25/05/2019 10:31 GMT+7

Học sinh lớp 11 chế tạo robot phát thuốc

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Chú robot đóng vai trò như một “trợ lý y tế” mang thuốc đến tận cửa phòng bệnh, là mô hình độc đáo của hai học sinh Tống Duy Hải và Trần Phương Lam (lớp 11 Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội).

Học sinh lớp 11 chế tạo robot phát thuốc - Ảnh 1.

Tống Duy Hải là chàng trai đam mê về robot - Ảnh: HÀ THANH

Sản phẩm vừa đoạt huy chương vàng "Triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế" (ITEX) tại Malaysia, với sự tham gia của thí sinh 20 nước và 1.000 gian hàng trưng bày. Các tác giả này cũng là 1 trong 10 nhóm nhận được cúp và giấy khen cho sáng chế tốt nhất và nhà sáng chế trẻ nhất.

Robot có thể thay thế được công việc cơ bản là phát thuốc, mang lại nhiều lợi ích như giảm áp lực cho nhân viên y tế.

TỐNG DUY HẢI


Giảm công việc cho nhân viên y tế

Nhận thấy tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hai bạn Duy Hải và Phương Lam lên ý tưởng sáng chế chú robot hỗ trợ phát thuốc cho bệnh nhân trong các bệnh viện. 

Robot ra đời sẽ thay thế một phần sức lao động của nhân viên y tế, giảm một phần khối lượng công việc cho nhân viên y tế trong khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân.

Hải cho biết mô hình gồm có một phòng điều phối, ở đó y tá bỏ thuốc vào mỗi ngăn tương ứng với địa chỉ từng người bệnh. Sau đó, robot đi theo đường kẻ vạch riêng biệt và gửi tín hiệu đến địa chỉ phát thuốc cho người bệnh nhận biết chú robot đã đến tận phòng bệnh.

"Mỗi người bệnh sẽ được cấp một mã QR, chỉ cần scan mã này nếu hợp lệ thì thuốc sẽ được đưa ra. Nếu ở phòng bệnh người bệnh không có nhu cầu hoặc không được chỉ định lấy thuốc, robot sẽ chờ trong khoảng thời gian nhất định và đi theo lộ trình" - Hải cho hay.

Bên cạnh đó, chú robot hỗ trợ y tế còn được trang bị thêm các tính năng để hạn chế sự cố như: cảm biến tiệm cận giúp robot dừng bất chợt khi gặp vật cản, tính năng điều khiển bằng tay giúp y tá điều khiển cho robot tránh vật cản và tiếp tục đi theo lộ trình và có camera giúp người điều khiển dễ dàng theo dõi hành trình của robot.

Tiếp tục với chú robot khác

"Quá trình học, tôi nhận thấy mình am hiểu về robot hơn các lĩnh vực khác, điều này xuất phát từ đam mê chơi robot. Từ đam mê, tôi mày mò nghiên cứu, tham khảo qua sách báo, tivi, YouTube... về các mô hình robot" - Hải cho biết.

Ở lứa tuổi học sinh, các bạn chia sẻ khó khăn ban đầu là trong đầu hình thành ý tưởng song "mông lung không biết bắt đầu từ đâu". Rất may mắn trong quá trình làm, các bạn nhận được sự hướng dẫn của thầy cô, không hiểu ở đâu hỏi ở đó.

Hải quả quyết: "Với mục tiêu hoàn thành mô hình, chúng tôi luôn nghĩ dù khó khăn thế nào cũng bắt buộc phải làm được. Có những hôm chúng tôi thức đến xuyên đêm, nhưng rất may mọi công việc đều hoàn thành".

Khi đoạt huy chương vàng tại ITEX, Hải kể: "Lúc lên nhận giải, chúng tôi mang theo quốc kỳ Việt Nam, cả hai chúng tôi không ngờ đoạt giải cao như thế".

Điều hai bạn mong muốn hiện nay là tìm được nhà đầu tư sẽ phát triển thành mô hình chú robot thật để vận hành, mang vào ứng dụng thực tế.

Nhưng không dừng ở đó, Duy Hải và Phương Lam đang hoàn thành một chú robot mới mẻ khác, "hiện giữ bí mật về tên gọi và tính năng", hai bạn đang sửa soạn chuẩn bị các thủ tục cần thiết để mang robot này sang Mỹ dự thi vào tháng 6 tới đây.

Cùng con phát triển đam mê

Chị Phạm Thị Ngọc Trâm (44 tuổi, mẹ của Tống Duy Hải) là người đồng hành với con trong mọi cuộc thi, cùng nhóm bạn trẻ mang sáng chế mô hình robot ra đấu trường quốc tế.

"Tôi khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội hay ủng hộ mỗi khi con nêu ý tưởng mới, nhưng cũng nhắc nhở con không vì thế mà bỏ bê việc học của mình" - chị Trâm chia sẻ.

Chàng trai người Tày chế tạo bếp lò

TTO - Tác giả bếp lò này là Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi, người dân tộc Tày, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát, bí thư chi đoàn thôn Đại Thịnh (xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái).

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên