19/01/2021 06:42 GMT+7

Học sinh lớp 10 sẽ được dạy về Luật an ninh mạng, mã độc, tin giả

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Theo Thông tư 46 Bộ GD-ĐT về chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT vừa ban hành, học sinh lớp 10 sẽ được học về an ninh mạng.

Học sinh lớp 10 sẽ được dạy về Luật an ninh mạng, mã độc, tin giả - Ảnh 1.

Học sinh dùng điện thoại để học tập, giải trí đã trở nên phổ biến - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo đó, nội dung môn học này ở bậc THPT gồm 105 tiết. Nội dung dạy học của từng khối lớp ở bậc học này được quy định chi tiết, nêu rõ yêu cầu cần đạt. Nhưng ở chương trình lớp 10 có những nội dung mới, đặc biệt rất gần với những vấn đề đang diễn ra xung quanh lứa tuổi học sinh bậc THPT. 

Nhiều nội dung mới 

Cụ thể, ở lớp 10 môn giáo dục quốc phòng và an ninh có 35 tiết. Ngoài các nội dung giới thiệu lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân, nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam, chương trình đưa vào những nội dung mới và thiết thực như: ma túy và tác hại của ma túy, phòng chống vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương. 

Đặc biệt có hai tiết dành cho nội dung tìm hiểu về an ninh mạng. Trong đó, yêu cầu của tiết học là nêu được khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng, nội dung cơ bản của Luật an ninh mạng; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả... 

Theo thông tư, việc dạy học môn giáo dục quốc phòng và an ninh phải kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực hành. Trong đó, vận dụng phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo. 

Giảm nguy cơ từ mạng cho học sinh 

Thầy Nguyễn Đức Toàn - chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft, từng giảng dạy ở Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) - cho biết trong một dự án của học sinh Trường THPT Thực nghiệm do ông hướng dẫn, học sinh đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm như tình trạng bắt nạt qua mạng, xâm hại tình dục qua mạng và cách phòng chống, mua sắm trực tuyến như thế nào là thông minh. 

Trong một buổi trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận, học sinh lớp 10 đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm. Kết quả khảo sát có 3/4 số người được hỏi cho rằng thấy tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng mạng Internet. Đặc biệt, rất nhiều học sinh tỏ ra lúng túng khi không thể trả lời được các câu hỏi “Làm thế nào để không bị đánh cắp và lợi dụng thông tin cá nhân?”, “Khi bị chat sex, bạn sẽ phản ứng như thế nào?” hay “Những điều gì bạn cần ghi nhớ khi mua bán online để không bị lừa?”... 

Những vấn đề này, theo thầy Toàn, tưởng như không xuất hiện trong môi trường học đường nhưng thực ra xảy ra nhiều đối với lứa tuổi học sinh trung học. 

Theo các thầy cô bậc THPT, việc giới thiệu, cung cấp thông tin về các luật như an toàn giao thông, phòng chống ma túy hay Luật an ninh mạng trước đây chỉ lồng ghép vào các tiết dạy giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa. Vì thế trong môn giáo dục quốc phòng và an ninh có thể đưa những nội dung này vào chính khóa thì rất tốt. 

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nói: “Tôi thấy rất hay nếu đưa vào từ lớp 10. Học sinh THPT có ba năm sẽ phải học tập và chung sống với môi trường sử dụng mạng Internet. Nếu có được những hiểu biết chung về việc này, các em sẽ giảm nguy cơ vấp phải những tai nạn không đáng có”. 

Cũng theo cô Nhiếp, năm học nào trường cũng phải “vào cuộc” vì những bức xúc, lo lắng, phản ảnh của phụ huynh khi con “nghiện” mạng xã hội, dành thời gian chủ yếu ở nhà để giao tiếp với chiếc điện thoại. 

Rồi thầy cô giáo nhiều phen đau đầu khi học sinh truyền nhau xem video xấu, bình luận thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn là tình trạng bạo lực học đường, quay clip tung lên mạng. Nếu hiểu biết về luật và những việc phải phòng tránh sẽ rất tốt. 

Giáo dục năng lực số 

Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho biết các chủ đề xuyên suốt quá trình học tập của học sinh nhằm giáo dục năng lực số bám sát bảy lĩnh vực trong khung năng lực số của UNESCO. 

Đó là năng lực sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố, định hướng nghề nghiệp trong môi trường số. 

“Những nội dung trên được thiết kế đưa vào nhiều môn học, nhiều nhất là môn tin học. Môn giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ có hai tiết về an ninh mạng nhưng sẽ tập trung vào việc phổ biến các quy định liên quan tới bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị số. 

Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy, học trở nên phổ biến hơn” - ông Thành cho biết. 

Theo Bộ GD-ĐT, thông tư 46 ban hành chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT sẽ được áp dụng vào năm học tới.

* Ông Nguyễn Việt An (49 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM):

Cần thiết

Tôi từng bắt gặp con mình tham gia nhóm “anti” (chống) một bạn trong lớp. Tôi rất sốc vì các em dùng những lời lẽ không chỉ nặng lời mà còn dung tục. Tôi phải nhắc nhở con mình rằng đó là hành vi xúc phạm người khác trên Internet và có thể bị xử lý vi phạm hành chính.

Việc đưa những kiến thức cập nhật về Luật an ninh mạng là cần thiết. Các em sẽ biết cách dùng, cách ứng xử trên môi trường mạng xã hội vốn có rất nhiều phức tạp. Tuy nhiên theo tôi, các bài học nên thực tiễn, các bài giảng không nên hình thức chỉ dẫn luật, dẫn quy định mà cần đưa ra nhiều ví dụ thực tế để các em hình dung rõ ràng về an ninh mạng ở Việt nam.

* Tô Minh Nhật (18 tuổi, học sinh Trường THPT Trương Định, Tiền Giang):

Phù hợp thực tiễn

Những kiến thức về an ninh mạng là thực tiễn vì học sinh ngày nay dùng rất nhiều Internet trong học tập và cuộc sống. Tôi mỗi ngày vào Facebook ít, từ 1-2 tiếng để học tập, giải trí, cập nhật tin tức. Về độ tuổi theo học, tôi thấy rằng lớp 10 là hợp lý, tuy nhiên sớm hơn cũng tốt.

Hiện nay học sinh lớp 6, lớp 7 cũng đã dùng điện thoại thông minh, thậm chí có bạn mới lớp 3, lớp 4 đã có tài khoản Facebook. Vì vậy có thể dạy những hiểu biết cơ bản cho các bạn về cách dùng mạng xã hội theo từng độ tuổi khác nhau, hướng dẫn các bạn đâu là những thông tin cá nhân nên được chia sẻ, đâu là những thứ bí mật để tránh bị lừa đảo.

Bộ GD-ĐT: Không bắt buộc học sinh trang bị điện thoại phục vụ học tập Bộ GD-ĐT: Không bắt buộc học sinh trang bị điện thoại phục vụ học tập

TTO - Trong hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, việc học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập được giải thích rõ hơn.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên