Học sinh tuần hành ở Brooklyn, tp New York ngày 14-3 với các biểu ngữ nói "Đã quá đủ" - Ảnh: REUTERS
Các cuộc biểu tình và tuần hành của học sinh, sinh viên trên khắp nước Mỹ phản đối bạo lực súng đạn không chỉ thể hiện sự giận dữ của họ mà còn cho thấy tình hình đã đến lúc cần được giải quyết thấu đáo bởi họ nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách có tiếng.
Theo chiến dịch "#ENOUGH" (Thế là quá đủ), học sinh của hơn 3.000 trường học trên khắp nước Mỹ đã xuống đường tuần hành phản đối bạo lực súng đạn trong ngày 14-3. Ngoài ra, một cuộc biểu tình quy mô toàn quốc lấy cảm hứng từ các học sinh mang tên "March For Our Lives" (Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta) sẽ được tổ chức vào ngày 24-3 tới.
Chiều 14-3, bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã hòa cùng đám đông học sinh, sinh viên phản đối Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) và kêu gọi các nhà lập pháp ban hành các đạo luật chặt chẽ hơn về quyền sở hữu súng đạn.
Phát biểu với các học sinh tham gia biểu tình, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - người từng ra tranh cử vị trí ứng viên Tổng thống năm 2016, cho rằng người dân Mỹ "chán nản và mệt mỏi" trước tình trạng bạo lực súng đạn, và đây là thời điểm để mọi người cùng nhau đứng lên chống lại NRA.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - người từng ủng hộ kiểm soát súng đạn trong kỳ tranh cử Tổng thống năm 2016, gọi các học sinh tham gia biểu tình là "niềm cảm hứng cho hàng triệu người Mỹ", những người vốn biết rằng nỗ lực cải cách súng đạn là quá chậm trễ.
Học sinh ở Washington tuần hành trước tòa nhà Quốc hội Mỹ với biển hiệu ghi "Mua súng dễ hơn tìm chỗ học" - Ảnh: REUTERS
Tại thành phố New York, nhiều học sinh của hơn 50 trường học, trong trang phục màu cam của phong trào ủng hộ kiểm soát súng đạn, đã đổ xuống đường, hô vang các khẩu hiệu "Chúng tôi muốn thay đổi" và "Liệu tôi có phải là nạn nhân tiếp theo?".
Thư ký báo chí của Thị trưởng New York, ông Eric Phillips cho biết hơn 100.000 học sinh, sinh viên đã tham gia cuộc biểu tình mang tên "National School Walkout" này. Cuộc biểu tình kéo dài 17 phút, con số tượng trưng cho 17 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, ngày 14-2 vừa qua.
Đúng một tháng trước, Nikolas Cruz, 19 tuổi, một học sinh cũ của trường Marjory Stoneman Douglas, đã dùng khẩu súng trường AR-15 tấn công các lớp học.
Vụ tấn công của Cruz đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận nước Mỹ và các cuộc biểu tình, tuần hành đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn, yêu cầu chính phủ siết chặt kiểm soát súng đạn.
Nhóm cử tri dự buổi điều trần ngày 14-3 của Ủy ban tư pháp Thượng viện Mỹ ở Washington về các biện pháp bảo vệ an toàn trong trường học - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn của Nhà Trắng Raj Shah cho biết Tổng thống Donald Trump "chia sẻ các mối lo ngại của học sinh về an toàn học đường".
Tổng thống Donald Trump đã nêu ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học.
Tuy nhiên, ý tưởng của ông Trump trang bị vũ khí cho nhân viên trong trường học đang đối mặt với nhiều chỉ trích do lo ngại nguy cơ "vũ trang hóa" trong môi trường giáo dục và những tai nạn bất ngờ. Thực tế đã có một giáo viên trung học phổ thông ở bang California vô ý làm súng nổ trong lớp học, khiến 3 học sinh bị thương.
Học sinh ở Santa Carla, bang California tạo hình trái tim trong cuộc tuần hành chống bạo lực súng đạn ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận