Học sinh dùng điện thoại để làm gì, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở?
Họp phụ huynh lớp 6, cô giáo chủ nhiệm nhắc với phụ huynh về chuyện có một nhóm 5-7 học sinh mỗi trưa không chịu lo ngủ nghỉ, rủ nhau xúm lại chơi game. Hẹn hò rủ nhau trên Zalo. Lại có mấy em khác không có điện thoại cũng đi theo coi ké.
Bạn tôi có con học lớp 7 nhận được tin nhắn của cô giáo về việc một số học sinh trong lớp rủ nhau vào các trang dành cho người lớn…
Có bao nhiêu cuộc cãi nhau, giận nhau trong các nhóm chat qua điện thoại. Vì vậy, hễ có cái "alo" thì phải theo dõi suốt mọi thứ trên đó vì sợ bị sót lọt tin nhắn. Chuyện này ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và giờ học của học sinh.
Lại có cả những "đường dây" mua bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, thức ăn các loại nhộn nhịp tin nhắn trong các nhóm học sinh có điện thoại, Facebook, Zalo. Lại có những nhóm khích bác, hẹn đánh nhau, bàn chuyện thời trang, phim ảnh đến yêu đương.
Không điện thoại có sao đâu!
Tôi có hai con học trung học, cả hai đều không có điện thoại, iPad riêng. Có thể con tôi mất một số liên lạc, kết nối với bạn bè (trong đó có cả việc học nhóm) nhưng tôi vẫn thấy ổn hơn việc con sa vào thế giới mênh mông mạng xã hội và các kiểu phiền phức từ cái alo.
Thà rằng con tôi có vẻ "ngố" so với bạn nhưng tôi tin là con an toàn khi ở xa màn hình.
Nói chung là đủ thứ chuyện người lớn khó có thể tưởng tượng nổi và theo sát con được.
Chụp ảnh "dìm" là thói quen của không ít học sinh có điện thoại. Cùng với đó là quay video những khoảnh khắc trong trường, đáng yêu cũng có, xấu xí cũng có đầy, lắm khi lại dùng hình ảnh lúc bạn không đẹp để "khủng bố tinh thần", bêu rếu nhau.
Kinh khủng nhất là ghi hình những tích tắc không đẹp của thầy cô rồi mang ra bàn tán, nói xấu thầy cô nếu không thích thầy cô nào đó.
Điện thoại cũng là thứ để các cô cậu học trò trung học cơ sở so đo, thể hiện với nhau. Những hình ảnh được ghi lại trên đó cũng lắm khi để khoe khoang, chia sẻ khắp nơi, bất chấp hậu quả có thể xảy đến với người trong ảnh.
Và như chúng ta đã từng xem những clip đánh bạn trong và ngoài trường, quay vô tư, chia sẻ vô tư chứ không có ý can ngăn cuộc đánh nhau hay báo cáo thầy cô.
Hầu hết các trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng cái "alo" trong cặp vẫn thường không được tắt nguồn thành ra phiền phức trong giờ học.
Ngay cả giờ chơi, giờ tan trường cũng lắm tình huống phát sinh. Thật đáng sợ với những clip đánh nhau cảnh quay trong nhà vệ sinh, khu vực thay đồ nữ sinh.
Và những giờ học của các con liệu có yên khi nôn nóng đến hết giờ cùng bạn chơi game, đến ăn trưa ngủ trưa cũng vội vàng để còn tranh thủ cày game.
Không ít trẻ thành cáu gắt, học hành sa sút khi sa vào mê hồn trận mạng xã hội với đủ các thứ không dành cho tuổi của con. Khi con ôm điện thoại ngày càng nhiều cũng là lúc con "xa" người thân hơn.
Chưa kể đủ kiểu tin nhắn, cuộc gọi rác quấy nhiễu các số máy và tuổi học trò chưa đủ sức hiểu hết phiền phức và mối nguy ở đó.
Trò xin đi vệ sinh, thật ra để nghe điện thoại
Khi nhà tôi đang xây sửa, lúc dọn nhà cũng là lúc tôi phải lên lớp, tôi đành phải mang điện thoại theo, quên chuyển sang chế độ im lặng. Đang say sưa giảng bài, điện thoại trong cặp đổ chuông. Nhiều học sinh lên tiếng: "Nghe đi thầy! Nghe điện thoại đi thầy!", tôi liền nói cứng: "Thôi! Nghe giảng tiếp nè!".
Vừa giảng lại vừa có chút lo lắng. Giờ chơi, tôi ra ngoài, con gái tôi nói: "Con muốn hỏi ba giấy khai sinh của con ba cất ở đâu để con lấy kèm hồ sơ nhưng giờ đã trễ việc rồi!".
Có một lần khá đặc biệt, tôi đang say sưa giảng bài thì một nam sinh cầm điện thoại bước lên bục giảng, nói: "Thưa thầy, cho em ra ngoài nghe điện thoại, có bạn gọi". Tôi định yêu cầu em về chỗ nhưng nhìn kiểu thành khẩn và gấp gáp của em, tôi cho phép em ra ngoài.
Một phút sau, em quay lại, hớt hải nói: "Thầy ơi! Các bạn gọi nói lời vĩnh biệt!".
Tôi cùng nam sinh ấy chạy ngay đến phòng giám thị. Ở đó, có mấy phụ huynh đang hỏi han, lo lắng vì con của họ đi đâu từ tối hôm qua đến giờ.
Theo số điện thoại vừa gọi, phụ huynh chạy đến một công viên lớn, nơi đó có ba cô nữ sinh đang ngất xỉu trên ghế đá. Ba học trò đi học lại sau đó khoảng một tuần sau khi rủ nhau uống thuốc ngủ để… tự tử(!?). Nhưng đây là tình huống hiếm trong rất nhiều cuộc gọi phiền phức trong giờ học.
Là một giáo viên, để làm gương cho học sinh, tôi tuyệt đối không nghe điện thoại trong giờ đứng lớp. Mỗi khi có học sinh cầm điện thoại xin tôi ra ngoài để nói chuyện với "ba mẹ", tôi đều từ chối và nói: "Có bao giờ các em thấy thầy ngưng dạy, xin lỗi lớp để ra ngoài nghe điện thoại chưa?".
Học sinh tiu nghỉu trở về chỗ ngồi. Nhưng cũng có không ít học sinh giả vờ xin thầy cô đi… vệ sinh để ra ngoài nghe điện thoại.
Khi học sinh có điện thoại bên mình sẽ có thêm rất nhiều tình huống phát sinh theo những cuộc gọi ấy. Và những thầy cô giáo như tôi có rất nhiều tình huống với những cái "alo" không tắt nguồn trong lớp học.
Hầu hết thầy cô đã nói không với các cuộc gọi đến trong giờ đứng lớp (dù lắm khi lỡ mất việc riêng). Đây là cách giữ nghiêm với quy định học sinh không dùng điện thoại trong giờ học, để những tiết học được trật tự, điện thoại của thầy và trò đều tắt nguồn hoặc ở chế độ im lặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận