Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia giáo dục, nhà giáo và các phụ huynh về giải pháp cho vấn nạn này, đồng thời mở diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" để bạn đọc chia sẻ ý kiến.
* Ông Phạm Quang Huân (nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội):
Kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội
Bất luận nguyên nhân gì thì hành vi bao vây, dồn cô giáo vào góc lớp, chửi bới, ăn vạ, ném dép vào trán cô giáo khiến cô nằm ngất xỉu trên sàn phòng học giữa tiếng hò reo, lăng mạ của học trò là những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức học trò, vi phạm quan hệ ứng xử lễ phép, tôn kính với thầy cô và cũng là vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, nhà trường cần xử lý nghiêm khắc, thấu tình đạt lý, đảm bảo vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục.
Dạy làm người là mục đích lớn và là sứ mệnh của giáo dục.
Quan điểm "qua dạy chữ để dạy người" có từ những năm 1960 và giáo dục đạo đức học sinh luôn là nội dung được chú trọng hàng đầu của mỗi nhà giáo và mỗi nhà trường. Không chỉ "thông qua dạy chữ" mà nhà trường còn có rất nhiều hoạt động trong chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa để giáo dục học sinh.
Việc xử lý học sinh cần phải đặt trong bối cảnh tâm lý lứa tuổi học sinh ở giai đoạn này. Cần biết rằng học sinh THCS là trẻ vị thành niên từ độ tuổi 11 - 15, đang ở lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi mà dân gian ta hay nói là "dở người".
Các em đang trong bước quá độ từ trẻ con sang người lớn, chưa có suy nghĩ chín chắn, dễ bị kích động và có những hành động bất thường, bột phát để thể hiện mình.
Tuy nhiên, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Học sinh tham gia các hoạt động ở nhà trường cũng chỉ là một phần trong đời sống thực tế của chúng. Các em còn tham gia đặc biệt vào cuộc sống gia đình.
Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, những bài học mà học sinh thu lượm tự phát từ môi trường Internet, phim ảnh, game... cực kỳ hấp dẫn với các em và ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ.
Vì vậy, việc dạy làm người cần phải kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường, ba tác nhân: nhà trường, gia đình và xã hội.
* ThS Lê Thị Hồng Anh (phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM):
Không để thầy cô giáo đơn độc
Lâu nay chúng ta nói rất nhiều về bạo lực học đường.
Hiện nay đối tượng bị bạo lực có thể là thầy cô giáo. Không chỉ nhà giáo bị tấn công bởi học sinh, một số thầy cô còn bị chính phụ huynh của các em bạo lực.
Tôi cho rằng cần phải thiết lập lại quy chế tiếp công dân nơi trường học, công khai rộng rãi cho phụ huynh và công dân khi liên hệ làm việc tại trường.
Cần xây dựng ngay bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường trong đó có quy định cho mọi đối tượng: ban lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ - nhân viên người lao động, phụ huynh, học sinh... về văn hóa ứng xử, những việc được và không được làm của từng đối tượng trong nhà trường làm cơ sở pháp lý hạn chế bạo lực như nhiều tình huống xảy ra gần đây với thầy cô giáo và các đối tượng khác.
Nhà trường cần phải có biện pháp, cơ chế hỗ trợ, quản lý, phương án bảo vệ giáo viên, không thể để thầy cô đơn độc, không thể để học trò xúc phạm, hành hung chính thầy cô giáo của mình ngay trong nhà trường, trong lớp học trước sự chứng kiến của học sinh.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần phải có định hướng, dự báo, dự đoán tình hình về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay trong nhà trường và xây dựng hành lang pháp lý phối hợp các cơ quan chức năng bảo vệ người bị hại, nhất là nhà quản lý, thầy cô giáo khi bị học sinh sinh viên và cả phụ huynh bạo lực, vu khống, xúc phạm đến nhân phẩm, đạo đức nhà giáo.
* TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (trưởng khoa xã hội học Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Thầy cô phải chuẩn mực
Theo dõi câu chuyện, tôi thấy rằng chúng ta cũng không thể trách trẻ con nếu như cô giáo, thầy giáo không làm gương, không có chuẩn mực. Vì vậy việc dạy làm người trong nhà trường cần bắt đầu ở giáo viên; các nhà giáo giữ gìn phẩm chất, tư cách đạo đức của họ trong nếp sống, trong giao tiếp, trong đi đứng, trong nói năng...
Thầy giáo cô giáo phải là người làm gương, làm chuẩn mực trong nếp sống cho học sinh.
Muốn có điều này, các nhà trường cần phải trang bị cho giáo viên, tập huấn cho giáo viên về các vấn đề cần có của người giáo viên.
Nhìn sâu hơn, chương trình nghiệp vụ sư phạm trong các trường sư phạm phải có chương trình đào tạo về phẩm chất tư cách đạo đức nhà giáo.
Theo tôi, việc dạy học sinh làm người cần ba yếu tố. Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông cần tăng cường giáo dục đạo đức, đa dạng hóa việc thực hành đạo đức bằng các hoạt động thực tế của học sinh, cần dạy thêm các bài học về hiếu lễ nghĩa theo văn hóa Việt Nam.
Chương trình này cần được dạy dài hơi theo các bậc học từ tiểu học, THCS đến THPT. Những bài học đạo đức cần trở thành nội dung thảo luận, nội dung sinh hoạt lớp, trong khen thưởng thành tích học sinh như các môn văn hóa khác.
Thứ hai, nhà trường cần có chuẩn mực đánh giá đạo đức giáo viên. Trong đó, giáo viên cần được giáo dục bài bản về việc đặt tư cách đạo đức nhà giáo lên hàng đầu. Thứ ba, nhà trường và gia đình phải phối hợp chặt chẽ trong việc dạy học sinh làm người, dạy học sinh có thái độ theo chuẩn mực xã hội.
Nghiêm trọng, không thể chấp nhận được
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6-12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định vụ việc cho thấy "mức độ nghiêm trọng và không thể chấp nhận được".
Do đó bộ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.
"Sự việc chúng ta đều bức xúc nhưng vẫn phải làm rõ nguyên nhân và tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, đầy đủ.
Trên cơ sở đó phải có các biện pháp xử lý nghiêm", ông Sơn nói.
Không ai vô can
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Cần giải pháp mạnh mẽ để tránh lặp lại vụ việc
Theo báo cáo của địa phương, cô giáo có những phát ngôn không chuẩn mực với học sinh.
Song ở đây cần xác định việc nào ra việc đó. Nếu cô giáo có những phát ngôn và hành vi không chuẩn mực, học sinh cần báo cho ban giám hiệu, hiệu trưởng và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.
Còn việc học sinh có hành xử côn đồ với giáo viên là không thể chấp nhận dù bất cứ lý do gì. Những hành động đó là trái với đạo đức, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành vi này, đồng thời qua đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường, nhất là hành vi thiếu tôn trọng giáo viên rất báo động này.
Cần phải có các giải pháp mạnh mẽ để tăng cường giáo dục đạo đức học sinh trong môi trường học đường, tránh để lặp lại sự việc đau xót tương tự.
* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Sai cả đạo lý lẫn pháp lý
Nguồn cơn dẫn đến sự việc này có thể bắt đầu từ giáo viên, nhưng có thể thấy hành vi của các học sinh là sai cả về đạo lý lẫn pháp lý.
Do vậy không có lý do gì để vuốt ve, dung dưỡng cho con trẻ về những hành vi xúc phạm giáo viên. Đừng cổ súy cho cái sai bằng đổ lỗi cho giáo viên.
Tôi cũng như các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần phát biểu về tình trạng đáng báo động trong một bộ phận giới trẻ hiện nay - đó là đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, gia tăng bạo lực học đường.
Nhưng điều nguy hiểm nhất ở chỗ không còn là bạo lực giữa học sinh với nhau mà đã là bạo lực giữa giáo viên và học sinh, cũng như học sinh với giáo viên.
Từ sự việc này cần có những giải pháp mạnh mẽ để tăng cường giáo dục đạo đức học sinh trong môi trường học đường. Cùng với đó không thể phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, nhà trường mà cần nhấn mạnh vai trò của gia đình, xã hội.
Ở mỗi gia đình, phụ huynh cần nhìn nhận lại xem mình đã sâu sát với con em và giáo dục như thế nào để các em có ứng xử như vậy.
Với sự việc ở Tuyên Quang này, tất cả mọi người trong xã hội không ai vô can cả. Đây không còn là chuyện của Tuyên Quang, của các em học sinh, nhà trường, giáo viên, gia đình đó mà của cả xã hội.
Mỗi người nên nhìn lại để nỗ lực hơn nữa làm trong sạch bầu khí quyển văn hóa, đạo đức xã hội, trường học thay vì chỉ đi vào đổ lỗi cho nhà trường, giáo viên. Nếu không nhìn nhận rõ thì việc còn tồn tại và tiếp diễn điều đau lòng này sẽ không tránh khỏi.
"Tiên học lễ, hậu học văn" bị bỏ rơi
Trong hàng nghìn ý kiến, phản hồi xung quanh vụ việc đau lòng ở Tuyên Quang, rất nhiều bạn đọc đặt vấn đề nguyên nhân sâu xa chính là sự thoái trào của việc giáo dục lễ nghĩa trong nhà trường. Xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
* Câu "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" giờ không còn đúng nữa, giờ học trò còn hơn ma hơn quỷ! Nghe như hài nhưng đó là một sự thật đau lòng về hiện trạng giáo dục, về luân thường đạo lý, về nhân phẩm; là hồi chuông báo động cho một nền giáo dục đua theo thành tích mà quên đi "Tiên học lễ, hậu học văn". Khi lễ không còn nữa thì chúng ta sống ra sao? (nguyenhnguien@...)
* Tất cả là do bệnh thành tích mà bỏ rơi "Tiên học lễ, hậu học văn". Sẽ thật tốt biết bao nếu như học sinh tôn trọng thầy cô như cha mẹ, thầy cô yêu học sinh như con. Mỗi tiết học diễn ra chậm rãi, thiêng liêng.
Với kinh nghiệm của tôi thì học trên lớp chỉ cần như thế thôi, còn thành tích về sau chủ yếu nhờ khả năng tự học của mỗi người. (greenbee109@...)
* Tôi cho rằng giáo dục từ trong gia đình rất quan trọng. Đó là cái nôi đầu tiên để các em bước vào cộng đồng. Rồi sau đó mới nói đến giáo dục trong học đường và xã hội. (tranquanghuuvinh67@...)
* Có lẽ phải xem lại phương châm giáo dục, hiện nay quá đề cao cái tôi của học sinh trên cả lễ nghi đối với thầy cô giáo thì quá bất cập. Cần dạy cho các cháu biết tự trọng nhưng vẫn phải tôn trọng và lễ phép với giáo viên chứ không phải muốn làm gì thì làm. (topl****@...)
* Đạo đức học sinh bây giờ xuống cấp trầm trọng. Nhớ lại khi xưa mình đi học, sợ thầy cô kinh khủng. Bị la rầy hay bị đánh là sợ, mai mốt không dám tái phạm. Còn bây giờ thầy cô không dám la rầy, lỡ đụng chạm vô trò là phụ huynh kéo nhau xuống như khủng bố. Bởi vậy học sinh giờ đâu còn sợ thầy cô, thầy cô có la cũng là bình thường mà. (ivanbeseaco@...)
* Hôm qua tới giờ tôi thấy báo đăng mà không buồn để đọc, ngàn đời nay lần đầu tôi mới nghe chuyện học sinh "đồng loạt" hành hung, hỗn hào với giáo viên giữa lớp học. Chuẩn mực đạo đức bị phá vỡ hoàn toàn. (nguyenviettrung.dn@...)
* Thường thì học sinh ngổ ngáo rất ghét các giáo viên la mắng chúng. Nếu các giáo viên hiểu được tâm lý học sinh có cách giảng dạy phù hợp khéo léo có thể sẽ không đi đến mức học sinh nổi loạn.
Ngoài ra, gia đình học sinh cần phải "dạy con từ thuở còn thơ" để chúng hiểu được cách cư xử phù hợp với người lớn. Thời đại ngày nay khá nhiều người yêu thương nuông chiều con cái quá mức nên con mới hư.
Mặt khác, học sinh cá biệt quậy phá hỗn với giáo viên một phần vì chúng cũng ý thức được rằng cho dù mình quậy phá cỡ nào cũng không chịu hình phạt của pháp luật. Nếu luật pháp nước ta có những điều luật bảo vệ trẻ em học sinh thì cũng cần phải có những quy định hình phạt phù hợp để răn đe những học sinh cá biệt như thế này. (lynguyenkhanhvl@...)
* Thật sự mình chưa thấy tác dụng của việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh. Thiết nghĩ ngay từ khi học mầm non và tiểu học, học sinh phải được học về các quy chuẩn đạo đức, pháp luật.
Các em phải hiểu rằng hành động nào là sai, là vi phạm pháp luật. Tất cả các học sinh hiện tại chỉ lo chú trọng học kiến thức, tiếng Anh, rồi chạy đua đi học thêm. Các em không còn thời gian để nhìn nhận thế giới xung quanh.
Nhà trường, gia đình và xã hội hãy cùng chung tay tạo ra thế hệ trẻ hiểu biết về pháp luật, lễ phép và hơn hết biết tự lập. (nguyenhakt.1218@...)
* Xã hội ngày nay ngày càng thoáng, nhiều cha mẹ xem giáo viên như nhân viên dịch vụ chứ không còn trọng thầy cô như trước. Họ coi con mình là trung tâm vũ trụ, hở một chút là bốc phốt lên mạng.
Thầy cô nói nặng con tí đã nhảy cẫng lên, ở nhà thì "đội con lên đầu" hỏi sao giờ nhiều trẻ em hành xử ngỗ ngược. Nhà dột từ nóc là vậy. (letiensinh84@...)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận