18/08/2018 15:34 GMT+7

Học sinh nghỉ thứ bảy, tại sao không?

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Quanh chuyện cải tổ giáo dục, Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên trưởng bộ môn đô thị học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), về vấn đề học sinh nghỉ học ngày thứ bảy.

Học sinh nghỉ thứ bảy, tại sao không? - Ảnh 1.

Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tham gia CLB khoa học STEM trong ngày thứ bảy - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuổi Trẻ ngày 16-8 đưa tin: Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đề xuất cho  

Ngày 17-8, ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm ủy ban này, đăng đàn trả lời phỏng vấn về cải tổ giáo dục đại học. Điều này cho thấy các vị dân biểu rất quan tâm đến giáo dục nước nhà.

"Hãy cho HS bớt học, thêm thời gian tự do để làm giàu kỹ năng sống, hiểu biết xã hội. Đó là đánh đổi có lợi, tôi tin chắc phụ huynh nào cũng vỗ tay. Bởi trường đời và xã hội là môi trường giáo dục thực tiễn tốt nhất cho tất cả chúng ta"

TS Nguyễn Minh Hòa

Những sinh viên thụ động

Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ông Bình có nói đến hai chuyện liên quan đến giới trẻ: một là, để cho con cái "phải được tự chủ, tự quyết định vấn đề của mình"; hai là, HS phổ thông thiếu "kỹ năng của một công dân". Là người có gần 40 năm giảng dạy đại học, tôi rất chia sẻ với quan điểm của ông.

So với sinh viên (SV) nước ngoài, SV VN rất thiếu kỹ năng sống và thiếu sự tự tin. Nhiều lần đưa SV đi giao lưu với SV các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản... mới thấy khoảng cách này lớn thật. 

SV của ta rất kém, không chỉ những kỹ năng cơ bản như ngoại ngữ, hành chính, giao tiếp..., mà những kỹ năng khác cũng rất yếu. Chẳng hạn như kỹ năng trình bày trước đám đông, làm việc nhóm, kỹ năng phản biện và phát hiện, kỹ năng tổ chức làm việc trên địa bàn rộng, các kiến thức và kỹ năng sinh tồn, khám phá, phát hiện khi đến một thành phố lạ cũng rất yếu.

Chính vì thiếu kỹ năng nên SV của ta thiếu tự tin, rụt rè, đi đâu cũng phải túm năm tụm ba lại thành nhóm. Ngay khi đi ăn cũng ngồi với nhau, không dám tách ra tìm bạn mới. Khi đi nghiên cứu không dám đi một mình sợ lạc đường, không dám chịu trách nhiệm về công việc của mình. 

Tính ỷ lại, thụ động trở thành một thứ "ADN" truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giáo sư nước ngoài khi đến giảng bài đều lắc đầu ngán ngẩm vì sinh viên VN không bao giờ chủ động đặt câu hỏi hay tranh biện.

"Cỗ máy học"

Nguyên nhân sự kém cỏi này, theo tôi, bắt đầu từ cách dạy và học ở bậc phổ thông. HS phổ thông đang phải bù đầu học hai buổi chưa đủ còn học thêm vào buổi tối, về nhà học đến tận khuya. 

Những trường không đủ điều kiện dạy hai buổi, HS phải học thứ bảy đã đành, nhiều trường dạy hai buổi/ngày HS vẫn phải học chữ ngày thứ bảy. Vì sao? Vì trường tổ chức tăng tiết nhiều môn, mỗi môn một vài tiết. 

Thay vì mỗi ngày tối đa 7 tiết/ngày, nhiều khi HS sáng học 5 tiết, chiều 4 tiết và vẫn phải học luôn ngày thứ bảy. Học đến mức thấy mặt mũi đờ đẫn, mụ mẫm. Đối với những lớp cuối cấp, trẻ đúng là "cái máy học". 

Nhiều cha mẹ muốn tổ chức cho con đi chơi, thư giãn cuối tuần cũng không thể vì ngại lỡ việc học chính khóa và cả học thêm đâu đó bên ngoài trường.

Đề xuất nghỉ thứ bảy không mới ở nước ngoài, trong nước cũng nhiều trường dạy hai buổi đã thực hiện nghỉ thứ bảy lâu nay. Chúng ta cần đón nhận, không nên bắt trẻ đến trường học chữ vào ngày cuối tuần.

Còn nhớ khi chuyển từ chế độ học theo niên chế sang tín chỉ, ban đầu SV các trường đại học phải học đến 180 tín chỉ, sau giảm dần, giờ còn khoảng 120 tín chỉ, mọi chuyện đều ổn và vẫn có thể giảm được nhiều môn học. 

Tương tự ở bậc phổ thông, cần giảm nhẹ chương trình, bớt đi số môn, số tiết, cần bỏ đi kiểu học thuộc lòng trên miệng và quên ngay sau thi để HS bớt khổ!

Bước ra khỏi sách vở

Tôi cho rằng nghỉ ngày thứ bảy là một điều kiện rất tốt cho con trẻ tự phát triển. Mong phụ huynh cùng nhà trường tạo cho trẻ những cuối tuần bước ra khỏi sách vở. 

Sẽ giống như các nước phát triển khác, HS sẽ tự mình đến tìm hiểu ở các viện bảo tàng, khám phá cảnh quan, đời sống ở nông thôn, khám phá văn hóa địa phương, gặp gỡ những con người và hiện vật mà lâu nay chỉ "nấu thành cháo" trên sách vở. 

Những HS lớn sẽ tổ chức thành nhóm về nông thôn để biết hạt gạo, con tôm trên bàn ăn là từ đâu ra, biết yêu những con người bình dị, những món ăn thôn dã.

Giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức thời đại và cả những thách thức từ sự ì ạch trong lòng hệ thống giáo dục. Đơn cử như câu chuyện HS phải học tăng tiết vì chương trình giáo khoa nặng nề, vì thành tích, điểm số trong kiểm tra, thi cử... nói mãi vẫn chưa biến chuyển.

Giáo dục cần sự hứng khởi, tươi mới và năng động. Cần có những triết lý mới, chương trình đào tạo mới từ mẫu giáo lên đại học. Một chương trình ngắn gọn, không chỉ chú trọng thành tích, điểm số mới mong giải thoát các em khỏi vòng vây sách vở hiện nay.

Nghỉ học thứ bảy: làm được nếu có giải pháp linh hoạt

TTO - Nếu được nghỉ học thứ bảy, học sinh có thêm thời gian để học kỹ năng sống, phụ giúp gia đình... Tuy nhiên việc này sẽ gây xáo trộn, đòi hỏi phải có giải pháp linh hoạt.

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên