuyển môn vật lý của Cà Mau dự thi học sinh giỏi quốc gia.
Có ý kiến đặt vấn đề đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh này. Nhưng T. hoàn toàn không thuộc đối tượng đặc cách theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2022.
Luật pháp, quy chế đưa ra để mọi người tuân thủ, thực hiện đúng để đảm bảo sự minh bạch, khách quan và công bằng. Tuy nhiên, liệu pháp luật có xem xét đến nhiều yếu tố giảm nhẹ, khoan hồng?
Có những luật, lệ bị lách, bị phá vì tư lợi và những cá nhân ấy bị xã lội lên án, mong muốn bị trừng phạt nghiêm khắc. Quy chế là quy chế, phải tuân thủ, nhưng liệu quy chế có được thực thi theo một cách khác không?
Trong trường hợp này, khi xem xét toàn diện quá trình học tập và cố gắng của T. cũng như nguyên nhân dẫn đến vi phạm, có sự khoan dung, "phá lệ" nào đó, hẳn nhiều người sẽ vỗ tay đồng tình, dù cũng có nhiều người không đồng tình vì cho rằng phải làm đúng quy chế, "luật là luật".
Nhưng liệu có quy chế nào cho sự xem xét không thấu đáo hay sự vô tình của giám thị không? Nếu xem xét lại cho em T., đó có thể cho thấy giá trị đích thực của giáo dục là bao dung, uốn nắn.
Và quan trọng là có thể giúp một học sinh tiềm năng, một người trẻ tràn đầy hy vọng có thể tiếp tục hoàn thiện ước mơ của mình.
Năm 2021, dịch COVID-19 hoành hành, nhiều thí thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội đã được xét đặc cách tốt nghiệp THPT dù điều này không có trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021.
Đó là trường hợp bất khả kháng. Nếu so sánh với trường hợp thí sinh bị 0 điểm sẽ là khập khiễng nhưng chính sách nào cũng bắt nguồn từ thực tế, sự "phá lệ" nào cũng cần được xem xét thấu đáo cả quá trình.
Liệu trong trường hợp này có thể áp dụng sự bao dung hay làm đúng quy chế?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận