14/04/2022 09:28 GMT+7

Học sinh làm máy lấy mẫu xét nghiệm tự động

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Hai học sinh Lê Anh Tuấn Bằng (lớp 11A3) và Nguyễn Văn Tình (lớp 11A8, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nghiên cứu sáng chế ra máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động.

Học sinh làm máy lấy mẫu xét nghiệm tự động - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Văn Tình và Lê Anh Tuấn Bằng (từ trái qua) bên máy xét nghiệm COVID-19 tự động - Ảnh: LÊ MINH

Sản phẩm đoạt giải nhì kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2021 - 2022. Từ cấp II, hai học sinh này đã sáng chế ra "Giá đọc sách phòng tránh cận thị" giành giải cao trong kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp huyện; giải khuyến khích cấp tỉnh trong cuộc thi sáng tạo ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ý tưởng từ thực tế

Đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ở Hà Tĩnh bắt đầu bùng phát mạnh. Trường THPT Kỳ Anh có một số ca nhiễm COVID-19 và các nhân viên y tế được cử đến nhà trường để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thể giáo viên và học sinh. Nhận thấy công việc lấy mẫu của nhân viên y tế vất vả nên Tình và Bằng nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy lấy mẫu xét nghiệm tự động để giúp nhân viên y tế.

Thầy Nguyễn Xuân Tùng - giáo viên môn vật lý Trường THPT Kỳ Anh, người trực tiếp tham gia hướng dẫn cho Tình và Bằng - nhớ lại: "Các em đề xuất ý tưởng sáng chế máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tôi nhận thấy rất khả thi. Nếu thành công sẽ hỗ trợ một phần sức lực không nhỏ cho ngành y tế trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp. Tôi và tập thể nhà trường động viên, hỗ trợ hai học sinh lên mạng tìm hiểu các sản phẩm liên quan để chế tạo ra máy lấy mẫu xét nghiệm hiệu quả nhất".

Tháng 5-2021, Tình và Bằng lên mạng tìm hiểu, tham khảo cách thức hoạt động một mẫu máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do Đan Mạch sản xuất. Sau đó hai em lên thiết kế, vào các website đặt mua linh kiện về để chế tạo. "Các linh kiện để chế tạo máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại địa phương không có nên chúng em phải đặt mua ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Có những thiết bị chúng em phải đến tận nơi tìm mua, thời điểm chế tạo sản phẩm do dịch COVID-19 phức tạp nên mỗi lần đi về đều phải cách ly" - em Bằng nói.

Mong sớm ra thị trường

Tổng quan, máy lấy mẫu xét nghiệm này có ba bộ phận chính: phần khung vỏ, phần cơ học và phần linh kiện điện tử. Về cách sử dụng, người lấy mẫu được gọi tên ngồi vào ghế lấy mẫu, bỏ ống nghiệm vào khay máy; cố định khuôn mặt chờ đèn và loa phát tín hiệu; mở rộng miệng, dùng cằm nhấn công tắc cho đến khi máy lấy xong mẫu; lấy ống nghiệm đóng nắp, bỏ ống nghiệm vào khay đựng. Toàn bộ quá trình lấy mẫu xét nghiệm (lấy mẫu họng) hoàn toàn tự động và chỉ mất khoảng 90 giây đến 105 giây.

Một chiếc máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do Tình và Bằng sáng chế hết hơn 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, do lần đầu tiên sáng chế, nhiều linh kiện hư hỏng, chập cháy nên giá của chiếc máy sau khi hoàn thiện hết khoảng 10 triệu đồng. Trong quá trình sáng chế máy, ngoài sự giúp sức không nhỏ của các giáo viên, các em còn nhận được sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ ngành y tế địa phương.

Tháng 3-2022, Tình và Bằng mang máy ra Trường chuyên Hà Tĩnh để tham dự thi trực tuyến cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2021 - 2022, sản phẩm của hai em đã giành giải nhì. "Tới đây chúng em sẽ tiếp tục hoàn thiện máy xét nghiệm hơn. Em cũng mong muốn có các nhà đầu tư tìm hiểu máy để sản xuất, đưa máy ra thị trường sớm ứng dụng trong đời sống" - em Tình nói.

CLB dành cho học sinh yêu thích khoa học kỹ thuật

Thầy Trần Hữu Linh - phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh - cho biết nhà trường rất vinh dự khi hai học sinh của nhà trường đoạt giải cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh năm học 2021 - 2022. Nhà trường có một câu lạc bộ dành cho những em thích nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hằng năm chọn đề xuất các ý tưởng nghiên cứu, đề tài nào khả thi sẽ khuyến khích học sinh làm với sự tư vấn của các thầy cô giáo.

Máy phân loại rác tự động Máy phân loại rác tự động 'made by' sinh viên

TTO - Chỉ cần cho rác thải vào ngăn, máy sẽ nhận dạng và đưa về đúng hộc chứa rác. Đây là thiết bị do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dốc sức nghiên cứu với mong muốn giúp việc phân loại rác thuận tiện hơn nơi công cộng.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên